(KTSG) - Temu đã khai trương trang bán hàng tại Việt Nam từ cuối tháng 9 vừa rồi, với các quảng cáo giảm giá hấp dẫn, cộng thêm các mã giảm giá và cả miễn cước phí vận chuyển hàng đến tận các địa điểm khắp Việt Nam.
- Đông Nam Á trước ‘cơn lũ’ hàng giá rẻ từ Trung Quốc
- Sàn thương mại điện tử Trung Quốc không còn tập trung bán giá siêu rẻ
Sự xuất hiện của tay chơi mới sẽ có thể thay đổi cục diện thương mại điện tử, gián tiếp ảnh hưởng đến các nhà bán hàng và doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Kẻ gây gió bão trên toàn cầu
Temu có cấu trúc sở hữu tương đối phức tạp. Tương tự các hãng công nghệ Trung Quốc như TikTok và Shein, Temu chọn Singapore là nơi đặt bản doanh để tránh đối đầu Mỹ - Trung.
Temu đăng ký ở Boston, Mỹ tháng 7-2022 và chính thức khai trương hai tháng sau đó. Tập đoàn mẹ Pinduoduo đăng ký trụ sở tại quần đảo Cayman - lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, vốn được xem là “thiên đường thuế”.
Từ Boston, Temu đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu với Philippines là thị trường Đông Nam Á đầu tiên vào tháng 6-2023. Temu vào Malaysia tháng 9 năm ngoái, và Thái Lan vào cuối tháng 7 vừa rồi. Hiện Temu đã hiện diện tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy chỉ mới có mặt trên thị trường trong hai năm, nhưng Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn cầu hiện nay. Chỉ trong ba tháng cuối năm 2022, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Temu chỉ mới 290 triệu đô la, nhưng đến cuối năm 2023 đạt 14 tỉ đô la, tăng gần 50 lần chỉ sau một năm, theo hãng dữ liệu thương mại điện tử ECDB. Dự kiến, quy mô GMV trên sàn Temu sẽ đạt 29,5 tỉ đô trong năm nay và 41 tỉ đô trong năm 2025.
Temu nổi tiếng với việc cung cấp các khoản giảm giá đến 90%. Ngay cả các gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc như Alibaba, Taobao, Tmall, Shein… hay Amazon của Mỹ cũng phải e ngại. Temu cũng khiến các nước ASEAN lo ngại trước cơn lũ hàng giá rẻ từ Trung Quốc(*).
Các hàng rào thuế quan được dựng lên khắp ASEAN. Hôm 2-10-2024, theo Rappler, Philippines đã áp 12% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nền tảng thương mại điện tử và giải trí có trụ sở ở nước ngoài như Temu, Shein, Amazon hay Netflix.
Trước đó, trước khi Temu chính thức hoạt động ở Thái Lan, đầu tháng 7 vừa rồi Chính phủ đã quyết định thu thuế VAT 7% với các mặt hàng bán qua sàn điện tử có giá trị dưới 1.500 baht (hơn 44 đô la). Đồng thời, Chính phủ của cựu Thủ tướng Srettha Thavisin lúc đó siết chặt các quy định, lập tổ công tác đặc biệt giám sát các vấn đề về pháp lý, thuế, tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm và dược phẩm đối với Temu và các sàn tương tự.
Trước đó, đầu năm 2024, Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 đô la).
Cho đến giờ, Temu vẫn khát khao được bước vào Indonesia, thị trường thương mại điện tử lớn nhất khu vực. Hồi tháng 8 vừa rồi, Chính phủ xứ vạn đảo đã tuyên bố rằng mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng như Temu là phạm luật của Indonesia vốn đòi hỏi một nền tảng hay công ty trung gian. Trước đó, Indonesia cũng xem xét việc áp thuế 200% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, gốm sứ và đồ điện tử.
Có lẽ câu chuyện của TikTok tại Indonesia là tiếng chuông cảnh báo lớn nhất với Temu. Tháng 10 năm ngoái, TikTok đã chi 1,5 tỉ đô la để mua lại mảng thương mại điện tử Tokopedia của Tập đoàn GoTo của Indonesia. Đây là chiếc “vé vào cửa” của TikTok sau khi TikTok Shop bị cấm livestream bán hàng tại Indonesia.
Làm quen với thị trường Việt Nam
Trang Temu Việt Nam hiện có giao diện đơn giản, chỉ hiển thị bằng tiếng Anh, trừ giá tiền bằng tiền đồng (VND) và chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, không dùng ví điện tử. Trong thời gian khai trương Grand Opening, ngoài giảm giá đến 90%, khách hàng còn được các mã giảm thêm 70.000, 170.000 và 250.000 đồng cho các đơn hàng có giá từ 750.000-1.850.000 đồng. Tức là người mua được giảm thêm 7-13% nữa.
Temu đã chạy quảng cáo bán hàng trên Facebook trong suốt nhiều tuần qua. Trên các ứng dụng này, đơn hàng nhỏ nhất được chấp nhận là 230.000 đồng, được miễn cước phí vận chuyển hàng về đến Việt Nam. Nền tảng này cũng kêu gọi người dùng đóng góp, theo hình thức tự nguyện, 8.000 đồng trên mỗi lần mua sắm đối với dự án trồng cây xanh tại Việt Nam.
Khi đặt ra giá trị đơn hàng tối thiểu 230.000 đồng, dường như Temu hiểu rất rõ thói mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng Việt. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Metric quí 3-2023, người Việt ưu tiên mua sắm các sản phẩm ở phân khúc giá trung bình 200.000-350.000 đồng trên các sàn. Các món hàng từ 100.000-150.000 đồng và 150.000-200.000 đồng xếp tiếp theo.
Giám đốc kinh doanh Phạm Bảo Trung của Metric nhận định “khách Việt thường sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm ở phân khúc trung bình do phù hợp với thu nhập của số đông hiện nay”. Ba mặt hàng phổ biến nhất trên các sàn thương mại điện tử là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ.
Hai đơn vị cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam cho Temu là Ninja Van và Best Express. Temu nói việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ là 4-7 ngày do lợi thế về khoảng cách địa lý và kết nối đường bộ. Trong khi đó, hàng giao đến Philippines hay Malaysia là 5-20 ngày.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la trong năm 2024 và sẽ đạt quy mô 23,77 tỉ đô la vào năm 2029. Tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 10,09% trong giai đoạn này, theo hãng nghiên cứu thị trường Modor Intelligence. Trong báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024, hãng nghiên cứu thị trường Momentum Works tại Singapore nói rằng Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GMV (tổng giá trị hàng hóa) gần 53%. Việt Nam sẽ đạt tốc độ tương tự trong năm nay và thời gian tới.
Cạnh tranh ở thì tương lai
Báo cáo mới nhất của YouNet ECI (công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử) nói rằng người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỉ đồng để mua sắm trên bốn sàn thương mại điện tử chính trong quí 2-2024.
Trong đó, Shopee hầu như thống lĩnh thị trường với 71,4%, tiếp theo là TikTok Shop với 22%, Lazada với 5,9%. Các sàn nội địa như Tiki, Chiaki, Sendo, Websosanh, Adayroi… cùng với các tên tuổi lớn như Amazon Global, Alibaba hay Shein cạnh tranh đầy ngột ngạt trong không gian thị phần chưa đầy 1% còn lại.
Sự xuất hiện của Temu trong thị trường cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam đặt ra câu hỏi rất lớn. Liệu Temu còn có “chiêu thức hay sở trường” nào mà gã khổng lồ chưa sử dụng nhằm đánh bật những tay chơi đang có mặt, ngoài tuyên bố giảm giá 90% và miễn cước vận chuyển.
Momentum Works nói rằng có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng Temu đang đàm phán để mua lại một trong những nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam. Tin đồn vẫn đang là tin đồn, nhưng với một gã “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” và chiếm lĩnh thị trường thần tốc như Temu thì khó mong an bình trong thời gian tới - như một chuyên gia thương mại điện tử tại TPHCM bình luận.
Trước Temu, hai trang thương mại điện tử hàng giá rẻ của Trung Quốc là 1688 và Taobao đã tiếp cận thị trường Việt Nam. Nền tảng 1688 thuộc Tập đoàn Alibaba, dành cho những người bán buôn và được các chủ hàng, đầu mối kinh doanh sỉ tại Việt Nam như hàng thời trang, mỹ phẩm, giày dép… sử dụng rộng rãi từ nhiều năm qua. Nhưng nền tảng này chỉ thể hiện bằng tiếng Trung, đến tháng 9 vừa rồi thì có tiếng Việt.
Tại Việt Nam, ứng dụng Taobao của Alibaba chưa hiển thị bằng tiếng Việt, nhưng đã cho phép người dùng mua hàng từ Trung Quốc. Hiện nền tảng này đang áp dụng miễn phí vận chuyển nội địa, tính cước phí vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam. Đầu tháng 8-2024, Taobao nói sẽ miễn cước phí quốc tế cho các mặt hàng thời trang, giày dép đến một số thị trường châu Á đến cuối năm.
Trong các cuộc phỏng vấn trước đây với Kinh tế Sài Gòn, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Tiến sĩ Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam đều cùng chung tiếng nói về những giải pháp bảo vệ nền sản xuất nội địa trước cơn lũ hàng hóa nước ngoài.
Đó là tăng cường việc quản lý, quảng bá thương hiệu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng trong nước.
Cho đến giờ, có lẽ đang có sự đồng thuận rất lớn về hàng rào thuế quan bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước khi hàng giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn lan khắp nơi, thông qua các sàn thương mại điện tử.
Tại một phiên họp vào tháng 6-2024, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn dẫn số liệu nói rằng có 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ từ 100.000-300.000 đồng qua biên giới mỗi ngày và tản đi khắp nước thông qua các sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki. Số hàng được miễn thuế ước tính đạt 1,3-1,9 tỉ đô la mỗi tháng. Ông nói “điều này chưa phù hợp”, gây thất thu thuế, lo ngại của các doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Trước đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã đề nghị thu thuế VAT với hàng hóa dưới 1 triệu đồng thông qua các sàn thương mại điện tử.
(*) Đông Nam Á trước “cơn lũ” hàng giá rẻ từ Trung Quốc, đăng trên Kinh tế Sài Gòn số 33-2024, phát hành ngày 15-8-2024.
Nhất thiết đề nghị các bộ ngành của Việt Nam cần đánh thuế bán hàng thật cao (200%) như Indonesia – đối với những mặt hàng nhập từ Trung Quốc – ở các sàn thương mại điện tử như Tiktok, Facebook, Shopee, Lazada, Temu…. để bảo vệ người bán hàng Việt Nam, các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị người nước ngoài mua lại khá nhiều, 1 phần cũng là do rào cản thuế quan của Việt Nam quá nhẹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng tầm doanh nghiệp mình lên thông qua: chất lượng sản phẩm, bao bì hàng hóa, áp dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, giá cả phải cạnh tranh nữa. Vì sao hàng Trung Quốc sản xuất ra rất đẹp, nhập khẩu vào các nước Asean cũng phải chịu mức thuế cao, nhưng giá cả của hàng Trung Quốc rất rẻ, mẫu mã bao bì bắt mắt, Việt Nam mình cần phải học hỏi Trung Quốc về điểm này.
Lý do tại sao ko cạnh tranh được. Chứ ưu tiên giá thì doanh nghiệp VN bán trên trời. Còn TQ sao lại rẻ hơn.
TQ đang ở trong tình trạng sản xuát dư thừa, hàng giá rẻ để thống lĩnh thị trường. Rẻ kiểu đó Wallmart nếu ở VN cũng chào thua.