(KTSG Online) - CPI tăng 4,89% so với 1-2022, lạm phát cơ bản tăng 5,21%; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập đến hơn ba lần; vốn đầu tư nước ngoài giảm; doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn trước dịch... Đây là những "lát cắt" của nền kinh tế Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2023.
CPI tăng 4,89%, lạm phát cơ bản tăng 5,21%
Theo Tổng cục Thống kê, do tháng vừa qua có Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng, giá xăng dầu trong nước cũng tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 1-1 nên CPI tháng 1-2023 tăng 0,52% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm 2022, CPI của tháng 1-2023 tăng 4,89% còn lạm phát cơ bản tăng 5,21%.
Trong tháng vừa qua, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giữ giá ổn định.
Trong đó, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng là nhóm giao thông tăng cao nhất, tăng 1,39%, chủ yếu do giá xăng dầu tăng; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42%;nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%.
Doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều hơn thành lập
Tổng cục Thống kê dẫn số liệu từ báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong tháng vừa qua, cả nước có 10.800 doanh nghiệp được thành lập, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký của những doanh nghiệp này là 99.100 tỉ đồng, giảm 48,5% so với cùng kỳ.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập trong tháng qua đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 279.000 tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.500 doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1-2023 378.100 tỉ đồng, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, cả nước có 15.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động tháng 1-2023 lên 25.900, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Một thông tin đáng chú ý trong tháng qua là có đến 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn gấp ba lần so với tổng số doanh nghiệp được thành lập trong tháng.
Trong đó, có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%.
Đầu tư nước ngoài giảm
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn mới đăng ký, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỉ đô la Mỹ, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 153 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 1,2 tỉ đô la, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy... có số vốn đăng ký nhiều nhất, lên đến 651,9 triêu đô la, chiếm hơn 54% tổng vốn mới; kế đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 351,2 triệu đô; các ngành còn lại đạt 201,9 triệu đô la.
Cũng tính đến thời điểm trên, về vốn đăng ký điều chỉnh, có 89 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước tăng thêm 306,3 triệu đô la Mỹ, giảm 75,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn mới đăng ký và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác là nhiều nhất, với 660,8 triệu đô la Mỹ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 606,4 triệu đô; các ngành còn lại đạt 244 triệu đô.
Với vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 204 lượt với tổng giá trị góp vốn là 174,1 triệu đô, giảm 60,7% so cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cao hơn trước dịch
Do vào thời điểm Tết Nguyên Đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trưởng tốt, đạt 544.800 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng trưởng 15,8%.
So với tháng 1-2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa tác động xấu đến kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tháng vừa qua cũng đã tăng hơn 34,2%.
Về xuất, nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1-2023 ước đạt 46,56 tỉ đô, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 21,3%, nhập khẩu giảm 28,9%. Ước tính, xuất siêu trong tháng qua là 3,6 tỉ đô la Mỹ.t
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng qua giảm vì số ngày nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nhiều hơn so với tháng 1-2022 .