Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những điểm mờ của kinh tế Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt được nhiều thành tựu, trong đó đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng có thể đạt trên 7%, thu ngân sách nhà nước tính đến hết tháng 11 đã vượt tới 6,3% dự toán năm, còn kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng cũng tăng 15,4% so với cùng kỳ và cán cân thương mại thặng dư tới 24,31 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại dai dẳng những điểm mờ, khiến cho những thành tựu đạt được trở nên kém bền vững.

100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam chiếm đến 25% GDP của cả nền kinh tế. Ảnh: Xưởng sản xuất của Tập đoàn Thiên Long tại TPHCM.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động tăng 7,4% nhưng đồng thời số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng tăng tới 9,1% so với cùng kỳ, với 173.200 doanh nghiệp. Đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có chiều hướng tăng mạnh kể từ năm 2022 đến nay. Điều đó cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn, bất chấp một số chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan như tốc độ tăng GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu.

Hầu hết doanh nghiệp rút khỏi thị trường là có quy mô nhỏ. Đây đều là những doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào thị trường nội địa nên việc họ phải rút khỏi thị trường cũng phần nào cho thấy sức mua của thị trường trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn và số liệu thống kê đã cho thấy rõ điều này.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,8%, đây là mức tăng thấp nhất trong ba năm qua do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là ở khu vực thành thị với mức giảm tới 13,6 điểm phần trăm trong năm 2022 và xu hướng này vẫn còn chưa chấm dứt.

Tình hình trên cho thấy việc khôi phục niềm tin tiêu dùng, để người dân không còn tâm lý “phòng thủ” trong chi tiêu, qua đó kích nhu cầu nội địa là vô cùng quan trọng.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, nhưng xem ra biện pháp này vẫn chưa đủ. Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh và giảm trừ cho người phụ thuộc cho người chịu thuế thu nhập cá nhân có thể làm cho người làm công ăn lương thấy phấn chấn hơn, và cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như giới chuyên gia kinh tế đặt ra từ mấy năm nay, nhưng lại chưa được Bộ Tài chính ủng hộ do tổng lạm phát chưa đạt 20% theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, luật cũng là do con người đặt ra, nếu nó tạo ra gánh nặng cho người làm công ăn lương, khiến họ phải thắt chặt chi tiêu, làm suy yếu sức mua của thị trường nội địa thì nên sớm điều chỉnh.

Trong tình hình khó khăn đó, mọi hy vọng dồn vào hoạt động đầu tư công để cải thiện sức mua của thị trường. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn ì ạch. Tính đến hết tháng 10-2024, cả nước mới giải ngân được 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hai trọng điểm thu hút lao động của cả nước là TPHCM trong 10 tháng chỉ giải ngân được chưa tới 22%, còn Hà Nội tuy khá hơn nhưng trong 11 tháng cũng chỉ được 52,4%.

Nguyên nhân việc giải ngân đầu tư công chậm chạp được cho là do bất cập về thể chế, nhưng thực chất vẫn là do yếu tố con người trong bộ máy hành chính của Nhà nước. Những bất cập về quy định, luật lệ mà cuộc họp sơ kết, tổng kết năm nào cũng được chỉ ra một cách rõ ràng, nhưng nó cứ nghiễm nhiên tồn tại để cản trở tốc độ giải ngân đầu tư công suốt trong gần 10 năm qua. Có lẽ đây là lý do mà Tổng Bí thư Tô Lâm quyết định thúc đẩy việc cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính như bước đột phá để giải quyết điểm nghẽn thể chế cũng như tình trạng lãng phí nguồn lực của quốc gia.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới