Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những người giàu có nhất

Nam Thụ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - 2022 là một năm nhiều biến động, những ngày tháng như giấc mộng, tỉnh ra đã thấy bao nhiêu tài sản hóa thành không khí. Người nghèo vất vả mưu sinh, trắng tay nải về quê hương đã đành, những người được xem là giàu có, một sớm mở mắt bỗng thấy mình nghèo, nghèo đến phải cuống quýt gỡ gạc. Thế nhưng, trên tất thảy, vẫn có những người giàu, luôn giàu, bất chấp biến động kinh tế, tài chính, bất chấp thế gian có chuyện gì. Họ giàu có một cách bền vững.

Thế đấy, cứ sau một lần mùa đông kinh tế, người ta lại nói đến sự vô nghĩa của vật chất và tiền bạc, người ta rộ lên tìm hiểu ý nghĩa của hạnh phúc, người ta muốn biết cứu cánh của đời sống là gì… rồi rốt cục, người ta lại lo chuyện mình nghèo quá. Người ta phục hồi sức lực để tiếp tục dấn thân vào con đường làm giàu, kết tập tài sản. Giàu có, một giấc mơ bất diệt của con người, chỉ có điều các hướng đi, các con đường vòng vèo dẫn đến đích ấy, vốn rất khác nhau.

Những câu chuyện về người giàu trên mạng xã hội ở Việt Nam luôn phức tạp. Cái nhìn về người giàu luôn chứa đựng sự ngưỡng mộ lẫn kỳ thị. Một người giàu ngã ngựa, lập tức các câu chuyện lan tràn, những thì thầm tin đồn lẫn các chỉ trích công khai, chủ yếu nhắm vào việc khối tài sản của họ được tạo ra dựa trên những nền tảng nào, có đảm bảo đạo đức hay không. Câu chuyện còn lớn hơn, nếu người giàu ấy còn là một quan chức.

Một người giàu hành xử tệ, bị tố cáo, sẽ phải chịu nhiều búa rìu dư luận hơn một người cùng khổ, nếu đó còn là một quan chức, khối năng lượng tiêu cực, cái nhìn chán ghét của dư luận sẽ còn tăng thêm gấp bội. Thực ra, cái nhìn có phần khe khắt hơn cho người giàu, không phải là câu chuyện riêng của Việt Nam. Cái nhìn ấy phổ biến trên toàn thế giới, thậm chí, còn có phần nghiêm trọng hơn ở các nước Âu Mỹ.

Trong cuốn nghiên cứu chuyên sâu “Người giàu theo quan điểm công chúng”, nhà sử học và xã hội học Rainer Zitelmann cho biết ông ấn tượng với các biểu hiện thù ghét người giàu ở Mỹ và Đức, nên đã bắt đầu nghiên cứu sâu và rộng về chủ đề này. “… Những giá trị như sự chân thành và mối quan hệ cá nhân phong phú, là những yếu tố được coi trọng hơn so với tiền bạc hay của cải vật chất.

Do đó, tầng lớp lao động đánh giá địa vị không phải theo các tiêu chí kinh tế xã hội mà theo các tiêu chí đạo đức”, Zitelmann nói trong một kết luận về cách người lao động Mỹ suy nghĩ về người giàu. Trong cái nhìn ấy, mọi hành vi của người giàu sẽ bị xét kỹ hơn về đạo đức, và vì nổi tiếng, nguy cơ bị xét của người giàu còn cao hơn.

Làm người giàu vì thế, không hẳn luôn luôn dễ chịu, khi phải bằng nhiều cách, tận dụng nhiều năng lực để duy trì sự giàu của mình, và phải luôn tránh khỏi các vấn đề đạo đức, thậm chí chuyện gia đình cá nhân rất tế nhị. Người càng giàu có, càng phải rón rén đi qua con đường ấy.

Thế nên, người giàu có nhất, là những doanh nhân có thể nhẹ nhõm bước qua các cơn bão biến động kinh tế có thể vùi dập khối tài sản của mình, và là người thản nhiên trước các câu hỏi về đạo đức, không phải rón rén vì sợ các vấn đề đạo đức ảnh hưởng ngược đến khối tài sản của mình. Những người giàu có nhất ấy, đang ở lẫn trong chúng ta, họ không có các hào quang truyền thông, họ chỉ tỏa ra sự ấm áp yên bình với một cộng đồng.

Chị là người điều hành một công ty khá nổi tiếng trong ngành thép, những năm thép bán chạy, sinh lời lớn, chị lập một cái quỹ riêng của công ty. Quỹ ấy sẽ tài trợ cho các công nhân bệnh, gia cảnh khó khăn hay có những đứa con học thật giỏi nhưng thiếu điều kiện để phát triển.

Với các câu chuyện của công nhân như xây sửa lại cái nhà, cần học phí cho con học một trường tốt nhưng vượt ngoài thu nhập, chị đi đến tận nhà, hỏi thăm, tìm hiểu… rồi chi tiền. Không một đòi hỏi gì về truyền thông hay lời hứa từ những người khó khăn đó.

Hỏi thì chị nói: “Mình bận tối mặt chuyện kinh doanh, nhưng mình làm là để góp lại cho những người khó vậy mà. Làm vì thích làm chứ cơm ăn cũng ba bữa, quần áo mặc cũng bằng người ta chứ có gì, nên bớt chút chuyện kinh doanh mà đi đỡ cho vài người cũng là chi phí xứng đáng”, chị không muốn câu chuyện ấy lan rộng, phần lớn là vì nếu đòi hỏi sự chuyên nghiệp, thì số tiền chi sẽ không thể nhanh và phải trải qua nhiều thủ tục, “khi người ta ngặt mà còn phải chờ lâu thì cơ hội của người ta qua rồi”, chị nói.

Bẵng đi một thời gian, ngành thép cũng phải đối mặt với các thách thức. Không thể duy trì quy mô công ty, chị đã khóc khi phải cho những lao động phổ thông nghỉ việc, dù trước đó, bằng mọi cách, chị đã cho họ một phúc lợi khả dĩ nhất. Thu gọn lại, làm những công việc quy mô nhỏ hơn, những tưởng chị sẽ bằng mọi cách chuyên chú cho việc “giàu trở lại”, nhưng không, chị vẫn chỉ nhắn “mua giùm chị bức tranh kia, anh họa sĩ cần bán để có tiền thực hiện ca mổ. Mà đừng bỏ giá, cứ mua giá cao nhất đi”.

Lần khác, “dạo này em có đi đâu không, chị gửi ít tiền, mua giùm chị vé số của mấy người già, tàn tật nha. Còn dư chút này, coi có ai góp giúp người nghèo mà em tin thì gửi giùm chị”.

Hỏi chị “công việc sao rồi, đã giàu lại chưa, mà cứ nhắn mấy chuyện này thế?”, chị cười “thì cũng ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày như mọi người thôi, không làm được một mình chuyện lớn thì góp tay cho người khác làm, lo gì em ơi, thế nào cũng sống được”.

Tôi đọc tin nhắn chị, và tôi biết đó là một trong những người giàu có nhất thế gian, họ giàu từ bên trong, với ý nghĩ về trách nhiệm xã hội trong trẻo, hoàn thiện nhất.

Anh là người bán các đặc sản Tây Bắc thuộc hàng uy tín nhất tại Sài Gòn và nhiều tỉnh phía Nam, cũng như cả bán cho người Việt ở nước ngoài. Là một giảng viên đại học ở phân ngành văn hóa, anh đã chủ động rời giảng đường để có thể chăm sóc nhiều hơn cho con cái, gia đình. Thế nhưng, cứ định kỳ, mỗi năm anh sẽ vắng mặt khỏi nhà hai tháng.

Anh lang thang trên những cheo leo rừng chè cổ thụ Tây Bắc, anh ở thực địa tại nhà dân, những bản làng có chuyên một mảng đặc sản nào đó như sao chè, nấu rượu, lấy măng, săn nấm, trồng mận, bắt sâu chít…

“Đó có lẽ cũng là cách mình thực hành các nghiên cứu văn hóa, nỗi đam mê của mình, những tri thức bản địa, từ ẩm thực đến tâm linh, từ văn hóa đến lối sống, đều ẩn chứa những uyên nguyên, kỳ diệu. Mình mong muốn những điều ấy sẽ mang lại lợi tức cho dân bản địa, tri thức sinh ra lợi tức”, anh nói.

Và anh làm đúng như thế, anh khuyến khích cư dân bản địa thực hành các văn hóa tự nhiên, không công nghiệp hay làm ẩu, bằng cách đầu tư và thu mua sản phẩm với giá trị cao hơn các thương lái mua. Anh bán các sản phẩm tốt đó cho người có nhu cầu, phần lợi tức lại được tái đầu tư.

Sau mấy năm dịch bệnh, không lên được núi, hè vừa rồi, khi anh trở về Tây Bắc, dân bản đã ôm chầm anh, nhớ một người thân quen chưa bao giờ “kinh doanh” với họ. Năm nay, Tết có vẻ buồn, anh vẫn đặt mua hàng cho người dân bản địa anh quen, nhưng anh nói “chắc không bán được nhiều, thôi kệ!”. “Anh buôn bán vậy rồi sao giàu?”, tôi hỏi.

“Anh đủ giàu rồi mà, vợ con hòa thuận, đủ đầy, bao nhiêu tình cảm của dân bản địa và hiểu biết các vùng sâu nhất trong tâm hồn văn hóa ấy, anh cần gì thêm. Cùng lắm thì Tết đóng cửa nhà, bày trà của dân bản làm riêng cho mình ra uống hết mùa thôi”, anh cười nói. Và tôi biết, cách kinh doanh thực hành văn hóa ấy, anh đã thành một trong những người giàu có nhất tôi biết.

“Tại bảy quốc gia châu Âu, châu Mỹ và bốn quốc gia châu Á, các cuộc khảo sát giống nhau đã được tiến hành và người tham gia khảo sát đã được hỏi: “Bạn thấy việc trở nên giàu có có tầm quan trọng như thế nào với bản thân?”. Tại các quốc gia châu Á được khảo sát, trung bình 58% người trả lời nói rằng trở nên giàu có là điều quan trọng với họ, so với 28% tại châu Âu và Mỹ.

Tại Việt Nam, con số này cao hơn so với bất cứ quốc gia nào khác: 76%”, theo sách “Người giàu theo quan điểm công chúng” cho biết. Trong giấc mơ giàu có ấy, thật đáng mừng, nếu những người giàu có nhất, những người giàu có từ bên trong, xuất hiện nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới