Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những tiến triển trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và các nước

Ngân Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và các nước đang ghi nhận một số chuyển biến đáng chú ý.

Đột phá bước ngoặt trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Sau cuộc đàm phán kéo dài hai ngày cuối tuần tại Geneva, Thụy Sỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã khiến thế giới bất ngờ khi công bố thỏa thuận tạm thời cắt giảm mạnh mẽ các mức thuế quan mà đôi bên vừa áp đặt lên hàng hóa của nhau trong thời gian qua.

Theo tuyên bố chung, Mỹ sẽ giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức đỉnh 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng hạ thuế với hàng Mỹ từ 125% xuống chỉ còn 10%. Dù chỉ có hiệu lực trong 90 ngày, thỏa thuận đã tạo ra “khoảng lặng” quý giá để hai bên tiếp tục thương lượng về những vấn đề gai góc còn tồn đọng. Các doanh nghiệp hai nước cũng có thể tranh thủ “cửa sổ 90 ngày” để tiếp tục vận chuyển hàng hóa, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Thỏa thuận Mỹ - Trung vừa đạt được cũng thiết lập tiêu chuẩn cao hơn cho các cuộc đàm phán thương mại song phương trong tương lai, bao gồm cả với Ấn Độ. Điều này đặc biệt quan trọng ở các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, ô tô và thương mại kỹ thuật số.

Động thái mới này được đánh giá là sự điều chỉnh đáng kể so với lập trường cứng rắn mà chính quyền Tổng thống Donald Trump từng theo đuổi. Trước đó, các mức thuế cao ngất ngưởng đã khiến thương mại song phương gần như đóng băng, doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai quốc gia đều chịu áp lực nặng nề, còn các chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent phải thừa nhận, các mức thuế ba chữ số mà hai bên áp dụng trong tháng trước “gần như tương đương với một lệnh cấm vận”, điều mà “không ai mong muốn”.

Không chỉ có vậy, Trung Quốc cũng đồng ý đình chỉ hoặc hủy bỏ các biện pháp trả đũa phi thuế quan - bao gồm đưa hàng chục doanh nghiệp Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy” và điều tra chống độc quyền đối với các tập đoàn lớn của Mỹ.

Đáng chú ý, các cuộc đàm phán còn đề cập đến việc Trung Quốc có thể tăng mua hàng hóa Mỹ, góp phần thu hẹp thâm hụt thương mại. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát tiền chất sản xuất fentanyl - nguyên nhân khiến Mỹ áp thuế bổ sung lên hàng Trung Quốc - cũng được hai bên đưa vào chương trình nghị sự với những tín hiệu hợp tác tích cực.

Không khí đàm phán, theo các quan chức hai bên, diễn ra trong tinh thần “tôn trọng lẫn nhau”, đặt lợi ích chung lên trên đối đầu. Trung Quốc khẳng định đây là “bước đi cần thiết để tránh leo thang”, còn Mỹ nhấn mạnh sự đồng thuận rằng “không ai muốn tách rời hai nền kinh tế”.

Những tín hiệu này ngay lập tức tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa khắp các thị trường tài chính thế giới. Các chỉ số chứng khoán từ châu Á, châu Âu cho tới Mỹ đều tăng điểm mạnh, trong đó, nhóm cổ phiếu công ty công nghệ lớn tại Phố Wall đã bổ sung hơn 800 tỉ đô la giá trị vốn hóa thị trường chỉ trong phiên đầu tuần. Giá dầu và đồng đô la Mỹ cũng tăng đáng kể khi tâm lý giới đầu tư được cải thiện.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức vẫn tỏ ra thận trọng trước những diễn biến mới. Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc bày tỏ sự hoan nghênh thỏa thuận, nhưng cho biết, “sự bất định vẫn còn”, bởi các mức thuế mới chỉ được tạm ngưng, chưa có cam kết lâu dài - điều các doanh nghiệp rất cần để duy trì hoạt động sản xuất đầu tư.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo, thỏa thuận mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình thương lượng chi tiết có mức độ phức tạp cao hơn rất nhiều so với các cuộc đàm phán tổng thể. Việc giải quyết tận gốc các bất đồng dai dẳng về trợ cấp công nghiệp, kiểm soát xuất khẩu, sở hữu trí tuệ và cán cân thương mại sẽ là không hề dễ dàng.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận đây là “sự hạ nhiệt căng thẳng đáng kể”, như nhận định của ông Mark Williams, chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics. Ông cho rằng, dù thỏa thuận 90 ngày chưa thể đảm bảo một lệnh “đình chiến thuế quan” lâu dài, nhưng việc hai bên “lùi lại từ bờ vực chiến tranh thương mại” là tín hiệu tích cực cho kinh tế toàn cầu. Đây có thể coi là “khởi đầu tốt đẹp”, mở ra hy vọng cho một lộ trình giải quyết các khác biệt sâu sắc giữa hai siêu cường.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh: Cơ hội và giới hạn của một “bước đệm”

Không chỉ với Trung Quốc, Mỹ còn đạt được bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại với Anh. Hồi tuần trước, Washington và London đã công bố khung thỏa thuận, trong đó Mỹ đồng ý hạ thuế với thép nhôm, ô tô và một số mặt hàng chủ lực của Anh. Đổi lại, Anh sẽ cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Mỹ từ 5,1% xuống 1,8%, và mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho nhiều sản phẩm của Mỹ.

Động thái mới này được đánh giá là sự điều chỉnh đáng kể so với lập trường cứng rắn mà chính quyền Tổng thống Donald Trump từng theo đuổi. Trước đó, các mức thuế cao ngất ngưởng đã khiến thương mại song phương gần như đóng băng, doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai quốc gia đều chịu áp lực nặng nề, còn các chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Sự kiện này được cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer ca ngợi là “lịch sử”, đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng chính sách thuế quan toàn diện vào tháng trước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng phạm vi của thỏa thuận còn khá hạn chế. Mỹ vẫn giữ lại mức thuế 10% với phần lớn hàng hóa Anh, và các nhượng bộ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ô tô, thép, nhôm, dược phẩm… chỉ chiếm chưa đến một phần ba kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh sang Mỹ và tương đương chưa đến 1% GDP nước này. Do vậy, đây không phải là một hiệp định thương mại tự do thực thụ, mà chỉ là “bước đệm” giúp Anh tránh được các cú sốc lớn nhất trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, chuyên gia Aslak Berg tại Trung tâm Cải cách châu Âu cảnh báo việc Anh là nước châu Âu đầu tiên đạt thỏa thuận với Mỹ sẽ “tạo ra tiền lệ xấu và gây ra những sự khó chịu nhất định tại Brussels”. Điều này có thể làm suy yếu lập trường của một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), giữa lúc khối này đang cân nhắc áp thuế đáp trả lên hàng tỉ euro hàng hóa Mỹ.

Dẫu vậy, dưới góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách Anh, thỏa thuận này vẫn mang ý nghĩa chiến lược lớn, giúp London khẳng định vị thế độc lập hậu Brexit và duy trì quan hệ đặc biệt với Mỹ. Giới chức Anh hiện vẫn đang tranh thủ khoảng thời gian trước khi ký kết hiệp định, để nỗ lực đàm phán giảm mức thuế cơ sở 10%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đánh giá, việc giảm bớt sự bất định nhờ thỏa thuận thương mại gần đây là “tin rất tốt”, giúp hạn chế tác động tiêu cực từ các rào cản thuế quan lên tăng trưởng và lạm phát.

Triển vọng đàm phán với các quốc gia khác

Trong khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Trung Quốc và Anh ghi nhận bước tiến, thì với các đối tác châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, tiến trình đàm phán lại đang tiến triển chậm hơn do còn nhiều khác biệt về lợi ích.

Với Nhật Bản, các cuộc thương lượng vẫn đang “giậm chân tại chỗ” khi hai vòng đàm phán cấp cao giữa trưởng đoàn Nhật Bản Ryosei Akazawa và các quan chức Mỹ chưa đạt được kết quả cụ thể, thậm chí còn chưa thống nhất được chương trình nghị sự.

Tokyo hiện vẫn kiên quyết không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu Washington không đưa thuế ô tô - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật - vào bàn đàm phán. Bên cạnh đó, Thủ tướng Shigeru Ishiba nhấn mạnh Nhật Bản “không chấp nhận hy sinh nông nghiệp để đổi lấy nhượng bộ về ô tô”, đồng thời đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các loại thuế, thay vì chỉ giảm một phần như mô hình của thỏa thuận Mỹ - Anh.

Các nguồn tin gần đây cho thấy, Nhật Bản đã đề xuất tăng nhập khẩu bắp Mỹ, nới lỏng quy chuẩn ô tô, hợp tác về đóng tàu… như các “quân bài” thương lượng, song vẫn giữ lập trường không nhượng bộ trong các lĩnh vực then chốt. Giới phân tích nhận định Tokyo đang “câu giờ” nhằm chờ đợi Mỹ phải nhượng bộ nhiều hơn do áp lực kinh tế và chính trị nội bộ. Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ chờ qua kỳ bầu cử Thượng viện vào tháng 7 trước khi thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh quan điểm lớn nào.

Đối với Hàn Quốc, thỏa thuận Mỹ - Trung được kỳ vọng sẽ tạo không khí thuận lợi hơn cho các cuộc thương lượng song phương. Seoul và Washington đang hướng tới một “gói thỏa thuận tháng 7”, tập trung vào bốn lĩnh vực: thuế quan, an ninh kinh tế, hợp tác đầu tư và chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc vẫn tỏ ra thận trọng, khẳng định sẽ “không vội vàng”, mà tiếp tục theo sát tiến trình của các đối tác khác trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thành lập các nhóm công tác chuyên biệt để xử lý tác động của thuế quan Mỹ lên các ngành xuất khẩu chủ lực như bán dẫn, dược phẩm, nông sản, đồng thời triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ hiện diễn ra chậm hơn kỳ vọng, dù trước đó Nhà Trắng từng đưa ra những tuyên bố lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận sớm.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi phạm vi đàm phán rất rộng, bao phủ hơn 7.000 dòng thuế, khiến ngay cả việc đạt được một thỏa thuận nhỏ cũng không hề dễ dàng. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick thừa nhận, quá trình này sẽ cần thêm thời gian để xử lý các chi tiết kỹ thuật và dung hòa lợi ích giữa hai bên.

Các nhà phân tích nhận định, sau khi đạt được bước đột phá trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh, Washington giờ đã có điều kiện để điều chỉnh lại cách tiếp cận với New Delhi. Thay vì vội vã đưa ra các thông báo gây chú ý, Chính phủ Mỹ sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề then chốt, ưu tiên các chi tiết kỹ thuật nhằm đảm bảo một thỏa thuận bền vững và thực chất hơn.

Đáng chú ý, thỏa thuận Mỹ - Trung vừa đạt được cũng thiết lập tiêu chuẩn cao hơn cho các cuộc đàm phán thương mại song phương trong tương lai, bao gồm cả với Ấn Độ. Điều này đặc biệt quan trọng ở các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, ô tô và thương mại kỹ thuật số, buộc New Delhi phải cân nhắc kỹ lưỡng từng bước đi, tránh nhượng bộ quá sâu nhưng vẫn đảm bảo lợi ích các ngành xuất khẩu chủ lực của mình

Nguồn: New York Times, AP, Reuters, CNN, Japan Times, Business Today, Euronews, Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới