(KTSG) - Mùa báo cáo tài chính quí 3-2024 của các doanh nghiệp niêm yết vừa kết thúc, ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực với mức tăng trung bình hơn 21% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm bất động sản, mặc dù lợi nhuận tăng trưởng thấp hơn trung bình thị trường, nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, cho thấy khả năng thoát đáy thành công.
Bất động sản có quí tăng trưởng cao nhất trong năm
Theo dữ liệu kết quả kinh doanh quí 3-2024 do nền tảng FiinPro-X tổng hợp từ báo cáo tài chính của hơn 1.060 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HSX, HNX và UpCom, chiếm hơn 98,5% vốn hóa toàn thị trường, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường đã tăng hơn 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngành tài chính tăng 15,7% và nhóm ngành phi tài chính tăng 29%.
Riêng với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn HSX và HNX, sự phục hồi khá rõ nét trong quí 3-2004 với mức tăng doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ đạt lần lượt là 16,9% và 19,3%. Nếu so với quí trước, doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt là 24,3% và 84%.
Mặc dù doanh nghiệp đầu ngành Vinhomes ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ (từ 14.575 tỉ đồng trong quí 3-2023 xuống còn gần 8.980 tỉ đồng trong quí 3-2024), mức tăng trưởng của ngành được hỗ trợ đáng kể bởi Novaland khi doanh nghiệp này chuyển từ khoản lỗ 6.726 tỉ đồng trong quí 2-2024 sang mức lãi hơn 2.950 tỉ đồng trong quí 3-2024.
Tồn kho tăng nhưng nợ vay có xu hướng giảm
Tính đến quí 3-2024, hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đạt hơn 527.000 tỉ đồng, chiếm 28,2% tổng tài sản và tăng 4,5% so với cùng kỳ. Sự gia tăng tồn kho phản ánh tâm lý thận trọng của người mua trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, khó khăn trong pháp lý dự án và mất cân đối cung cầu ở một số phân khúc nhà ở.
Nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn, đặc biệt là phân khúc dưới 50 triệu đồng/mét vuông gần trung tâm Hà Nội và TPHCM vẫn rất cao, các dự án mới mở bán thường đạt tỷ lệ hấp thụ nhanh. Tuy nhiên, mặc dù nhiều quy định pháp lý về kinh doanh bất động sản đã ban hành, tiến độ triển khai dự án thực tế vẫn còn chậm, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung mới. Các doanh nghiệp cũng cần thời gian để điều chỉnh phân khúc sản phẩm nhằm giảm tồn kho ở các phân khúc trung và cao cấp. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường yếu như thời gian vừa qua, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó khăn, các tổ chức tín dụng chỉ chấp nhận tăng giải ngân cho các doanh nghiệp có cấu trúc nợ bền vững, và các dự án có pháp lý hoàn thiện.
Một dấu hiệu được cho là tích cực đó chính là nợ vay của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã giảm, mặc dù tốc độ còn chậm. Cụ thể, nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản đạt gần 560.000 tỉ đồng trong quí 3-2024, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ và chiếm 24,6% so với tổng tài sản.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã có nỗ lực trong việc cơ cấu lại nguồn vốn, giảm bớt áp lực tài chính. Mặt bằng lãi suất thị trường giảm cũng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng vốn vay. Nhiều tổ chức tín dụng cũng sẵn sàng tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án khả thi.
Thị trường bất động sản đã chạm đáy?
Thị trường căn hộ hiện nay đang phục hồi rõ nét nhưng có sự phân hóa giữa Hà Nội và TPHCM. Trong khi tại khu vực TPHCM, số lượng dự án mở bán mới hạn chế, mặc dù nhu cầu ở phân khúc tầm trung trở xuống vẫn cao thì ngược lại, thị trường Hà Nội duy trì mức hấp thụ khả quan, đặc biệt với các dự án phân khúc hạng B có tỷ lệ lấp đầy trên 80%.
Mặc dù doanh nghiệp đầu ngành Vinhomes ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (từ 14.575 tỉ đồng trong quí 3-2023 xuống còn gần 8.980 tỉ đồng trong quí 3-2024), mức tăng trưởng của ngành được hỗ trợ đáng kể bởi Novaland khi doanh nghiệp này chuyển từ khoản lỗ 6.726 tỉ đồng trong quí 2-2024 sang mức lãi hơn 2.950 tỉ đồng trong quí 3-2024.
GDP năm 2024 dự kiến tăng trưởng từ 6,5-7%, lạm phát ổn định, lãi suất giảm và nhu cầu nhà ở và đầu tư dự kiến đều gia tăng. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn pháp lý và đưa ra sản phẩm phù hợp với thị trường.
Từ góc độ vĩ mô và số liệu kết quả kinh doanh, có thể thấy thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng sự phục hồi sẽ cần thời gian. Các doanh nghiệp cần cơ cấu lại danh mục dự án và tài chính để phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của người dân.
Theo đó, để thị trường ngày càng phát triển ổn định hơn, ngoài việc cơ quan quản lý tăng cường các biện pháp ổn định vĩ mô, thúc đẩy đầu tư hạ tầng, thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại năng lực tài chính và phân khúc sản phẩm bán hàng của mình, trước hết để giải quyết vấn đề dòng tiền, và sau cùng là để phát triển thị trường ngày càng bền vững hơn.