Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Những kỳ lân công nghệ điển hình

V.T

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhân dịp Vườn ươm toàn cầu Plug and Play đến Việt Nam, KTSG Online cung cấp thêm những tư liệu và thông tin quý giá về sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp kỳ lân thế giới do chính Plug and Play ươm tạo và thúc đẩy; cũng như sự hình thành, phát triển của một vài kỳ lân Việt Nam, và trên thế giới để độc giả tham khảo.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được xem là kỳ lân – chủ yếu đều thuộc lĩnh vực công nghệ – là những doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ đô-la Mỹ. Và theo một thống kê, các startup kỳ lân chiếm chưa đến 0,08% trên tổng số các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nghĩa là chúng thuộc hàng rất hiếm.

Một điểm chung của các startup kỳ lân là các sản phẩm hay dịch vụ của chúng thường mang tính đột phá, có khả năng làm thay đổi sâu sắc những lĩnh vực kinh doanh mà chúng hoạt động. Khỏi cần phải nói mạng xã hội đã thay đổi như thế nào trên phạm vi toàn cầu trong vài thập niên qua khi Facebook ra đời, hay công cụ tìm kiếm đã phát triển ra sao với sự phát triển của Google. Và, trong vòng vài năm qua, ngành dịch vụ vận chuyển đã chứng kiến sự thay đổi tận gốc rễ với sự ra đời của Uber, hay mới đây nhất, OpenAI với công cụ ChatGPT đã tạo ra “một cơn sóng thần” trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Kỳ lân công nghệ do Plug and Play ươm tạo

Theo CB Insights, tính đến tháng 10-2022, có 1.200 kỳ lân công nghệ trên toàn thế giới, và con số này đang không ngừng gia tăng.

Có những startup trở thành kỳ lân công nghệ sau một quá trình đầu tư bài bản của những công ty hàng đầu, chẳng hạn như SpaceX của tỷ phú Elon Musk; nhưng cũng không hiếm các trường hợp sự phát triển của chúng diễn ra tiệm tiến sau khi được hình thành một cách “ngẫu nhiên” nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó của người sáng lập trước khi trở nên phổ biến và thu hút được lượng khách hàng cực lớn.

Một kỳ lân công nghệ được biết đến khá nhiều là Dropbox – một dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến, cho phép người dùng lưu lại hay chia sẻ những văn bản, tệp tin, hình ảnh, dữ liệu quan trọng, do Drew Houston sáng lập cách đây 15 năm tại San Francisco, California.

Ý tưởng hình thành Dropbox cũng hoàn toàn ngẫu nhiên. Do mắc tật đãng trí, khi còn là sinh viên tại Viện Công nghệ Massachusetts, Drew Houston thường xuyên quên mang theo thẻ nhớ USB. Ngay sau đó, chàng trai này nảy ra ý tưởng cần có một giải pháp giúp giải quyết tật đãng trí này, và anh bắt tay với Arash Ferdowsi thành lập Dropbox.

Dropbox là kỳ lân công nghệ khá nổi tiếng với hơn 700 triệu người dùng.

Năm 2007, Houston thành lập Evenflow, Inc., là tiền thân của Dropbox, và một thời gian ngắn sau khi nhận được khoản đầu tư ban đầu từ Y Combinator, Dropbox được ra mắt tại hội nghị công nghệ thường niên TechCrunch Disrupt vào năm 2008. Năm 2009, Evenflow, Inc. đổi tên thành Dropbox, Inc.

Sau đó là giai đoạn tăng tốc chóng mặt. Nền tảng này đạt được con số người dùng hơn 1 triệu vào tháng 4-2009, 2 triệu vào tháng 9-2009, và 3 triệu vào tháng 11 cùng năm. Đến tháng 10-2011, số người dùng Dropbox tăng lên đến 50 triệu, vọt lên 100 triệu vào tháng 11-2012, hơn 500 triệu vào năm 2016 và 700 triệu năm 2021.

Dropbox, tương tự như Google Drive hay iCloud, cung cấp nhiều cấp độ dịch vụ đa dạng cho người dùng, từ tài khoản miễn phí với dung lượng 2GB cho đến các dịch vụ trả tiền với dung lượng cao hơn và dịch vụ đa dạng hơn. Dịch vụ trả tiền có mức khởi điểm là gói Plus với giá 9,99 đô-la Mỹ/tháng hoặc 99 đô-la Mỹ/năm với 2TB lưu trữ; gói Professional giá 19,99 đô-la Mỹ/tháng hoặc 199 đô-la Mỹ /năm; hoặc Gói Dropbox Family, với 2TB lưu trữ nhưng cho phép 6 người dùng chia sẻ trên cùng tài khoản, với giá 19.99 đô-la Mỹ/tháng hoặc 203.88 đô-la Mỹ/năm, bên cạnh một số gói thiết kế riêng cho doanh nghiệp.

Kể từ năm 2012, Dropbox đã liên tục sáp nhập, mua lại hàng loạt các doanh nghiệp khác để mở rộng hệ sinh thái của mình. Đáng chú ý là việc Dropbox vào tháng 12-2012 mua hai công ty, Audiogalaxy cung cấp nền tảng cho người dùng lưu trữ các bản ghi âm nhạc của họ trên đám mây và phát qua các thiết bị khác nhau, và Snapjoy cho phép người dùng lưu trữ hình ảnh kỹ thuật số của họ từ máy chụp hình, điện thoại thông minh hoặc từ các ứng dụng phổ biến như Flickr, Instagram và Picasa, và xem trực tuyến hình ảnh hoặc qua ứng dụng iOS. Danh sách thôn tính của Dropbox khá dài, bao gồm cả TapEngage, Endorse, Bubbli, Loom, HelloSign, Hackpad, DocSend và Cloudon, phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Doanh thu năm 2022 của Dropbox là 2,32 tỷ đô-la Mỹ và lợi nhuận là 181 triệu đô-la Mỹ. Hiện nay, Dropbox được định giá khoảng 8,8 tỷ đô-la Mỹ.

Một kỳ lân rất nổi tiếng khác là PayPal Holdings, Inc., một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ với hoạt động ở phần lớn các nước có dịch vụ chuyển tiền trực tuyến. PayPal đóng vai trò xử lý giao dịch thanh toán cho các nhà bán hàng trực tuyến, các nền tảng bán đấu giá, và rất nhiều dịch vụ thương mại khác.

Kỳ lân công nghệ PayPal, công cụ xử lý giao dịch thanh toán cho các nhà bán hàng trực tuyến, các nền tảng bán đấu giá và rất nhiều dịch vụ thương mại khác.

PayPal được thành lập năm 1998 bởi Max Levchin, Peter Thiel và Luke Nosek với tên Confinity, một công ty phát triển phần mềm bảo mật cho các thiết bị cầm tay, trước khi chuyển hướng sang ví kỹ thuật số chỉ một năm sau đó do mô hình kinh doanh ban đầu không hiệu quả. Phiên bản đầu tiên của hệ thống thanh toán điện tử PayPal ra đời cùng năm này.

Tháng 3-2000, Confinity sáp nhập vào X.com, một công ty dịch vụ tài chính trực tuyến vừa mới thành lập năm 1999 bởi Elon Musk, Christopher Payne, và Ed Ho. Tháng 10 cùng năm, Musk quyết định là X.com sẽ ngưng các hoạt động ngân hàng trên internet để tập trung vào dịch vụ thanh toán do dự báo tiềm năng phát triển mạnh trong lĩnh vực này. Cũng trong tháng này, Peter Thiel thay thế Musk trong vai trò CEO của X.com, và đổi tên X.com thành PayPal vào tháng 6-2021.

Năm 2002, PayPal thực hiện IPO, thu hút được 61 triệu đô-la Mỹ và trở thành công ty đại chúng. Tháng 10 cùng năm, eBay đã mua lại PayPal với giá trị 1,5 tỷ đô-la Mỹ thanh toán bằng cổ phiếu của eBay, giúp nền tảng này trở nên phổ biến khi hơn 70% các thương vụ đấu giá qua eBay chấp nhận thanh toán qua PayPal. Thậm chí, PayPal trở thành phương pháp thanh toán mặc định cho phần lớn người dùng eBay.

Ở giai đoạn tăng tốc tiếp theo, PayPal mua lại nền tảng giải pháp thanh toán VeriSign vào năm 2005 để tăng cường bảo mật, hợp tác với MasterCard vào năm 2007 để đưa ra dịch vụ PayPal Secure Card cho phép người dùng thanh toán qua các website không chấp nhận thanh toán trực tiếp qua Paypal. Cuối năm 2007, PayPal tạo ra doanh thu 1,8 tỷ đô-la Mỹ.

Vào năm 2010, PayPal có hơn 100 triệu người dùng tại 190 thị trường, sử dụng 25 loại tiền tệ khác nhau.

Tháng 8-2012, công ty hợp tác với Discover Card cho phép thực hiện thanh toàn qua PayPal tại 7 triệu cửa hàng trong hệ thống Discover, và vào cuối năm 2012, tổng khối lượng thanh toán do PayPal xử lý lên tới 145 tỷ đô-la Mỹ.

Trong quá trình tăng tốc phát triển, PayPal cũng đã liên tục mở rộng hệ sinh thái của mình với việc mua lại hàng chục doanh nghiệp khác, trong đó đáng chú ý là thương vụ mua lại công ty xử lý thanh toán iZettle của Thụy Điển với giá trị lên đến 2,2 tỷ đô-la Mỹ, và thương vụ mua lại Honey với giá hơn 4 tỷ đô-la Mỹ, là thương vụ lớn nhất của PayPal tính đến nay.

Trong năm tài chính 2019, Paypal đạt lợi nhuận 2,459 tỷ đô-la Mỹ trong tổng doanh thu 17,77 tỷ đô-la Mỹ, tăng đến 15% so cùng kỳ năm trước. Gía trị thị trường của PayPal vào tháng 12-2019 là 127,58 tỷ đô la Mỹ.

Trên đây là một vài nét phác họa về các kỳ lân công nghệ tương đối điển hình trên thế giới.

Dĩ nhiên, còn khá nhiều kỳ lân công nghệ đã và đang tạo ra tiếng vang lớn trên thương trường. Đó có thể là Stripe, một công ty xử lý thẻ tín dụng ở San Francisco, giúp cho hàng triệu công ty lớn nhỏ trên thế giới thực hiện thanh toán trực tuyết dễ dàng; Stripe được định giá lên tới 95 tỷ đô-la vào năm 2014, chỉ sau bốn năm thành lập và thu hút 300 triệu đô-la vốn đầu tư. Đó có thể là BYJU’S, một công ty công nghệ giáo dục ở Bengaluru, Ấn Độ, chuyên thiết kế và phát triển các công cụ học tập trực tuyến cá nhân hóa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12; BYJU’S được định giá 22 tỷ đô-la vào tháng 7-2017, tức sau 9 năm thành lập với hơn 5,1 tỷ đô-la sau nhiều vòng gọi vốn. Và còn rất nhiều các kỳ lân công nghệ nổi bật khác như Checkout.com ở Luân Đôn chuyên về thương mại điện tử và công nghệ tài chính với trị giá 40 tỷ đô-la; hay Databricks ở San Francisco chuyên về điện toán đám mây và dữ liệu, với trị giá 38 tỷ đô-la năm 2019 chỉ sau 6 năm thành lập với số vốn được gọi chỉ là 557 triệu đô-la.

Các kỳ lân Việt Nam

Dữ liệu mới nhất cho thấy đến cuối năm 2021 Việt Nam bổ sung hai kỳ lân vào danh sách là MoMo và Sky Mavis, bên cạnh hai cái tên xuất hiện trước đó là VNG (2014) và VNLIFE (2019). Cả 4 kỳ lân công nghệ này có quy mô còn khá khiêm tốn so với các kỳ lân công nghệ lớn trên thế giới. Tuy nhiên, với 4 kỳ lân công nghệ, trên bản đồ khu vực, Việt Nam đứng thứ ba, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia về số lượng, theo Forbes Vietnam.

Kỳ lân đầu tiên của Việt Nam là VNG, được thành lập vào tháng 9-2004 với tên gọi ban đầu là VinaGame. Mục tiêu ban đầu của startup này là tập trung vào việc phát hành game online tại Việt Nam.

VNG được xem là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam.

Cột mốc thành công đầu tiên của VNG đến vào năm 2005, khi VNG được KingSoft cho phép phát hành game Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam. Từ thành công đó, VNG liên tục cho ra mắt các tựa game khác, và đến năm 2006, doanh thu của VNG đã đạt 17 triệu đô-la Mỹ. Bên cạnh đó, VNG dần mở rộng sang nhiều mảng công nghệ khác như ra mắt các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, nền tảng nhạc số, ví điện tử…Sau đó đổi tên thành VNG vào năm 2008.

Năm 2014, VNG đã được World Startup Report định giá 1 tỷ đô-la Mỹ – trở thành startup kỳ lần đầu tiên của Việt Nam. VNG sau 5 năm trở thành “kỳ lân” giá trị doanh nghiệp cũng tăng mạnh, và cuối năm 2020 được định giá khoảng từ 1,5-1,7 tỷ đô-la Mỹ.

Kỳ lân kế tiếp là VNLife ra đời vào tháng 3-2007, do ông Trần Trí Mạnh và ông Mai Thanh Bình đồng sáng lập. Startup này hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử với ngành kinh doanh cốt lõi là tài chính ngân hàng, và từ đó, ứng dụng VNPay ra đời, theo CafeF.

Theo thời gian, VNPay đã trở thành siêu ứng dụng thanh toán hàng đầu khi cung cấp hàng chục dịch vụ như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, du lịch trực tuyến OTA, thanh toán mã QR cho hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam, 12 ngân hàng tại Campuchia, 7 đối tác ví điện tử.

Đặc biệt, VNLife còn có hệ thống thanh toán bằng mã QR lớn nhất Việt Nam với mạng lưới khoảng một triệu điểm thanh toán. Hệ thống thanh toán của VNPay đang xử lý tới khoảng 1 tỷ đô-la Mỹ lưu lượng thanh toán mỗi năm.

Đến năm 2021, VNLife chính thức công bố đã huy động vốn thành công hơn 250 triệu đô-la Mỹ trong vòng gọi vốn series B. VNLife đã trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 của Việt Nam với định giá công ty hơn 1 tỷ đô-la Mỹ.

Tiếp theo là Momo, một nền tảng ví điện tử do Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) phát triển, được biết tới là siêu ứng dụng cho phép người dùng  thanh toán, giao dịch trên thiết bị di động với hơn 500 dịch vụ lớn nhỏ khác nhau, bao trùm mọi lĩnh vực trong đời sống.

Thời gian đầu hoạt động, vì mô hình mới mẻ cũng như dịch vụ chuyển tiền miễn phí nên lượng người dùng tăng lên đều đặn. Đến tháng 3-2016, Momo đã có tới 2,5 triệu người dùng, và nhờ vậy, startup này đã được Goldman Sachs rót vốn cùng đối tác là Standard Chartered Private Equity tại vòng series B với tổng số tiền là 28 triệu đô-la Mỹ.

Vào cuối vòng gọi vốn series E năm 2021, Momo đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu đô-la Mỹ, nâng định giá công ty trên 2 tỷ đô-la Mỹ. Như vậy, Momo đã trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.

Cái tên cuối cùng trong danh sách là Sky Mavis được Nguyễn Thành Trung thành lập vào đầu năm 2018. Đến tháng 2 cùng năm, công ty đã phát hành tựa game NFT Axie Infinity đình đám. Axie Infinity gây ấn tượng khi ứng dụng được điểm mạnh nhất của công nghệ blockchain, đó chính là dữ liệu sẽ được lưu trữ và truyền tải trong các khối liên kết với nhau bằng mã hóa.

Đầu năm 2021, Axie Infinity đã thu hút hơn 2,6 triệu người chơi. Đồng thời tổng giá trị giao dịch tháng trong game đạt gần 1 triệu đô-la Mỹ. Axie Infinity cùng AXS đã trở thành một trong những tài sản kỹ thuật số hoạt động tốt nhất từ trước đến nay với mức tăng giá 7.000% vào tháng 8-2021.

Đến tháng 10-2021, Sky Mavis huy động thành công 152 triệu đô-la Mỹ trong vòng gọi vốn series B, chính thức trở thành 1 kỳ lân công nghệ của Việt Nam với mức định giá là 3 tỷ đô-la Mỹ, theo Tuổi Trẻ. Sky Mavis chỉ mất 3 năm 8 tháng để làm được điều này, hai kỳ lân trước đó gồm VNG mất 10 năm và VNLIFE mất 13 năm.

Với xu hướng khởi nghiệp ngày càng mạnh mẽ cùng với các hoạt động đầu tư vào đổi mới sáng tạo ngày càng tăng cường, có cơ sở để tin rằng lớp kỳ lân công nghệ sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam.

CafeF trong một bài viết về xu hướng này đã trích dẫn báo cáo của Forbes Vietnam để điểm danh một loạt các “cận kỳ lân” được xem là có triển vọng phát triển nhanh trong giai đoạn sắp tới. Danh sách này bào gồm Tiki là sàn thương mại điện tử lớn thứ ba tại Việt Nam; nền tảng Giao hàng tiết kiệm với hai cổ đông lớn là SEA là công ty đang sở hữu chi phối tại Shopee, Shopee Food, Shopee Pay và Kerry Logistics là tập đoàn chuyển phát Hong Kong; Trusting Social là công ty khai thác ưu thế từ dữ liệu lớn và học máy, nhằm hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho những người chưa có lịch sử tín dụng; và Kyber Network cung cấp sàn giao dịch phi tập trung, có thể được tích hợp vào dApp, giúp cho người dùng có thể giao dịch và chuyển đổi giữa các loại tiền kỹ thuật số ngay lập tức trên Kyber Network.

Ngoài ra, danh sách tiềm năng còn bao gồm Amanotes là nhà phát hành trò chơi điện tử dẫn đầu thế giới trong phân khúc trò chơi âm nhạc với 2,6 tỉ lượt tải trên kho ứng dụng Google Play và iOS; phần mềm quản lý bán hàng KiotViet thuộc công ty cổ phần Phần mềm Citigo do Trần Nguyên Hạo và Tony Nguyễn thành lập năm 2010; và Giao Hàng Nhanh (GHN) do Lương Duy Hoài sáng lập năm 2012, tiên phong trong lĩnh vực e-logistics, thuộc hệ sinh thái Scommerce với 6 dịch vụ khác biệt trên cùng một nền tảng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới