Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chưa hạ nhiệt

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tăng vọt trong thời kỳ dịch bệnh khi mạng lưới vận tải đường bộ và đường biển bị thắt chặt vì các quy định về phòng chống dịch bệnh của từng nền kinh tế. Nhưng ngay cả khi những nút thắt đó bắt đầu giảm bớt, nhu cầu sử dụng máy bay để vận chuyển hàng hóa vẫn đang tăng lên. Xu hướng này siết chặt lợi nhuận của các chủ hàng nhưng nâng cao triển vọng kinh doanh của các hãng bay.

Nhu cầu vận tải hàng không tăng cao, giúp hãng bay Delta Air Lines (Mỹ) đạt  doanh thu vận chuyển hàng hóa quý 2 cao nhất từ ​​trước đến nay. Ảnh: Simple Flying

Tăng gánh nặng chi phí lên các hãng thời trang

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu trong năm 2022 sẽ thấp hơn khoảng 1/5 so với mức của năm 2019. Tuy nhiên, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không ước tính sẽ cao hơn 11,7% so với năm 2019 và cao hơn 4% so với năm 2021.

Trong cuộc họp báo với các nhà phân tích hồi đầu tháng này, Todd Ingledew, Giám đốc tài chính của thương hiệu thời trang cao cấp Aritzia (Canada) cho biết tỷ suất lợi nhuận của công ty ông trong năm nay sẽ thấp hơn 3 điểm phần trăm so với năm ngoái do chi phí vận chuyển hàng không từ các địa điểm sản xuất ở nước ngoài tăng cao hơn cao hơn. Ông cho biết sự phụ thuộc vận chuyển hàng bằng máy bay càng kéo dài thì sẽ càng gây tốn kém hàng triệu đô la mỗi năm.

Levi Strauss, nhà sản xuất quần jean của Mỹ, cho biết công ty chấp nhận chi phí vận chuyển hàng không cao hơn để nhanh chóng giao những sản phẩm thời trang theo mùa. Chi phí này khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của Levi Strauss giảm 0,8 điểm phần trăm trong quý gần nhất.

Trong khi đó, hãng bán lẻ thời trang Lululemon Athletica (Canada) dự báo biên lợi nhuận trong quý hiện sẽ giảm bao gồm mức giảm 1,5 điểm phần trăm do “áp lực từ chi phí vận tải hàng không trong bối cảnh các cảng bị tắc nghẽn cảng và hạn chế về năng lực ”.

Hãng thời trang Gap ước tính tiêu tốn 50 triệu đô la cho cước phí vận chuyển hàng không trong quý này. Đó là một trong những nguyên nhân nhà bán lẻ thời tranh này cắt giảm kỳ vọng lợi nhuận và Giám đốc điều hành Sonia Syngal phải rời ghế vào đầu tháng 7. PVH, một hãng thời trang khác của Mỹ, cũng tốn kém 12 triệu đô la trong quý gần nhất cho chi phí liên quan đến vận tải hàng không.

Zvi Schreiber, Giám đốc điều hành dịch vụ đặt chỗ vận chuyển Freightos, cho biết các ngành công nghiệp như thời trang nhanh từ lâu đã phụ thuộc vào vận tải hàng không để bắt kịp các xu hướng thời trang mới nhất. Giờ đây, một loạt công ty khác trong các lĩnh vực khác cũng đang vận chuyển bằng đường hàng không. Chẳng hạn, nhà sản xuất thiết bị kỹ thuật và an toàn Brady (Mỹ) cho biết đã vận chuyển các linh kiện quan trọng bằng đường hàng không trong quý gần đây nhất.

Vận chuyển hàng không vẫn đắt khách vì đáng tin cậy hơn

Cùng một khối lượng hàng hóa, vận chuyển bằng đường hàng phát thải carbon nhiều hơn so với vận chuyển bằng đường biển. Năm 2019, các tàu cointainer vận chuyển khối lượng hàng hóa nhiều hơn gần 350 lần so với máy bay nhưng chỉ phát thải carbon cao hơn 5 lần, theo Diễn đàn Vận tải quốc tế.

Tuy nhiên, vận tải hàng không giúp hàng hóa đến nhanh hơn và đã được chứng minh là đáng tin cậy hơn so với các lựa chọn khác khi các cảng biển quá tải, tài xế xe tải khan hiếm và các kho hàng đã đầy trong đại dịch. Nhu cầu vận tải hàng không tăng cao trước mùa lễ năm ngoái khi các nhà bán lẻ chạy đua bổ sung các sản phẩm lên kệ hàng

Áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh điểm vào tháng 12 năm ngoái, nhưng vẫn ở các  mức cao trong lịch sử, theo một chỉ số do Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực New York công bố.

Chi phí vận tải hàng không giảm gần đây sẽ giúp các chủ hàng bớt căng thẳng. Ví dụ, giá cước vận chuyển hàng không trung bình từ Thượng Hải đến Mỹ đã giảm khoảng 50% so với mức đỉnh vào tháng 12, dù vẫn cao hơn gấp đôi mức của năm 2019, theo dữ liệu của Baltic Exchange.

Nhu cầu vận tải hàng không tăng trưởng giúp hãng bay Delta Air Lines (Mỹ) đạt doanh thu vận chuyển hàng hóa quý 2 cao nhất từ ​​trước đến nay, với mức tăng trưởng 46% so với năm 2019.

“Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn khá đáng kể. Tôi không thấy vấn đề này được giải quyết rốt ráo trong 12 tháng tới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng triển vọng vận tải hàng không sẽ khá khả quan”, Ed Bastian, Giám đốc điều hành của Delta, nói.

Marie Owens Thomsen, nhà kinh tế trưởng của IATA, cho biết  tỷ trọng doanh thu vận chuyển trong tổg doanh thu của các hãng hàng không toàn cầu đã tăng hơn gấp ba lần trong giai đoạn 2016-2021, Dù vậy, bà lưu ý  tỷ trọng này có thể sẽ giảm xuống khi nhu cầu bay của hành khách quay trở lại mức trước đại dịch.

Các hãng sản xuất máy bay cũng đặt cược lớn vào nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng cao kéo dài. Nhà sản xuất máy bay của Mỹ, Boeing cho biết công ty có kế hoạch tăng 80% số lượng máy bay vận tải của hãng được sử dụng trong hai thập niên tới. Airbus, đối thủ chính của Boeing, có kế hoạch tăng số máy bay vận tải của hãng đang hoạt động thêm 50% vào năm 2041.

Darren Hulst, Phó chủ tịch tiếp thị thương mại của Boeing, cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của vận tải hàng không”.

Các hãng vận tải biển cũng lấn sâu vào lĩnh vực vận tải hàng không. Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, Maersk, có trụ sở tại Đan Mạch, đã ra mắt một đơn vị vận tải hàng không mới vào tháng 4. Trong khi đó, hãng vận tải biển CMA CGM của Pháp đã đặt hàng sáu máy bay cho bộ phận vận tải hàng không non trẻ của mình kể từ tháng 11- 2021.

“Trong suốt thời kỳ này, chúng ta đã vận chuyển nhiều thứ bằng đường hàng không mà trước đây chúng chưa từng được vận chuyển bằng đường hàng không. Nhưng mọi thứ sẽ bình thường hóa vào một thời điểm nào đó”, Owens Thomsen cho  biết.

Tuy nhiên, một số nhà nhập khẩu Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng vận tải hàng không do các tuyến đường vận biển được dự báo sẽ tắc nghẽn kéo dài cho đến sau kỳ nghỉ lễ vào cuối năm. Harmit Singh, Giám đốc tài chính của Levi Strauss, dự báo chi phí vận tải hàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến ít nhất là năm 2023.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới