Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những tín hiệu từ kỳ họp Quốc hội Trung Quốc

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trung Quốc dường như đã chuẩn bị cho một quá trình cạnh tranh đường dài với Mỹ để trở thành siêu cường kế tiếp. Điều này dường như càng chính xác khi những gì mà kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 14 (tương đương với kỳ họp Quốc hội) vừa kết thúc tuần qua. Qua cải cách bộ máy tổ chức và đề bạt một số nhân sự trọng yếu, có thể thấy ưu tiên của Trung Quốc tiếp tục là các từ khóa “Đảng”, “Khoa học”, “An ninh”, “Ổn định” và “Kinh tế”.

Dự kiến những cải cách về bộ máy tổ chức Đảng và chính phủ

Trước kỳ họp Quốc hội năm nay, Hội nghị Trung ương 2 khóa 20 Đảng cộng sản Trung Quốc đã thảo luận và thông qua “Phương án cải cách bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước” để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tháng 3-2023 này. Trong đó có một số dự kiến thay đổi đáng chú ý:

Thứ nhất, thành lập Ủy ban Khoa học và Công nghệ trên cơ sở tái cấu trúc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) để củng cố quyền hạn và trách nhiệm đồng thời chuyển giao một số trách nhiệm cho các bộ, ngành khác.

Thứ hai, thành lập Tổng cục Quản lý tài chính quốc gia (NFRA) trên cơ sở giải thể Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và nhận chuyển giao một số lĩnh vực nghiệp vụ từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). NFRA sẽ chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ ngành tài chính, ngoại trừ chứng khoán sẽ vẫn thuộc thẩm quyền của Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC).

Vị trí chính thức của NFRA và CSRC cũng sẽ được điều chỉnh để trở thành do Quốc vụ viện trực tiếp quản lý. Sự thay đổi này nâng cao thứ bậc của các cơ quan này và được cho là giúp củng cố quyền lực và chức năng giám sát của chúng. Theo kế hoạch cải cách, NFRA được thành lập “nhằm giải quyết những mâu thuẫn và vấn đề tồn tại lâu nay trong lĩnh vực tài chính”. Kế hoạch cải cách cũng nêu rõ rằng một số nhiệm vụ của PBoC và CSRC đã được chuyển giao cho NFRA nhằm “tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính, đồng thời tiêu chuẩn hóa hành vi của các sản phẩm và dịch vụ tài chính một cách thống nhất”.

Thứ ba, thành lập Tổng cục Dữ liệu quốc gia (NDB) để điều phối và thúc đẩy sự phát triển và sử dụng tài nguyên kỹ thuật số cũng như nền kinh tế kỹ thuật số. Cơ quan này sẽ nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) thuộc Quốc vụ viện. Mặc dù nằm trong hệ thống cơ quan chính phủ nhưng NDB sẽ tiếp nhận cả một số nhiệm vụ của Văn phòng Ủy ban An ninh mạng Trung ương, bao gồm điều phối việc phát triển và chia sẻ các nguồn thông tin quan trọng cũng như thúc đẩy kết nối các nguồn thông tin.

Những trọng tâm và những điều rút ra từ kỳ họp Quốc hội Trung Quốc

Trong bài phát biểu sau khi được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ ba, ông Tập Cận Bình cho biết ưu tiên của ông là Trung Quốc phải cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh trong theo đuổi giấc mơ về sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa. Ông cho rằng: “An ninh là nền tảng của sự phát triển. Ổn định là điều kiện tiên quyết của thịnh vượng. Chúng ta phải có một cách tiếp cận toàn diện có hệ thống để đảm bảo an ninh quốc gia”. Những phát biểu đó cộng thêm các thay đổi về cơ cấu tổ chức lẫn thay đổi nhân sự vừa rồi cho thấy nhiều dấu hiệu về trọng tâm và thứ tự ưu tiên trong hệ thống chính sách của Trung Quốc sắp tới.

Đầu tiên, chúng ta có thể thấy việc tái cấu trúc hành chính tiếp tục thể chế hóa sự giám sát của Đảng đối với việc hoạch định chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực chính sách tài chính và an ninh quốc gia. Trong đó lĩnh vực khoa học công nghệ được ưu tiên hơn hẳn lĩnh vực tài chính khi nó được tách ra khỏi MOST để trở thành một ủy ban trực thuộc Trung ương Đảng.

Thứ hai, về mặt đối ngoại và an ninh, các chuẩn bị sẵn sàng cho một tham vọng toàn cầu lớn hơn và việc phải đối đầu với Mỹ ngày càng rõ nét. Sau bất ngờ của việc trong một trường hợp công khai hiếm hoi, Chủ tịch Trung Quốc nhắc trực diện về căng thẳng Mỹ - Trung và việc Mỹ tìm cách hạn chế, bao vây, chèn ép Trung Quốc, Quốc hội nước này đã phê chuẩn việc bầu Ngoại trưởng Tần Cương, nguyên đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ tháng 7-2021, vào vị trí Ủy viên Quốc vụ viện - vị trí thường dành cho một ngoại trưởng nghỉ hưu và đảm trách trọng trách đứng đầu ngành ngoại giao quốc gia, những năm trước chúng được dành cho các ông Dương Khiết Trì, Vương Nghị.

Việc thay thế ông Vương Nghị chỉ sau hai tháng trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trên thực tế đã thăng liền hai cấp cho ông Tần Cương. Điều này kết hợp với phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc cũng đã rất sẵn sàng cho các căng thẳng trực diện sắp tới với Mỹ. Bên cạnh đó, lĩnh vực an ninh quốc phòng cũng được chú trọng. Không chỉ tăng ngân sách quốc phòng, trong một bài phát biểu hôm thứ Hai tuần trước, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc để biến nó thành một “Vạn lý trường thành bằng thép” nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng.

Thứ ba, về mặt khoa học công nghệ, ông Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của làm chủ công nghệ khi tuyên bố “Trung Quốc nên nỗ lực để đạt được sự tự lực và sức mạnh lớn hơn về khoa học và công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp”. Tuy nhiên, thành công của chiến lược tự chủ khoa học công nghệ không chỉ phụ thuộc vào quy mô đầu tư vốn mà còn phụ thuộc vào mô hình của nền khoa học bản địa cũng như hiệu quả của chính sách đầu tư. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có khoảng 5% vốn đầu tư cho nghiên cứu bán dẫn đi vào nghiên cứu cơ bản, phần còn lại đều được dành để mở rộng nhà xưởng hoặc mua sắm thiết bị.

Thứ tư, tăng trưởng kinh tế sẽ không phải ưu tiên hàng đầu mà thay vào đó là tìm kiếm sự ổn định, nâng cấp nền kinh tế thông qua việc tự chủ được các công nghệ lõi và tiếp tục “khử rủi ro” tại các lĩnh vực tồn đọng như bất động sản, tài chính. Ngoài việc đặt một mục tiêu khiêm tốn là “khoảng 5%” cho năm nay, trong Báo cáo chính phủ, nguyên Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhắc tới từ “ổn định” 33 lần. Trong khi đó, cụm từ “cải cách và mở cửa” - chính sách do ông Đặng Tiểu Bình đưa ra và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc 40 năm qua - chỉ được nhắc đến ba lần, không thay đổi so với năm 2022. Cụm từ này đã được sử dụng 10 lần vào năm 2018 nhưng ít xuất hiện hơn trong những năm gần đây. “Cải cách” được sử dụng 40 lần, sự suy giảm đáng kể nếu so với việc nó được nhắc đến hơn 100 lần trong báo cáo năm 2018 và 2019. Điều này cho thấy các quan chức mới ưu tiên ổn định kinh tế và tránh xa những cải cách có thể gây xáo trộn lớn trong thời gian tới. Điều này cũng dễ hiểu bởi với bối cảnh kinh tế như hiện nay, mối lo của Trung Quốc không chỉ là làm sao có thể tự chủ công nghệ trong các ngành sản xuất hiện đại, mà còn là bài toán giải quyết thất nghiệp của thanh niên. Năm 2023, khoảng 11,5 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ tốt nghiệp đại học, cao hơn mức kỷ lục 10,8 triệu của năm ngoái. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 18-24 là 16,7% (cuối năm 2022) cao hơn nhiều so với mức thất nghiệp trung bình cả nước là 5,5%.

Thứ năm, trong bối cảnh bất ổn trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu có dấu hiệu căng thẳng khi các tin xấu liên quan đến ngân hàng và công ty công nghệ ngày càng nhiều, Trung Quốc đã có một quyết định bất ngờ vào phút cuối là không thay đổi nhân sự cấp cao ở PBoC. Ông Dịch Cương tiếp tục làm Thống đốc dù trước đó có tin rằng ông Chu Hạc Tân sẽ kế nhiệm ông. Điều này cho thấy ưu tiên của Trung Quốc tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định khi lựa chọn một người có nhiều kinh nghiệm xử lý các vấn đề nợ xấu của ngân hàng ở lại chèo lái PBoC.

Nhưng việc thành lập cơ quan mới NFRA cũng báo hiệu khả năng có hàng loạt vụ tái cấu trúc trong lĩnh vực ngân hàng thời gian sắp tới. Bởi lẽ, cơ quan mới đã trao thẳng quyền lực điều tiết giám sát hệ thống ngân hàng địa phương vào tay các viên chức ở trung ương. Hệ thống ngân hàng địa phương vốn chiếm khoảng 50% thị trường ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã vướng phải sự chi phối bởi các địa phương nay có thể tránh được các rắc rối này một cách dễ hơn. Nhưng ngược lại, các chuyên viên ở trung ương lại không am hiểu tình hình địa phương bằng đội ngũ sở tại hiện thời.

(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới