Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những đứa con của đất rồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những đứa con của đất rồng

Trần Minh

Một con rồng Komodo đang đánh hơi tìm mồi ngay cạnh lối vào công viên quốc gia Komodo. Ảnh: Trần Minh.

(TBKTSG) – Quần đảo của những con rồng thật chứ không phải giả tưởng mang tên Komodo ở phía Đông Indonesia cho đến nay luôn chứa đựng nhiều điều kì bí. Ở đây đang diễn ra sự cộng sinh của loài bò sát to lớn từ thời tiền sử hàng triệu năm trước còn sót lại với loài động vật vốn còn rất trẻ trên trái đất: con người.

Một thế giới khác

Ai cũng biết Bali được những người ồn ào mệnh danh là “thiên đường du lịch” của Indonesia. Nhưng ít ai biết đó là cửa ngõ thuận tiện nhất để đến với xứ sở của rồng Komodo. Từ Bali đến quần đảo Flores (nơi có công viên quốc gia Komodo) mất khoảng một giờ bay thẳng về phía Đông. Chỉ có ba hãng máy bay nhỏ tổ chức chuyến bay trên tuyến đường này với giá vé khứ hồi từ 120-200 đô la Mỹ.

Chuyến bay từ Bali đến Flores luôn mang lại cho hành khách nhiều cảm xúc, nếu biết rằng mình đang vượt qua lằn ranh tự nhiên Wallace. Đó là biên giới đánh dấu sự khác biệt về sinh học giữa hai vùng đất gần kề nhau là Đông Nam Á và khu vực Đa đảo Úc Châu do nhà tự nhiên học Alfred Wallace xác định hơn 100 năm trước. Sự khác biệt đến kỳ lạ và khó giải thích. Chỉ cách một eo biển chưa đến 35 ki lô mét nhưng cây cối, động vật hầu như khác biệt hoàn toàn, thậm chí nhiều loài chim hầu như không bao giờ bay vượt lằn ranh.

Khi máy bay đáp xuống Labuan Bajo (thủ phủ của Flores), sự khác biệt xã hội cũng làm cho du khách ngạc nhiên không kém. Bali là nơi ồn ào náo nhiệt và thương mại hóa đến cực độ, còn Labuan Bajo – vùng đất mà cách đây không lâu các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dấu vết người cổ sống 20.000 năm trước – nhỏ bé, khiêm tốn và lạc hậu.

Sự khắc khổ thể hiện trên vẻ mặt của Kanish, người hướng dẫn du lịch đón chúng tôi tại sân bay và tháp tùng suốt cuộc hành trình đến Komodo. Anh là người Manggarai chiếm đại đa số trong nhiều tộc người sinh sống ở quần đảo nhỏ bé này. Họ trôi dạt đến đây từ nhiều vùng đất lân cận.

Bến tàu chính của Labuan Bajo rất vắng vẻ, chỉ lớn hơn cái cầu tàu ở Côn Đảo một chút. Bên cạnh đó là một vài hàng tạp hóa cũng nhỏ và vắng khách. Tuy vậy, đó cũng là những hình ảnh văn minh cuối cùng khi du khách lên tàu rời Labuan Bajo để đến công viên quốc gia Komodo.

Hành trình không xa, chỉ khoảng ba giờ lênh đênh trên biển, nhưng một lần nữa, cái cảm giác giã từ văn minh với đủ thứ luật pháp để đi vào một thế giới khác lại đến, thế giới mà đấu tranh sinh tồn bằng sức mạnh là quy luật thống trị.

Rồng Komodo

Sau khi trả 15 đô la Mỹ tiền vé vào cổng, 5 đô la cho chiếc máy chụp ảnh và 15 đô la cho chiếc máy quay phim, chúng tôi bước vào hành trình 5 ki lô mét đường rừng. Đi sau lưng Bruno, người bảo vệ rừng thấp bé với chiếc gậy gỗ dài khoảng 2 mét trong tay như thứ vũ khí duy nhất để bảo vệ du khách, bất giác tôi nhủ thầm: từ đây, nếu có chuyện gì xảy ra, mình sẽ phải tự lo thân mình thôi.

Xung quanh rồng Komodo có rất nhiều truyền thuyết. Với người Ata Momo bản xứ xa xưa (ngày nay hầu như đã tuyệt chủng) thì rồng là em gái hiền lành của con người. Dù thế nào thì thực tế không thể phủ nhận rằng rồng Komodo là giống ăn thịt máu lạnh (theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) cực kỳ nguy hiểm. Rồng Komodo ăn tạp, có thể tấn công và ăn luôn cả những con trâu rừng nặng hàng mấy trăm ký, rồng ăn cả đồng loại. Rồng Komodo cái sau khi đẻ trứng sẽ bỏ đi, rồng con vừa nở phải tự lo cho bản thân và điều đó rèn luyện thêm tính lạnh lùng, hung hãn.

Chính vì lẽ đó, nội quy cho cuộc phiêu lưu trên đất rồng rất rõ ràng: luôn luôn đi phía sau lưng người hướng dẫn, khi thấy rồng Komodo có khuynh hướng hung hãn càng không được chạy vì rồng có thể rượt đuổi với tốc độ 70-80 ki lô mét/giờ. Những người đang có vết thương trên cơ thể càng phải đề phòng vì rồng Komodo rất thích mùi máu và có thể đánh hơi từ cách xa 5 ki lô mét. Nghe đồn rằng mấy chục năm trước một du khách Thụy Điển vì tách ra khỏi đoàn mà đã ra đi không trở lại.

Sống bám vào rồng

Rừng sâu có những quy luật khắc nghiệt là vậy, nhưng con người cũng lặn lội đến vì miếng cơm manh áo, hay vì khát vọng chinh phục.

Bruno cho biết gia đình anh sống bằng nghề trồng trọt ở Labuan Bajo, nhưng vì muốn tăng thêm thu nhập, anh vượt biển ra đây làm nghề này. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, anh ở đảo 10 ngày rồi thay ca về đất liền 10 ngày để làm vườn.

Vài ngày sau ở Labuan Bajo, một hướng dẫn viên du lịch địa phương có cái tên rất “tây” là John cũng kể lại cuộc sống của mình: “Tôi vừa ở 10 ngày ở đảo rồng về đây. Ở ngoài đó buồn và nguy hiểm nhưng là cơ hội kiếm thêm chút tiền. Bây giờ, người ở đây ai cũng thích làm nghề hướng dẫn viên du lịch như tôi”.

Nghĩ về Bruno, về John, chứng kiến cảnh du khách hồi hộp, thích thú khi thấy những con Komodo hoang dã lớn nhỏ, hay những con trâu rừng khổng lồ đột ngột xuất hiện, rồi chụp hình, quay phim tới tấp, tôi có cảm giác buồn cười. Komodo tồn tại hàng triệu năm ở đây và có vẻ như đang là bậc sinh thành già cỗi nuôi nấng những đứa con trong thời đại “văn minh du lịch” tìm đến sống bám.

Một chuyến đi ra vườn quốc gia Komodo thường kéo dài hai đến ba ngày, trong đó có những đêm ngủ trên thuyền trong một vịnh nhỏ ở phía Nam đảo. Chiều chiều khi thuyền chở du khách từ từ đi vào vịnh, thì luôn có hàng chục chiếc thuyền chèo của cư dân địa phương từ trong bờ tiến ra “tiếp đón”.

Đa số trên đó là những người đàn ông đen đúa vì nắng biển. Họ được chủ thuyền du lịch ưu ái cho tiếp cận khách để bán đủ thứ đồ lưu niệm. Phần lớn là những thứ họ mua từ đất liền đem ra bán lại. Sản phẩm duy nhất “made in địa phương” là những con Komodo bằng gỗ, nhiều kích cỡ.

Theo số liệu của ban quản lý vườn quốc gia thì hiện có khoảng 4.000 người đang sinh sống rải rác nơi đây. Họ từ khắp nơi trôi dạt về và định cư để làm nghề rừng, nghề biển trước khi công viên quốc gia được thành lập vào năm 1980. Bây giờ vì là khu bảo tồn nên chuyện khai thác lâm thủy sản trở nên khó khăn, họ quay sang kiếm tiền từ những người khách tò mò đến xem rồng.

Có vẻ như họ đang học lối mua bán ở thành thị, nói thách gấp ba, bốn lần giá trị thực của món hàng và tỏ ra rất kiên trì để kiếm lời, trong khi Kanish phàn nàn họ chẳng biết nghĩ đến chuyện du khách bị hớ sẽ không quay lại mua hàng của họ nữa, mà điều đó thật sự đang diễn ra.

Cũng không có gì ngạc nhiên, những đứa con của đất rồng đang đi theo con đường mưu sinh giống y như những trung tâm du lịch lớn ở khắp nơi. Bắt đầu là những thương nhân chân đất “buôn gánh bán bưng” lời đồng nào hay đồng đó. Rồi dần dần xuất hiện những đại gia “chặt chém” khách theo kiểu “nhìn xa trông rộng” với tàu du lịch, khách sạn, nhà hàng và mức độ tàn phá thiên nhiên, xã hội cũng nặng nề hơn gấp bội. Những dấu diệu đó đã bắt đầu xuất hiện bằng những công trình mở đường, phá núi ở Labuan Bajo cách đó chỉ 20 ki lô mét.

Trên đường quay về Labuan Bajo, khách du lịch thường được hướng dẫn viên thưởng thêm một “bữa tiệc” lặn ngắm những rặng san hô đủ màu sắc. Quần đảo này là một trong ba địa điểm lặn biển nổi tiếng ở Indonesia. Không biết rồi những làn sóng du khách tràn tới, những làn sóng di dân đến để sống bám vào đất rồng sẽ đẩy tương lai của những con rồng cuối cùng trên trái đất, những rặng san hô rực rỡ và cư dân địa phương – những “đứa con” của rồng, đi về đâu? Trên đường về lại Bali, rồi Jakarta, rồi TPHCM, tôi chợt nhận ra những nơi được gọi là xã hội văn minh hôm nay đã đánh mất quá nhiều báu vật của tự nhiên cũng như bản chất hồn nhiên của con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới