Nhu cầu than trỗi dậy nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi
Khánh Lan
(KTSG Online) – Nhu cầu điện tăng vọt khi các nền kinh tế trên thế giới bật dậy cộng với việc giá khí đốt đắt đỏ đã thổi luồng sinh khí mới cho ngành công nghiệp điện than, bất chấp những tai tiếng về môi trường của nó.
Tiêu thụ than bật tăng khi phương Tây tái mở cửa
Ngành công nghiệp khai thác than thoái trào ở nhiều nước trong những năm qua nhưng mức tiêu thụ than đang tăng ở Mỹ, Trung Quốc lẫn châu Âu, bất chấp sức ép ngày càng gia tăng của các chính phủ, giới đầu tư và các tổ chức bảo vệ môi trường đối với việc hạn chế khí thải carbon. Lý do hàng đầu cho sự cải thiện trong mức tiêu thụ than là nhu cầu điện đang tăng vọt giữa lúc các nền kinh tế phương Tây tái mở cửa nhanh chóng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1980 khi các nền kinh tế phát triển ồ ạt chi tiêu để chống lại tác động của Covid-19.
Tại Mỹ, sự cải thiện của các điều kiện kinh tế hứa hẹn thúc đẩy doanh số bán lẻ điện trong ngành công nghiệp và ngành thương mại tăng thêm 2% trong năm 2021, theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Tính từ đầu năm đến giữa tháng 6, than cung cấp 23% sản lượng điện của Mỹ, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, theo phân tích của Công ty Tư vấn Năng lượng Wood Mackenzie dựa vào dữ liệu của EIA.
Wood Mackenzie cho rằng đà phục hồi kinh tế cộng với giá khí thiên nhiên đang tăng cao hơn đã khiến một số công ty điện lực chuyển sang sử dụng than. Công ty điện lực Southern ở TP Atlanta đang sử dụng than để sản xuất 22% tổng sản lượng điện của công ty trong quí 1, tăng so với mức 17% vào cùng kỳ năm ngoái.
Một nhà máy nhiệt điện than của Công ty Georgia Power, đơn vị thành viên của Công ty Southern, có trụ sở ở Atlanta, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s dự báo, tiêu thụ than của Mỹ sẽ tăng đến 10% trong năm 2021 và điều này sẽ giúp cải thiện doanh thu của các công ty khai thác than.
Hai nhà sản xuất than lớn nhất Mỹ, Peabody Energy và Arch Resources ghi nhận nhu cầu than có nhiệt năng cao dùng để sản xuất điện tăng cao hơn trong quí 1.
“Dù đang chứng kiến nhu cầu than tạm thời cải thiện nhờ nền kinh tế tăng tốc, nhưng về dài hạn, chúng tôi dự báo thị trường than trong nước và toàn cầu vẫn khó khăn”, nhà sản xuất than Arch Resources cho biết trong một bản công bố thông tin hồi tháng 4.
Hầu hết các công ty khai khoáng lớn trên thế giới tiếp tục loại bỏ các tài sản than dù giá than đang tăng lên mức cao trong nhiều năm. Tại châu Âu, xu hướng tiêu thụ than để sản xuất điện ở một số nước gồm Đức và Pháp đang tăng lên trong năm nay, theo Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects. Dữ liệu của Energy Aspects cho thấy xu hướng này cũng đang xuất hiện trong những tuần gần đây ở Anh, nước đã tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than kể từ năm 2024.
Bên cạnh nhu cầu điện đang tăng, sức tiêu thụ than ở châu Âu cũng được hỗ trợ bởi tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt. Điều này khiến giá khí tự nhiên tăng cao, làm tăng sức hấp dẫn của than đối với một số nhà sản xuất điện.
Ngay cả Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Gần đây, một số tỉnh ở miền Nam Trung Quốc xảy ra các sự cố điện do tiêu thụ điện tăng mạnh và thời tiết nóng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC).
Một mỏ than lộ thiên ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Không dễ từ bỏ than ngay lập tức
Các nước đã chi hàng tỉ đô la để phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ kỷ lục nhưng các dự án điện gió và điện mặt trời chỉ sản xuất điện khi trời có nắng và có gió. Hạn chế này có nghĩa là thế giới vẫn phải phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt vào những thời kỳ nhu cầu điện tăng đột biến.
Giới phân tích nói rằng sự phụ thuộc này sẽ kéo dài cho đến khi thế giới tăng công suất năng lượng tái tạo cùng với các hệ thống tích trữ năng lược sạch này, chẳng hạn hệ thống trữ điện bằng pin lithium-ion.
“Rất khó để thoát khỏi than vì vai trò bảo đảm an ninh năng lượng của nó. Khi các chính phủ đối mặt với sự lựa chọn không cung cấp điện hoặc sử dụng than, họ sẽ chọn sẽ sử dụng than”, Kathryn Porter, người sáng lập Công ty Tư vấn Năng lượng Watt-Logic, nói.
Một số nhà phân tích nói rằng sự trỗi dậy của nhu cầu than là trường hợp riêng biệt chỉ xảy ra trong đại dịch. Họ lưu ý rằng tiêu thụ than bật tăng sau khi nhu cầu than sụt giảm mạnh vào năm ngoái do nhu cầu điện thấp và giá khí thiên nhiên rẻ.
Các nhà phân tích khác cho rằng sự trỗi dậy của than cho thấy thách thức của nỗ lực hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện ngay cả khi năng lượng tái tạo ngày càng được phát triển nhanh chóng và rộng rãi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ vượt mặt than vào năm 2025, chiếm khoảng 33% cơ cấu sản lượng điện toàn cầu.
Ban đầu, hầu hết các lưới điện có thể dung nạp một số công suất năng lượng mặt trời, năng lượng gió và đối phó với thực tế là sản lượng của chúng phụ thuộc vào thời tiết và thời gian trong ngày bằng cách chẳng hạn như sử dụng điện khí và điện than như một biện pháp dự phòng. Nhưng khi sản lượng điện từ năng lượng tái tạo tăng lên, nhu cầu cho biện pháp dự phòng đó tăng theo.
Chris Kimmett, Giám đốc Năng lượng của Công ty Cung cấp Dịch vụ Ổn định Lưới điện Reactive Technologies cho biết, các giải pháp tiềm năng khác bao gồm xây dựng các hệ thống pin có thể lưu trữ năng lượng tái tạo qua các mùa.
Một số nhà phân tích cho rằng các vấn đề hay tình trạng nhu cầu điện tăng đột biến có thể trở nên trầm trọng hơn khi các lĩnh vực trước đây không sử dụng điện, chẳng hạn như xe cộ, đang chuyển qua sử dụng điện.
Ví dụ, ở Na Uy, nơi doanh số bán xe điện đã vượt qua xe động cơ đốt trong, tiêu thụ năng lượng của xe điện được dự báo sẽ tăng gấp đôi, lên mức 2% tổng nhu cầu điện của nước này trong 3 năm tới, theo Công ty Tư vấn Volue.
Jonathan Cole, Giám đốc Bộ phận Điện gió xa bờ của Công ty Iberdrola, cho rằng sự gia tăng của sản lượng điện than “củng cố thông điệp cho mọi chính phủ rằng chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng”. Ông nói: “Nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng khi chúng ta sử dụng điện trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế hơn, và không thể tưởng tượng được rằng than có thể là một phần của cơ cấu năng lượng trong tương lai”.
Theo Wall Street Journal