Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những ưu tiên chính sách cho phục hồi kinh tế đến cuối năm 2021

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những ưu tiên chính sách cho phục hồi kinh tế đến cuối năm 2021

PGS.TS. Phạm Thế Anh (*)

(KTSG) - Sau sáu tháng đầu năm, nhìn chung Việt Nam đã đạt được con số tăng trưởng ấn tượng cùng với môi trường vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, những con số hào nhoáng về tăng trưởng GDP không phản ánh hết được thực trạng khó khăn mà đại đa số doanh nghiệp và người dân đang phải trải qua khi dịch liên tiếp tái bùng phát ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc.

Những ưu tiên chính sách cho phục hồi kinh tế đến cuối năm 2021
Sự hồi phục kinh tế không thể tách rời quá trình tiêm chủng vaccin trên diện rộng.Ảnh: N.K

Mặc dù triển vọng đã sáng hơn so với cách đây một năm nhưng con đường hồi phục của kinh tế toàn cầu vẫn chưa hết gập ghềnh và bất định. Tính đến giữa năm nay, các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đều đồng thuận nâng mức dự báo đối với tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 lên khoảng 5,8-6% (tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm) nhờ chiến lược tiêm chủng ngừa dịch Covid-19 rộng rãi và các gói kích thích tài khóa lớn ở các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, sự phục hồi là không đồng đều, và khác với một năm trước đây, khó khăn đang rơi vào các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi do sự lây lan nhanh của các biến thể virus mới và khả năng tiếp cận nguồn cung vaccin hạn chế.

Sự hồi phục kinh tế không thể tách rời quá trình tiêm chủng vaccin trên diện rộng. Về khía cạnh này, Việt Nam đang đi chậm hơn với các nước trên thế giới, các nước trong khu vực, và thậm chí là chậm với cả chính lượng vaccin mà mình có.

Ở Việt Nam, tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm đạt 5,64% với khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và khu vực công nghiệp và xây dựng gần như đã hồi phục về mức trước khi đại dịch xảy ra.

Cụ thể hơn, các ngành đạt mức tăng trưởng ấn tượng vẫn là những ngành liên quan đến xuất khẩu, phòng chống bệnh dịch, sản xuất hàng thiết yếu hay được hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô nới lỏng như: công nghiệp chế biến, chế tạo (11,42%); sản xuất và phân phối điện, khí, nước (8,16%); y tế và trợ giúp xã hội (10,47%); hay tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (9,27%).

Tỷ lệ lạm phát bình quân được giữ ở mức thấp so với nhiều năm (1,47%, so với cùng kỳ năm trước), tuy nhiên giá cả đang có xu hướng tăng nhanh hơn trong những tháng gần đây do chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics, giá thuê đất, chi phí liên quan đến các hoạt động phòng chống dịch đang đè nặng lên các doanh nghiệp.

Sau sáu tháng đầu năm, nhìn chung Việt Nam đã đạt được con số tăng trưởng ấn tượng cùng với môi trường vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, những con số hào nhoáng về tăng trưởng GDP hay xuất khẩu không phản ánh hết được thực trạng khó khăn mà đại đa số các doanh nghiệp và người dân đang phải trải qua khi dịch liên tiếp tái bùng phát ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc.

Chỉ số PMI - đo lường sức khỏe của khu vực sản xuất - đã đột ngột tụt giảm xuống chỉ còn 44,1 điểm vào tháng 6, và được dự báo tiếp tục ở dưới xa ngưỡng trung lập (50 điểm) khi Chỉ thị 16 được thực hiện trên diện rộng ở các trọng điểm kinh tế ở cả hai đầu đất nước. Số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, người lao động mất việc tiếp tục tăng nhanh; nhiều hoạt động kinh tế và lưu thông hàng hóa có nguy cơ đứt gãy trong thời gian dài; dòng vốn đầu tư có nguy cơ bị trì hoãn, hoặc xấu hơn là đổi hướng rời khỏi Việt Nam.

Về tài khóa, các gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân và doanh nghiệp nên được ưu tiên hàng đầu, cung ứng đủ tiền cho mua sắm các thiết bị y tế và xây dựng/nâng cấp các cơ sở y tế, đồng thời tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia.

Quốc hội không/chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế của năm 2021, nhưng trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong nước, các chỉ tiêu hồi đầu năm về GDP, CPI hay xuất khẩu,... được hiểu là những mục tiêu để phấn đấu hơn là nhiệm vụ bắt buộc.

Các chính sách hiện nay thiên về chống dịch hơn, đồng thời kết hợp với các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu những tổn thương kinh tế.

Sự hồi phục kinh tế không thể tách rời quá trình tiêm chủng vaccin trên diện rộng. Về khía cạnh này, Việt Nam đang đi chậm hơn với các nước trên thế giới, các nước trong khu vực, và thậm chí là chậm với cả chính lượng vaccin mà mình có. Tính đến hết ngày 24-7, chỉ có khoảng 4,5 triệu liều vaccin được tiêm cho hơn 4% dân số (trong đó chỉ khoảng 8% trong số này là được tiêm đủ hai mũi), và chỉ chiếm hơn 40% tổng số liều vaccin đã nhận được kể từ tháng 3-2021.

Do vậy, đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, đồng thời xử lý dứt điểm những bất cập liên quan đến thiếu trang thiết bị y tế, lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khu phong tỏa, dồn ứ trong khai báo y tế ở các cửa ngõ, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp phòng dịch cực đoan, thiếu nhất quán giữa các địa phương... là những biện pháp cần chú trọng để ít gây tổn hại nhất cho các hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân và doanh nghiệp nên được ưu tiên hàng đầu. Để người dân chịu ảnh hưởng có thể tiếp cận các gói này một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, bên cạnh các tiêu chí đơn giản và khả thi, chính quyền sở tại (thông qua tổ dân phố) cần nhanh chóng lập danh sách và niêm yết công khai trên các cổng thông tin điện tử và tại địa phương để có sự giám sát của người dân. Trong bối cảnh hiện tại, các tiêu chí và thủ tục nhận hỗ trợ cần đơn giản nhất và việc công khai danh sách sẽ giúp giảm thiểu những tiêu cực có thể phát sinh.

Khu vực phi chính thức dễ tổn thương và khả năng chống chịu kém hơn nên người lao động trong khu vực này cần phải được đặc biệt chú trọng. Với chủ trương “không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc” của Chính phủ, thì một dường dây nóng nên được thiết lập ở mỗi địa phương để có thể hỗ trợ những người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Đối với những doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ngừng hoạt động hoặc sụt giảm mạnh thu nhập do các biện pháp giãn cách xã hội, giải pháp hỗ trợ phù hợp và có thể đẩy nhanh đó là sử dụng quỹ hỗ trợ an sinh xã hội để cho/cho vay đối với doanh nghiệp để trả lương cho người lao động. Bên cạnh tiêu chí thu nhập bị giảm sút, điều kiện cần thiết để nhận hỗ trợ là doanh nghiệp phải giữ lại người lao động, đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tồn tại và nhanh chóng quay trở lại sản xuất khi đại dịch qua đi.

Chúng ta chưa thể biết chắc đại dịch bao giờ sẽ qua đi, và những biến chủng nguy hiểm mới nào sẽ còn xuất hiện. Do vậy, nguồn lực tài khóa cần được cung ứng đủ cho mua sắm các thiết bị y tế và xây dựng/nâng cấp các cơ sở y tế. Các kịch bản xấu nhất cần được chuẩn bị, tránh bị động như trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, chính sách tài khóa cũng nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, vừa giúp tạo việc làm trong ngắn hạn, vừa tạo nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng (gỡ bỏ trần tín dụng) nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) để kiểm soát được sức ép lạm phát đang gia tăng kết hợp với các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

(*) Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới