Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những trợ lực để Vietnam Airlines phát triển bền vững

Thùy Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã dần có những tín hiệu khởi sắc. 9 tháng đầu năm nay, doanh thu hợp nhất của hãng đạt hơn 85.400 tỉ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ 2023.

Vietnam Airlines đã thực hiện trên 106.400 chuyến bay an toàn, vận chuyển 17,2 triệu lượt hành khách, tăng gần 9%. Toàn bộ mạng bay nội địa và quốc tế của hãng hàng không quốc gia đã được phục hồi. Thậm chí, từ đầu năm nay đến nay, hãng còn liên tục mở thêm các đường bay quốc tế mới như Hà Nội/TPHCM – Munich (Đức), Hà Nội/TPHCM – Manila (Philippines), Hà Nội – Phnôm Pênh (Campuchia)... Ngoài ra Hãng cũng công bố kế hoạch mở tới Milan (Ý) và Bali (Indonesia) và nhiều điểm đến mới trong năm 2025.

Trong bối cảnh đó, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines cũng có diễn biến tích cực trong thời gian gần đây. Từ cuối tháng 10 đến nay, trái ngược với sự đi xuống của thị trường chung, mã này đã tăng gần 30% lên hơn 26.000 đồng (phiên 19-11). Dù vẫn trong diện hạn chế giao dịch phiên sáng, nhưng cổ phiếu HVN ghi nhận nhu cầu lớn từ thị trường khi bình quân mỗi ngày có xấp xỉ 2,6 triệu cổ phiếu được mua bán.

Một trong những yếu chính thúc đẩy đà tăng, sức hấp dẫn của cổ phiếu này là Vietnam Airlines đã có lãi quý thứ 3 liên tiếp. Riêng quí 3-2024, công ty đạt lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 860 tỉ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của tổng công ty khoảng 6.570 tỉ đồng.

Cùng với đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào tiềm năng phục hồi của ngành hàng không. Tại Việt Nam, 8 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế qua các cảng hàng không cải thiện rõ rệt, đạt 27 triệu lượt, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường thế giới, mới đây Justin Erbacci, CEO của Airports Council International (ACI) nói rằng hiện tại là thời điểm nhiều cơ hội đang mở ra khi quy mô lĩnh vực hàng không tăng trưởng. Dữ liệu từ ACI dự đoán năm nay, toàn cầu có khoảng 9,4 tỉ lượt hành khách, vượt mức trước đại dịch (9,2 tỉ lượt năm 2019).

Với các giải pháp tự thân như đã thực hiện trong giai đoạn vừa qua cùng với chiến lược chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả kinh doanh, lãnh đạo Vietnam Airlines tự tin sẽ giúp hãng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2023, Vietnam Airlines tiết kiệm được hơn 18.100 tỉ đồng chi phí, giãn hoãn thanh toán tiền thuê hơn 8.300 tỉ đồng. Đồng thời, hãng cũng đã tái cấu trúc các khoản nợ với tổng giá trị 6.140 tỉ đồng để giảm áp lực tài chính. Về cơ cấu tổ chức, Vietnam Airlines giảm 4 cấp đơn vị, 51 đầu mối cấp phòng, tinh giản 2.468 người so với năm 2019. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thêm 2.444 tỉ đồng. Những yếu tố đã góp phần giúp nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Vietnam Airlines, cũng như đà tăng giá cổ phiếu HVN.

Ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực năm nay, nhưng Vietnam Airlines vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết sau 3 năm đại dịch. Đến hết 30-9, vốn chủ sở hữu của hãng vẫn âm hơn 11.000 tỉ. Vietnam Airlines còn lỗ lũy kế 35.225 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, nếu không nhanh chóng cải thiện năng lực tài chính, hãng sẽ vẫn có nguy cơ bị mất khả năng thanh toán, thiếu hụt nguồn vốn. Cùng với đó, Vietnam Airlines còn không có cơ hội, nguồn vốn dài hạn để khơi thông các dự án đầu tư trọng điểm, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Về lâu dài, điều này sẽ làm suy giảm khả năng ứng phó, chống chịu với các rủi ro từ môi trường sản xuất kinh doanh, suy giảm khả năng cạnh tranh, vị thế của Vietnam Airlines trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong khi đó, Chính phủ nhiều nước trong khu vực ngay sau dịch đã liên tục có các động thái hỗ trợ vào trợ lực của các hãng hàng không quốc gia. Singapore đã hỗ trợ cho Singapore Airlines tới 16 tỉ đô la Mỹ để phục hồi và tiến tới chiếm lĩnh vực trường quốc tế. Thái Lan cũng bơm thêm khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ cho Thai Airways và hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu.

Vì vậy, để Vietnam Airlines không bỏ lỡ cơ hội ngay trên sân nhà và bị bỏ lại xa trên thị trường quốc tế, Hãng Hàng không Quốc gia vẫn cần một giải giải pháp tổng thể, đột phá để giải quyết triệt để các khó khăn đang đối mặt. Việc này cũng sẽ giúp bảo vệ quyền lợi, lòng tin những nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng vào cổ phiếu Vietnam Airlines trong dài hạn.

Đến nay, Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021-2025 của Vietnam Airlines đã ở những bước cuối trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Để nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2035, Vietnam Airlines mong muốn cơ quan quản lý cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán. Đồng thời, tổng công ty cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giao các doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực tài chính thay mặt Chính phủ mua cổ phần tại Vietnam Airlines. Việc này thực hiện theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Vietnam Airlines thực hiện phương án tăng vốn điều lệ chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới