(KTSG Online) - Bất ổn kinh tế do chiến tranh thương mại đẩy nhu cầu vàng trên toàn cầu tăng vọt lên mức 1.206 tấn trong quí 1-2025, đánh dấu mức cao nhất trong quí đầu năm kể từ năm 2016, theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC).

Tiêu thụ vàng toàn cầu đạt 1.206 tấn trong ba tháng đầu năm, tăng 1% so với quí 1-2025, WGC cho biết trong báo cáo xu hướng nhu cầu vàng hàng quí hôm 30-4.
Trong cuộc phỏng vấn với Kitco News, Joseph Cavatoni, nhà chiến lược gia thị trường cấp cao của WGC nhấn mạnh, có ba trụ cột vững chắc hỗ trợ nhu cầu vàng. Đó là nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua vàng miếng và vàng xu, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng hồi sinh mạnh mẽ và các ngân hàng trung ương không ngừng tích lũy vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Cavatoni cho rằng, kế hoạch tái cấu trúc thương mại toàn cầu của chính phủ Mỹ với các mức thuế quan áp lên hàng nhập khẩu đang gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Điều này thúc đẩy nhà đầu tư, các quỹ quản lý tài sản và ngân hàng trung ương phải đánh giá lại cách cân bằng rủi ro. Các tài sản rủi ro cao (cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp) và mức nợ công cao của Mỹ thậm chí khiến một số người đặt câu hỏi về độ tin cậy của trái phiếu chính phủ Mỹ.
“Các ngân hàng không còn mạo hiểm đổ vốn vào các tài sản rủi ro như trước. Tài sản rủi ro giờ đây biến động đồng pha và mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây. Trái phiếu chính phủ Mỹ cũng bị nhìn nhận khác đi. Điều này khiến mọi người tìm cách cân bằng danh mục đầu tư để tập trung vào vàng”, ông nói.
Cavatoni nhấn mạnh, nhu cầu đầu tư vàng đã lan rộng từ người tiêu dùng phương Tây đến phương Đông.
Theo chuyên gia này, giá vàng đang trải những biến động tự nhiên nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy đây là nhu cầu mua cơ bản, không chỉ là đầu cơ. Với các bất ổn trên thị trường tài chính, vàng vẫn sẽ được săn đón mạnh mẽ bởi cả nhà đầu tư lẫn ngân hàng trung ương.
Nhà đầu tư đổ xô vào quỹ ETF vàng
Dù nhu cầu vàng đạt mức chưa từng có, đẩy giá lên kỷ lục trong năm ngoái, một phân khúc quan trọng của thị trường, quỹ ETF vàng, khá trầm lắng. Tuy nhiên, nhu các quỹ này trỗi dậy mạnh mẽ kể từ đầu năm, với 226,5 tấn vàng chảy vào các quỹ ETF toàn cầu trong quí 1, đảo ngược mức rút ròng 113 tấn rút ra vào cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vàng miếng và vàng xu cũng tăng 3%, lên 325,4 tấn trong quí vừa qua.
“Các quỹ ETF vàng toàn cầu chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ với nhà đầu tư từ khắp nơi tăng nắm giữ đáng kể. Xu hướng này cũng thể hiện trong nhu cầu vàng miếng và vàng xu”, các nhà phân tích của WGC cho biết.
Một xu hướng mới là nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đang hoạt động sôi nổi hơn. Dòng vốn rót vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc mạnh hơn so với các quỹ ETF vàng ở Bắc Mỹ trong tháng qua.
Cavatoni cho rằng, khó có khả năng nhu cầu đầu tư vàng giảm trong ngắn hạn. Ngay cả khi căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế dịu lại, các mối quan hệ thương mại và lòng tin giữa các đồng minh cần thời gian để hàn gắn.
“Rất khó để hình dung kịch bản giá vàng giảm mạnh. Việc phân bổ vốn chiến lược để giảm thiểu rủi ro vẫn cực kỳ mạnh mẽ. Nhà đầu tư không xem mức giá vàng 3.000 đô la Mỹ/once là quá đắt. Nhà đầu tư đang nhìn bức tranh lớn hơn và xem vàng như một thành phần quan trọng trong danh mục đầu tư”, Cavatoni nói.
Nhu cầu của ngân hàng trung ương chững lại
Bên cạnh nhu cầu đầu tư mạnh mẽ, WGC cho biết, các ngân hàng trung ương vẫn là trụ cột vững chắc dù nhu cầu đã chậm lại so với mức kỷ lục năm ngoái. Các ngân hàng trung ương mua 243,7 tấn vàng trong quí 1 giảm 21% so với 309,9 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Theo các nhà phân tích của WGC, dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái trước, mức nhu cầu này vẫn cao hơn 24% so với mức trung bình 5 năm.
Xu hướng mua ròng vàng của khu vực ngân hàng trung ương đang bước sang năm thứ 16. Trong bối cảnh bất ổn tăng cao, vàng sẽ tiếp tục là thành phần quan trọng trong dự trữ quốc tế, hỗ trợ nhu cầu trong ngắn hạn, WGC nhận định.
Nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered lưu ý, giá vàng đứng trước rủi ro điều chỉnh do nhu cầu của khu vực ngân hàng trung ương đang chậm lại. Nếu rủi ro về thuế quan và suy thoái kinh tế giảm bớt thì có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Nhu cầu vàng trang sức suy yếu
Cavatoni nhấn mạnh, lĩnh vực công nghệ là “người hùng thầm lặng” trên thị trường vàng. Theo WGC, lĩnh vực công nghệ tiêu thụ 80,5 tấn vàng trong quí 1, gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, nhu cầu vàng của lĩnh vực công nghệ ổn định là dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế có thể bền bỉ hơn dự đoán.
“Người tiêu dùng vẫn chưa từ bỏ các sản phẩm cao cấp”, ông nói.
Tuy nhiên, không phải mọi phân khúc đều bùng nổ. Nhu cầu vàng trang chỉ đạt 380,3 tấn trong quí vừa qua, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu mức thấp nhất kể từ đại dịch 2020.
Cavatoni giải thích, giá vàng cao kỷ lục khiến người tiêu dùng không thể theo kịp. Giá vàng giao ngay đã tăng 26% trong năm nay và đã đạt nhiều mức cao kỷ lục.
Tại Trung Quốc, nhu cầu vàng trang sức giảm 35% do thu nhập tăng chậm và xu hướng chuyển sang các sản phẩm đầu tư vàng. Dù vậy, ông kỳ vọng nhu cầu vàng trang sức sẽ phục hồi nếu giá vàng ổn định.
Báo cáo của WCG cũng cho biết, nguồn cung vàng toàn cầu tăng 1% lên 1.206 tấn trong quí vừa qua nhờ sản lượng khai thác kỷ lục 856 tấn, mức cao kỷ lục của quí 1 hàng năm kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 2000.
Theo Kitco News, Mining.com