(KTSG) - Roland Barthes trong cuốn sách kỳ lạ này về Nhật Bản, không chỉ dừng ở mức độ thâm nhập và cắt nghĩa mã văn hóa của một đất nước, bước qua tình yêu với đất nước đó, mà truy vấn chính bộ môn mà ông được xem như một ông hoàng - một bộ môn được sinh ra từ truyền thống và phương pháp gắn với lý tính phương Tây - ký hiệu học - để đặt mình vào một trục nhìn khác.
- Nhật Bản: doanh nghiệp niêm yết trước áp lực mua thôn tính
- Ngân hàng Nhật Bản tấp nập rót vốn cho startup, kỳ vọng tạo ‘kỳ lân’
Trong cuốn sách tập hợp những bài tiểu luận, ghi chép xuất sắc về du hành in năm 1984 có tựa Collezione di sabbia (bản dịch tiếng Việt: Bộ sưu tập cát, Hà Vũ Trọng dịch, Phanbook & NXB Hội Nhà văn, 2023), nhà văn Ý Italo Calvino có những ghi chép khá thú vị về Nhật Bản. Một nhận định đáng nhớ của ông về đất nước này khi quan sát khung cảnh một nhà ga tại Tokyo: “Ở Nhật Bản, những khoảng cách vô hình mạnh hơn những khoảng cách nhìn thấy được”. (trong bài Bà cụ mặc bộ kimono màu tím).
Đi vào Nhật Bản
Cái “khoảng cách vô hình” mà Italo Calvino suy tư và gọi tên khi đi vào một Nhật Bản theo cách của một văn nhân du khách, đó cũng chính là điều mà Roland Barthes gọi là sự “rỗng” trong cuốn Đế chế ký hiệu (Nguyễn Duy Bình dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2023).
Ông viết: “Đế chế ký hiệu ư? Đúng vậy, nếu ta hiểu rằng những ký hiệu thì rỗng và nghi thức thì không có thần linh”.
Và để bước vào Nhật Bản, có lẽ Roland Barthes đã bước qua truyền thống lý tính của mình để thiết lập một sự tương thông. Trong Đế chế ký hiệu, ông nhiều lần đề cập đến sự “mù mờ”, “ái kỷ” đã ăn sâu vào tâm thức học giả châu Âu khi nhìn về phương Đông nói chung, Nhật Bản nói riêng. Đông-phương-luận (thuật ngữ chỉ cách nhìn Phương Đông theo cách/tư duy/phương pháp của phương Tây) là một nguy cơ xuất phát từ sự diễn dịch văn hóa và chủ nghĩa ái kỷ, bá quyền trong văn hóa.
Ở đây, trong tư cách một nhà ký hiệu học, nhà hậu cấu trúc luận, cách nhìn về Nhật Bản của Roland Barthes lại có một gợi mở thú vị cho những ai quan tâm tới văn hóa học khi đối chiếu với phương pháp diễn giải của nhà nhân học Claude Lévi-Strauss thể hiện qua cuốn L’Autre face de la Lune - Écrits sur le Japon (bản tiếng Việt: Mặt khác của trăng - Khảo luận về Nhật Bản, Nguyễn Duy Bình dịch, Sao Bắc & NXB Thế giới, 2018). Cả hai đều từ Pháp, là những người đi sâu vào cấu trúc luận và có thể nói, họ đến Nhật Bản trong những mốc thời gian khá gần nhau - xê dịch trong thập niên 1970 và 1980.
Dịch chuyển và phân mảnh
“Tác giả chưa bao giờ, theo mọi nghĩa, chụp hình đất nước Nhật Bản. Ngược lại thì đúng hơn: Nhật Bản soi rọi cho tác giả bằng vô vàn chớp sáng; hoặc hơn thế: Nhật Bản đưa tác giả vào tình thế viết. Tình thế này chính là tình thế diễn ra một sự rúng động nhất định của con người cá nhân, một sự lật lại những gì đã đọc trước đó, một sự rung chuyển của nghĩa, khi nghĩa bị xé tan, bị vắt kiệt đến tận tính Không, một tính rỗng không có gì có thể thay thế trong khi sự vật vẫn không bao giờ ngừng mang giá trị biểu đạt và hấp dẫn”, về phần mình, Roland Barthes đã khẳng định như vậy vào năm 1970 trong bài đầu của cuốn sách Đế chế ký hiệu viết sau chuyến đi Nhật dài ngày theo lời mời của nhà văn Maurice Pinguet (lúc bấy giờ là giám đốc Viện Pháp - Nhật ở Tokyo).
ROLAND BARTHES (1915-1980) là nhà ký hiệu học, nhà hậu cấu trúc luận, nhà phê bình văn học nổi tiếng người Pháp. Tác phẩm đã dịch, xuất bản tại Việt Nam: Những huyền thoại, Độ không của lối viết...
Trong những quan sát và giải mã của Roland Barthes, Nhật Bản vừa là một địa hạt mà các hiện tượng, diễn cảnh văn hóa hàm chứa đặc trưng triết lý Sắc-Không trong Bát nhã Tâm kinh (cho rằng, “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không thức thị sắc”). Điều này thể hiện qua cách người Nhật dùng đũa, trình bày một mâm cơm cho đến cách quy hoạch một đô thị như Tokyo, từ bài thơ haiku cho đến ngôn ngữ Nhật Bản...
Bài viết về cách người Nhật dùng đũa có thể là ghi nhận thú vị trong lối tiếp cận văn hóa, biểu đạt được điều gì ẩn sâu sau một nếp sinh hoạt ẩm thực hàng ngày. Với cách trình bày mâm cơm mà ở đó các món ăn cho thấy sự “giải trung tâm”, đôi đũa đã được sử dụng vượt quá chức năng, công cụ, mà là một sự thu nhỏ (hài hòa với sự chia nhỏ của hình dạng thức ăn), đũa tạo nên tính định, dịch, biến trong cái “vũ trụ” của bữa ăn Nhật Bản. Tác giả viết, “với đũa, thức ăn không còn là một con mồi đối tượng của bạo lực (con mồi thịt mà người ta đánh nhau tranh giành nó) mà là một chất liệu được chuyển dời một cách hài hòa” và “như người mẹ hiền, đũa thực hiện không biết mệt mỏi cử chỉ mớm thức ăn, nhường cử chỉ ăn mồi cho những thói tục ăn uống của phương Tây, được vũ trang dao, nĩa” (trang 31).
Với cách quan sát và cắt nghĩa tinh tế, giải mã công phu và thể hiện cô đọng như những tản văn, tác giả Đế chế ký hiệu dẫn người đọc đến nhà bếp Nhật Bản, nơi một nghệ nhân cắm một chiếc đinh vào đầu con lươn sống, róc xương, lọc thịt thật mau lẹ và tạo nên món ăn có những khe “rỗng”. Ông dẫn chúng ta đi trong thủ đô hiện đại Tokyo và nói rằng đó là một đô thị có “trung tâm rỗng”, và việc định vị những địa điểm không theo thông thường: “bên ngoài địa bạ” còn các nhà ga thì như “những cái lỗ”, “điểm rỗng dồi dào việc làm và khoái lạc” (các bài: Nhà ga, Không địa chỉ, Trung tâm thành phố, trung tâm rỗng).
Có những hiện tượng văn hóa được Roland Barthes giải mã sẽ khiến chính người châu Á giật mình vì xuất phát từ những suy tư cặn kẽ về văn hóa, tư tưởng. Ví dụ như khi ông nói về cách người Nhật cúi chào và thử đặt trong cách hiểu về nghi thức của phương Tây. Ông đã ngầm cho rằng, tính cá nhân làm mất đi ý niệm về sự lễ phép, và lễ phép, nếu có đã được khoác lên nghi thức thiêng liêng, tôn giáo. Trong khi đó, cung cách người Nhật chào nhau bằng cách cúi gập người xuống thấp như là một “thực hành tính rỗng” thể hiện qua đường nét “đồ họa” của cơ thể. Ông viết: “Thói quen nói năng ở phương Tây chúng ta vốn rất độc địa, bởi tôi nói rằng ở nơi ấy lễ phép là một thứ tôn giáo, tôi lại khiến người ta hiểu rằng ở sự lễ phép ấy có gì đó thiêng liêng; cách diễn đạt này cần hiểu lệch đi, để ám chỉ rằng nơi ấy tôn giáo chẳng qua là một cách lễ phép, hoặc hơn thế: tôn giáo đã bị thay thế bằng lễ phép” (trang 91).
Khảo sát từ hình thái của đường mi mắt người Nhật, bài thơ haiku, miếng tempura, kịch rối Bunraku hay trò chơi Pachinko..., Roland Barthes đưa ta đi hết những lớp mã tinh vi này đến các ký hiệu uyên nguyên khác. Giữa cái thị giác trông thấy và cái chứa đựng là một thế giới quan dịch chuyển có màu sắc Thiền tông Nhật Bản, giữa những quy ước văn hóa đặt trên tư tưởng “sắc-không”, qua lối dẫn giải của Roland Barthes, cho dù ta có đồng tình hay không, thì cũng sẽ đi đến một sự thưởng ngoạn và khai mở kỳ thú trong cuộc du hành ký hiệu học.
Chắc hẳn là không ít bất ngờ, không ít hứng thú được gợi lên khi ta đặt đôi mắt ký hiệu học nhìn vào những hiện tượng trong đời sống của cộng đồng mình. Bởi diễn cảnh cuộc sống, nói theo cách tác giả của cuốn sách, là một “buồng ký hiệu”.