Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những lý do khiến hàng ngàn cửa hàng bán lẻ tại Mỹ phải đóng cửa

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các hãng bán lẻ lớn tại Mỹ đã phải đóng cửa hàng ngàn cửa hàng trong năm 2024. Đây liệu có phải tín hiệu đáng lo ngại đối với sức khỏe của ngành bán lẻ Mỹ?

Giá cả ở mức cao đè nặng lên các hãng bán lẻ

Theo CNN Business, Family Dollar đã thông báo đóng cửa 677 cửa hàng trong năm nay, trong khi Walgreens và Big Lots lần lượt đóng cửa 259 và 360 cửa hàng. LL Flooring thậm chí đã đóng cửa hoàn toàn.

Một báo cáo của Coresight Research cũng cho thấy, kể từ đầu năm tới nay, các hãng bán lẻ lớn tại Mỹ đã đóng cửa tổng cộng 6.189 cửa hàng, vượt xa mức 5.553 cửa hàng trong cả năm 2023.

Áp lực lạm phát vẫn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn của nhiều cửa hàng bán lẻ. Mặc dù lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt về gần mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giá cả hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với năm 2020.

Chia sẻ với CBS Morning Plus, biên tập viên mảng kinh doanh của USA Today, Charisse Jones, đánh giá “lạm phát thực sự đang gây ra tác động lớn. Mọi người vẫn đang mua sắm, vẫn đang chi tiền, nhưng họ thường chỉ mua những thứ thiết yếu. Và khi muốn mua thêm, họ sẽ tìm đến những nơi có thể cung cấp những ưu đãi tốt nhất hoặc trải nghiệm thú vị nhất. Tất cả những yếu tố đó đang góp phần khiến một số nhà bán lẻ gặp rất nhiều khó khăn”.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc số cửa hàng phải đóng cửa gia tăng trong năm nay là bởi thời kỳ đỉnh cao của ngành bán lẻ trong các năm 2021-2022 - khi người tiêu dùng sẵn sàng vung tiền mua sắm các sản phẩm như ghế sofa, tivi và quần áo mới, giờ đã thực sự khép lại.

Các công ty đã tăng giá bán cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của nhiều người tiêu dùng, trong khi lãi suất tăng vọt khiến việc vay tiền để mua sắm những sản phẩm đắt tiền, vay thế chấp mua nhà hoặc vay mua ô tô trở nên đắt đỏ hơn. Người tiêu dùng đã dần đạt đến ngưỡng giới hạn, và buộc phải ngừng mua những sản phẩm mà họ không thực sự cần.

“Các công ty từng được hỗ trợ bởi các mô hình mua sắm liên quan đến đại dịch Covid-19”, ông Michael Brown - đối tác tại Công ty tư vấn quản lý và chiến lược toàn cầu Kearney, cho biết “các mô hình này đã giúp nhiều doanh nghiệp có thể tồn tại - điều vốn không thể xảy ra trong những tình huống thông thường”.

Các yếu tố này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến ngành bán lẻ Mỹ khi mùa mua sắm cuối năm rất quan trọng đang đến gần. Cựu Phó Chủ tịch hãng bán lẻ, Target Gerald Storch, dự báo việc “nhiều người tiêu dùng đang cạn kiệt tiền” sẽ tạo ra nhiều áp lực đáng kể lên các nhà bán lẻ.

“Đây sẽ là một kỳ nghỉ lễ đầy thách thức vì một số lý do, trong đó quan trọng nhất là người tiêu dùng đang chịu nhiều áp lực tài chính hơn”, chuyên gia bán lẻ Neil Saunders của Global Data nhận định. “Họ có thể thận trọng hơn khi mua sắm và có khả năng cắt giảm số lượng sản phẩm cần mua”.

Những cuộc cạnh tranh cá lớn nuốt cá bé

Sự cạnh tranh từ những công ty hàng đầu như Amazon, Walmart, Costco, Home Depot và nhiều nhà bán lẻ lớn khác cũng là một yếu tố quan trọng góp phần bóp nghẹt các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn.

Với quy mô khổng lồ, các hãng bán lẻ hàng đầu có thể mua số lượng hàng hóa lớn hơn với mức chiết khấu cao hơn so với các đối thủ có quy mô nhỏ hơn. Họ cũng có thể đầu tư những số tiền lớn cho việc cải tiến công nghệ - điều mà các công ty nhỏ không thể làm được, từ đó khiến khoảng cách giữa hai bên ngày càng được nới rộng.

“Tất cả các chuỗi bán lẻ lớn đang gây áp lực lên các công ty nhỏ hơn”, chuyên gia Michael Brown cho biết, “họ không có quy mô đủ lớn để có thể giảm giá xuống mức thấp hơn. Họ cũng không có đủ vốn để có thể tái đầu tư vào các cửa hàng và mảng kinh doanh sao cho phù hợp với tình hình cạnh tranh trên thị trường”.

Chịu nhiều áp lực hơn cả là các chuỗi bán lẻ giảm giá có quy mô nhỏ, chuyên phục vụ phân khúc người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình - cũng là đối tượng khách hàng chính của Walmart. Walmart đã sử dụng quy mô khổng lồ và lợi nhuận từ các mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao hơn như quảng cáo để giảm giá bán hàng. Họ cũng đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ trong những năm gần đây, cải tạo các cửa hàng và xây dựng một doanh nghiệp trực tuyến mạnh mẽ để cạnh tranh với Amazon.

Hệ quả là thị phần của Walmart đã liên tục gia tăng, trong khi các đối thủ có quy mô nhỏ hơn tại phân khúc người tiêu dùng thu nhập thấp và trung bình đã dần bị loại bỏ. Family Dollar đã rơi vào tình trạng khó khăn khi những khách hàng cốt lõi có thu nhập thấp của họ phải vật lộn để có đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản, và buộc phải cắt giảm chi tiêu.

Các chuỗi cửa hàng giảm giá khác cũng đối mặt với những thách thức tương tự: Big Lots đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 9 và đóng cửa hơn 360 cửa hàng. 99 Cents Only đã ngừng hoạt động vĩnh viễn và đóng cửa 371 cửa hàng.

Bên cạnh đó, việc mở rộng quá mức trong nhiều năm, và các chiến lược kinh doanh thất bại khác, như việc Dollar Tree mua lại Family Dollar với giá 8,5 tỉ đô la Mỹ cũng góp phần dẫn đến sự tổn hại kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Barbara Kahn, giáo sư về tiếp thị tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, chuyên gia nghiên cứu về bán lẻ, cho biết: “Bất kỳ chuỗi bán lẻ nào có quá nhiều cửa hàng đều sẽ phải giảm bớt quy mô hoạt động của mình”.

Một ví dụ điển hình cho xu hướng này là các chuỗi cửa hàng tạp hóa và dược phẩm. Theo Coresight, các doanh nghiệp như CVS, Walgreens và Rite Aid đã thông báo đóng cửa 945 cửa hàng trong năm nay.

Những chuỗi cửa hàng này đã mở rộng quá mức trong thập niên 1990 và 2000 để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và thu hút thêm khách hàng. Nhưng họ đã không thể lường trước được rằng, mức lợi nhuận từ thuốc theo đơn sẽ sụt giảm dần trong tương lai, trong khi Amazon, Walmart và nhiều đối thủ cạnh tranh khác sẽ làm giảm doanh số bán đồ ăn nhẹ và các hàng tiêu dùng khác. Hai yếu tố này đã siết chặt lợi nhuận, khiến các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thu hẹp quy mô kinh doanh.

Những sự chuyển dịch trong ngành bán lẻ Mỹ

Tuy nhiên, việc hàng ngàn cửa hàng biến mất sẽ kéo dài trong bao lâu, và liệu có phải là tín hiệu của một xu hướng lớn hơn và đáng lo ngại hơn cho ngành bán lẻ Mỹ?

Các nhà phân tích tại UBS dự báo, tổng số cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa có thể lên tới 45.000 trong vòng năm năm tới, chủ yếu là do các cửa hàng nhỏ hơn phá sản, ngay cả khi các công ty lớn hơn như Walmart, Costco, Target và Home Depot tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Brandon Svec, Giám đốc phân tích bán lẻ toàn quốc của CoStar Group, cho rằng vẫn chưa đến lúc ngành bán lẻ Mỹ rơi vào tình trạng hoảng loạn. Chia sẻ với CoStar News, ông Svec cho biết “đây không phải là sự tái diễn của những cuộc khủng hoảng trong ngành bán lẻ như những năm 2018, 2019 và 2020, khi có rất nhiều cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Vẫn còn một lượng lớn doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực khác nhau vẫn đang tìm kiếm không gian để mở cửa hàng”.

CNN chỉ ra rằng, cùng lúc với sự biến mất của hàng ngàn cửa hàng, hơn 5.300 cửa hàng mới đã được thông báo mở cửa trong năm nay, khi nhiều công ty cố gắng nhắm tới đối tượng khách hàng săn hàng giá rẻ.

TJX, công ty mẹ của TJ Maxx, Marshalls và HomeGoods, sẽ mở 99 cửa hàng trong năm nay. Công ty này đã gây sức ép với các chuỗi cửa hàng bách hóa như Macy’s và Kohl’s bằng cách cung cấp các thương hiệu thiết kế với giá thấp.

Aldi, chuỗi cửa hàng tạp hóa giảm giá của Đức, cũng đã công bố kế hoạch mở 800 cửa hàng mới trên toàn nước Mỹ trong năm nay. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh trị giá 9 tỉ đô la Mỹ để tiếp cận những người mua sắm đang tìm kiếm hàng tạp hóa giá rẻ.

“Những gì đang diễn ra không hoàn toàn là sự suy yếu của các cửa hàng bán lẻ trực tiếp. Nhiều quyết định đóng cửa đơn giản chỉ là sự điều chỉnh và chuyển hướng sang loại hình bán lẻ mà người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn”, Giáo sư Barbara Kahn cho biết.

Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia Michael Brown đánh giá: “Đang có sự thay đổi về địa điểm mà người tiêu dùng muốn đến mua sắm. Và vẫn sẽ tiếp tục có những hãng bán lẻ mới tham gia vào thị trường”.

Nguồn: CNN Business, CoStar, CBS Morning, Business Insider, Daily Mail

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới