(KTSG) - Chỉ vài ba hôm nữa, năm 2023 kết thúc. Bloc lịch đã cạn ngày. Tôi đi qua bên kia sông Sài Gòn, đến Thủ Thiêm để được làm chứng nhân cho một bán đảo trào dâng nội lực trẻ của TPHCM, nơi ấy công viên bờ sông đang bắt đầu hình thành.
- Cận cảnh công viên bờ sông Sài Gòn sắp đưa vào hoạt động
- Liệu mai này sông Sài Gòn có được như Chao Phraya?
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật, là đơn vị sở hữu ga tàu thủy ở bến Bạch Đằng và tuyến tàu buýt trên sông Sài Gòn gửi thư mời dự sự kiện ra mắt ga tàu thủy phía Thủ Thiêm, đồng thời muốn khách mời hóng gió trên tuyến tàu buýt du lịch hai tầng chạy dọc sông, kèm với lời nhắn: “Anh nhớ đến trải nghiệm sông nước Sài Gòn nhé”. Buổi chiều, màu trời tím rịm buông ánh xuống mặt sông, phía quận 1 thiên hạ nô nức đi chơi lễ Noel, nhưng không ít người đã leo lên những chiếc water bus của ông Toản qua phía quận 2, thành phố Thủ Đức để ngắm nhìn sự khoáng hoạt của một vùng đất trẻ.
Tôi cũng không ngoại lệ. Vừa bước xuống bán đảo Thủ Thiêm, trong đầu tôi chợt tái hiện và tua lại cuốn phim về một bán đảo hoang sơ của thập niên 1990. Dạo ấy, hầu như không ngày nào là tôi không chạy xe máy qua cầu Sài Gòn, vòng qua đường Trần Não, Lương Định Của để lấy tư liệu viết bài. Những bộn bề xới xáo một vùng đất mới cho cao ốc mọc lên, những bản đồ quy hoạch hàng chục dự án phát triển bất động sản theo đồ án của một công ty Mỹ đoạt giải và được chọn, như còn hiển hiện trước mắt. Vậy mà đã 30 năm trôi qua, kể từ khi dự án Thủ Thiêm manh nha, khởi đi từ bàn giấy cho đến triển khai trên thực tế!
Sau khi mục sở thị màn bắn pháo hoa khai trương công viên bờ sông Sài Gòn, tôi đảo quanh một vòng để nghe dội lại từ mặt sông tiếng đàn, giọng hát của những ca sĩ trẻ. Rồi trở lại bến Bạch Đằng của quận 1 chạy qua cầu Khánh Hội về hướng quận 4, nghe tiếng phần phật lá cờ treo trên cột cờ Thủ Ngữ tung trong gió. 158 năm qua, kể từ năm Ất Sửu (1865) cây cột cờ cao 30 mét ấy vẫn sừng sững, kể từ ngày người Pháp xây dựng để đón tàu sắt đến Sài Gòn. Cho đến tháng 8-2020, UBND TPHCM đã có quyết định cho trùng tu lại, ấy là câu chuyện ghi dấu ấn và tôn vinh một địa điểm được xem là biểu tượng của thành phố năng động, nghĩa tình.
Để rồi, tôi lang thang qua quận 3 cho hết buổi chiều, khi ánh điện đã bắt đầu sáng lên trên mọi nẻo đường. Len lỏi vào những khu biệt thự cũ, mà nhiều năm qua, có những hôm dần về khuya ngồi với bạn bè ở những ngôi quán nhỏ, nghe thoảng trong gió mùi hương nguyệt quế vươn lên từ gốc cổ thụ trổ qua tường rào. Chợt nhớ lời một anh bạn tên Sơn, là giám đốc một doanh nghiệp chuyên làm thiết kế quảng cáo, nói với tôi về thói quen gần như bất di bất dịch, rằng: “Những chiều cuối năm và buổi sáng ngày đầu năm mới có cảm thức lạ lắm. Tôi vẫn có thói quen uống vài ly trà buổi chiều với vài người bạn thân đàm đạo câu chuyện qua một năm. Còn buổi sáng sớm Tết Dương lịch, hơn 20 năm rồi không đi khỏi Sài Gòn, để ra quán cà phê ngồi một mình kêu ly đen nhìn người ta qua lại. Với tôi, khoảng thời gian ấy có cảm giác như hạnh ngộ với ký ức xưa cũ, đan xen với niềm tin vào năm mới, khi nhìn những gương mặt náo nức ngày đầu năm”.
Trở về nhà, hình ảnh của dòng sông, của những con đường và đặc biệt là cảm nhận được sự hồ hởi nhiệt tâm của doanh nhân Nguyễn Kim Toản, người đã từng thực hiện các dự án Có hẹn với Sài Gòn ở bến Bạch Đằng, khi nói với tôi rằng: “Tôi đã đi nhiều thành phố, ngắm nhìn biết bao con sông trên thế giới, nhưng không biết sao lại yêu dòng sông Sài Gòn đến thế. Vì vậy, tôi muốn đồng bào TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, mỗi khi dạo trên dòng sông này bằng những tour du lịch, cảm nhận được vẻ đẹp của thành phố và sự trỗi mình mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm. Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi tạm đặt cho hành trình trên sông Sài Gòn một slogan là “Kiến tạo niềm vui sông nước”.
Bỗng dưng, những buổi chiều dần về cuối năm, với tôi đầy ý nghĩa!