(KTSG) - Thất vọng thì công luận đã thất vọng rồi. Phẫn nộ thì công luận cũng đã phẫn nộ hết sức. Nhục nhã thì các bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa cũng đã nhục nhã ê chề. Có người còn nói bị ám ảnh bởi cái chết. Giờ thì 54 bị cáo chỉ còn chờ tòa tuyên án cho những hành vi không có tính người trong đại dịch...
- Quốc hội: làm rõ hơn vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu trong báo cáo giám sát
- Chi phí đắt đỏ cho những chuyến bay giải cứu
Nhưng từ phiên tòa xử đại án “chuyến bay giải cứu” trong đại dịch Covid-19, lại bật ra những câu hỏi không thể nào tránh né, những câu hỏi mà nếu không tìm ra lời giải thì sẽ không thể ngăn chặn những vụ án tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn, tái diễn trong tương lai. Bởi chống tham nhũng thành công suy cho cùng không phải là đưa được nhiều bị cáo ra tòa, mở được nhiều phiên xử án, mà là triệt tiêu, đẩy lùi nạn tham nhũng đến mức không còn tội phạm tham nhũng để xử hoặc phải xử rất ít tội phạm.
Câu hỏi đầu tiên là vì sao các “chuyến bay giải cứu” nhằm thực hiện “chính sách nhân đạo” của Đảng và Nhà nước không do chính bộ máy nhà nước đứng ra thực hiện mà lại giao cho doanh nghiệp, còn cơ quan nhà nước chỉ làm mỗi việc cấp phép để rồi từ đó dẫn đến đòi hối lộ và đưa hối lộ để được cấp phép bay?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phân tích trên báo Tuổi Trẻ ngày 16-7-2023: Tổ chức các “chuyến bay giải cứu” là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Trách nhiệm thực thi chính sách này 100% thuộc về bộ máy công vụ. Bộ máy công vụ phải lên kế hoạch, phải tổ chức thực hiện thành công chính sách đã được đề ra. Khi cần thiết, bộ máy công vụ cũng có thể đứng ra thương lượng và thuê mướn các doanh nghiệp cung cấp một số dịch vụ có liên quan, chứ đây hoàn toàn không phải là công việc thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Câu hỏi đầu tiên là vì sao các “chuyến bay giải cứu” nhằm thực hiện “chính sách nhân đạo” của Đảng và Nhà nước không do chính bộ máy nhà nước đứng ra thực hiện mà lại giao cho doanh nghiệp, còn cơ quan nhà nước chỉ làm mỗi việc cấp phép để rồi từ đó dẫn đến đòi hối lộ và đưa hối lộ để được cấp phép bay?
Một phân tích hoàn toàn đúng nếu ta nhớ lại việc Nhà nước trước đây đã từng đứng ra tổ chức “bay giải cứu”, kịp thời đưa về nước những lao động Việt Nam đang làm việc ở các vùng, các quốc gia nổ ra chiến sự. Và nếu xét vai trò, trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước đối với công dân của mình trong những tình huống khủng hoảng, điều đó càng đúng, trước hết là về đạo lý, như khẩu hiệu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thậm chí, nếu ngân sách khó khăn, căng thẳng, Nhà nước vẫn đứng ra tổ chức nhưng có thể kêu gọi các công dân liên quan đóng góp một phần chi phí, với điều kiện phải công khai, minh bạch, rõ ràng.
Nhưng theo TS. Dũng, trong vụ “chuyến bay giải cứu”, mọi chuyện đã xảy ra hoàn toàn không phải như vậy. Một chính sách nhân đạo đã bị biến thành một cơ hội kinh doanh. Các cơ quan liên quan đã không đứng ra thực thi chính sách từ đầu đến cuối, mà giao cho các doanh nghiệp khai thác nhu cầu về nước tránh dịch của đông đảo bà con đang học tập và sinh sống ở nước ngoài. Và các doanh nghiệp đã khai thác nhu cầu về nước tránh dịch như một cơ hội béo bở để kinh doanh.
Đã kinh doanh thì phải có lãi, bảo đảm lãi cao khi khách hàng không có bất kỳ lựa chọn nào khác. Đương nhiên cũng sẽ chấp nhận mọi chi phí bôi trơn. Đây là nguyên nhân giải thích tại sao các doanh nghiệp sẵn sàng chi hối lộ các quan chức dễ dàng và mạnh tay như vậy.
Tất nhiên những người cuối cùng phải gánh chịu các chi phí bất hợp lý một cách phi nhân tính như vậy là những bà con đang khốn khổ vì dịch bệnh ở nước ngoài, những người đáng ra phải được trợ giúp chứ không phải bị tống tiền. Theo TS. Dũng, thể chế đã bị vận hành sai và những mặt trái của cơ chế thị trường đã kích hoạt.
Vậy, nếu muốn không tái diễn sai lầm, nếu không muốn chứng kiến hàng loạt quan chức phải ra tòa vì ăn bẩn trong lúc người dân khốn khổ, thể chế phải vận hành đúng, khi cần thì Nhà nước phải gánh lấy trách nhiệm không thể thoái thác, và không để kẽ hở cho quan chức lợi dụng để trục lợi cá nhân. Và tất nhiên, để làm được việc đó, cũng phải có đội ngũ cán bộ công chức giỏi, liêm chính và biết thương dân chứ không phải chỉ biết hành dân và nhũng nhiễu doanh nghiệp để nặn ra tiền.
Câu hỏi cuối cùng: Làm sao để thay đổi mối quan hệ doanh nghiệp - quan chức ở nước ta như xưa nay vẫn từng, đó là quan chức coi doanh nghiệp như chỗ để moi tiền, còn doanh nghiệp thì “nhận thức” mình phải cung phụng, hối lộ quan chức để được việc?
Câu hỏi thứ hai: Liệu có thể phòng ngừa hoặc ngăn chặn tham nhũng ngay khi nó vừa xảy ra, nói một cách hình ảnh là không để chuột xơi hết hũ gạo rồi mới đập chuột, để không phải chứng kiến hàng tá quan chức từ cấp cao tới cấp thấp, hàng chục doanh nhân đứng trước vành móng ngựa, sau khi hàng trăm tỉ đồng, hàng triệu đô la hối lộ, đút lót đã được trao tay?
Không ai không bị cám dỗ bởi quyền lực và việc tự do sử dụng, thậm chí lạm dụng quyền lực mà không bị kiểm soát, không bị ngáng trở. Cũng không ai không bị cám dỗ bởi lòng tham, bởi đồng tiền. Vấn đề là một thể chế lành mạnh thì phải có cơ chế thực sự hiệu quả cho xã hội, cho công luận giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ công chức để những cám dỗ nói trên không thể biến thành thực tế. Phải có cơ chế thực sự hiệu quả để người dân, doanh nghiệp, trí thức, báo chí nói lên tiếng nói có trách nhiệm với đất nước (dù có khó nghe đến đâu) thì mới có thể ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực và nguy cơ tham nhũng, ngăn ngừa lòng tham phát tác làm hư hỏng quan chức và bộ máy.
Một chính sách mới ban hành, nếu được thông tin đầy đủ và được công luận góp ý cũng như giám sát việc thực hiện (chẳng hạn các “chuyến bay giải cứu” sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào, những cơ quan nào, quan chức nào chịu trách nhiệm cụ thể việc gì, và nếu gặp khó khăn, nhũng nhiễu thì gõ cửa ở đâu) chứ không phải tất cả đều tù mù như việc tổ chức các “chuyến bay giải cứu” trong thời gian đại dịch thì sẽ có thể ngăn ngừa được sai phạm, tiêu cực, tham nhũng ngay từ đầu chứ không phải để cho hàng chục quan chức dính chàm, hàng chục doanh nhân sa vào vòng lao lý.
Kinh tế gia trưởng của UNDP tại Việt Nam, TS. Jonathan Pincus, từng nói: “Mỗi một quốc gia cần nhiều tiếng nói khác nhau cho sự phát triển, miễn là các tiếng nói đó là khách quan, có cơ sở khoa học và xây dựng”. Được như vậy thì cái giá phải trả qua các vụ tham nhũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Câu hỏi cuối cùng: Làm sao để thay đổi mối quan hệ doanh nghiệp - quan chức ở nước ta như xưa nay vẫn từng, đó là quan chức coi doanh nghiệp như chỗ để moi tiền, còn doanh nghiệp thì “nhận thức” mình phải cung phụng, hối lộ quan chức để được việc?
Làm sao để doanh nghiệp, nhân vật trung tâm trong phát triển kinh tế, có thể đường hoàng, thẳng lưng đóng góp tài trí cho phát triển đất nước mà không phải sợ hãi bất cứ điều gì ngoài chuyện vi phạm pháp luật và làm trái đạo đức?
Không tạo ra được sự thay đổi này, doanh nghiệp làm ăn đường hoàng sẽ không bao giờ lớn nổi, nền kinh tế sẽ mãi mãi không thể cất cánh, và đất nước Việt Nam khó thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình.
Vụ án “chuyến bay giải cứu” cho thấy: các quan chức ở nhiều bộ ngành đã coi doanh nghiệp hoàn toàn chỉ như hũ gạo để moi tiền. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, khi đang là Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cùng một số cán bộ của cục này bị xác định gây khó khăn, nhũng nhiễu, không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí hối lộ.
Như hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp bị truy tố trong vụ án, bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty thương mại, du lịch và dịch vụ hàng không An Bình khai đã nộp rất nhiều hồ sơ xin cấp phép chuyến bay nhưng chưa bao giờ được cơ quan nào hồi âm đạt hay không đạt, cần bổ sung tài liệu nào, cho đến khi đưa hối lộ cho bà Lan, có lần đưa 3 tỉ đồng ngay tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch Công ty Vija Sun khai luôn bị duyệt cấp phép sát ngày, để buộc phải chạy tiền. Bị cáo Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An cũng khai sau tám lần bị Cục Lãnh sự làm khó, đến lần thứ 9 công ty mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên do đã chi 600 triệu đồng cho Cục trưởng Hương Lan.
Ngoài bà Hương Lan, các bị cáo Phạm Trung Kiên, thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, và Vũ Anh Tuấn, phó phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cũng vậy, yêu cầu doanh nghiệp “lên gặp nói chuyện”, nghĩa là đến phòng làm việc để thỏa thuận giá cấp phép bay. Ngay như “anh Tô Anh Dũng (thứ trưởng Bộ Ngoại giao) không bao giờ đòi tiền. Khi xong việc, tôi đến cảm ơn anh vì được tạo điều kiện. Anh còn nói lần sau không được đưa nữa”, bà Mơ khai tại tòa. Nhưng ông Dũng sau đó vẫn nhận thêm của bà Mơ bảy lần, tổng cộng 8,5 tỉ đồng. Bà Mơ khai bà “nhận thức” rằng nếu không đưa sẽ không được bay nhanh và nhiều chuyến đến vậy.
Quan chức gây khó dễ để doanh nghiệp đưa hối lộ, hối lộ xong, được việc, tạo thành “nhận thức” không đưa sẽ không được việc. Vòng luẩn quẩn cứ thế diễn ra, kéo cả doanh nghiệp và quan chức xuống vũng bùn và vào tù. Nền kinh tế đất nước thì trì trệ, đi xuống.
Ngày nào vòng luẩn quẩn ấy chưa được phá vỡ, nguy cơ sa vào vòng lao lý với doanh nhân vẫn còn và nguy cơ tụt hậu với nền kinh tế vẫn luôn hiện diện.
Câu trả lời rất khó nhưng cũng rất dễ. Vấn đề là phải nhận ra vấn đề cốt yếu. Liêm chính, là tiêu chí cơ bản cho phẩm giá và uy tín của một con người. Với giới quan chức và doanh nhân, tiêu chí này càng tối quan trọng hơn, bởi vì mọi hành động của họ đều có tác động, ảnh hưởng rộng rãi, tích cực hoặc tiêu cực đến cộng đồng xã hội. Câu hỏi đặt ra là nên làm gì để cải thiện tình hình ? Liêm chính, vốn dĩ không phải là bản năng, càng không phải là thiên bẩm, mà do môi trường giáo dục, đào tạo, rèn luyện, thử thách, đánh giá… quyết định. Để có môi trường tốt, tất yếu phải dựa trên nền tảng tốt. Nền tảng đó chính là đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống, thể chế pháp luật, phẩm chất nhân lực, năng lực nhân tài.