Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhượng quyền trà sữa giá rẻ ‘len lỏi’ và phân nhánh tốt trong thị trường F&B

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều chủ đầu tư nhìn nhận thị trường F&B có biến động khi suy thoái kinh tế tác động mạnh từ 2023 đến nay. Tuy vậy, hoạt động nhượng quyền thương mại các chuỗi trà sữa giá rẻ vẫn đang "len lỏi" và phân nhánh tốt trong thị trường rộng lớn này. Nếu nắm bắt được xu hướng, tính toán quy mô phù hợp các chủ kinh doanh có thể đi trong ngách nhỏ của thị trường một cách hiệu quả và lâu dài.

Ngành hàng trà sữa vẫn “nóng”

Theo dữ liệu của Hiệp hội Cà phê Việt Nam và F&B Việt Nam, tổng giá trị thị trường trà sữa tại Việt Nam tính đến giữa năm 2023 đạt khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng gần gấp đôi so với năm 2019.

Báo cáo của Vinathis Finance chỉ ra đến cuối năm 2022, có khoảng 3.000 cửa hàng trà sữa trên toàn quốc, bao gồm các chuỗi quốc tế như Starbucks, Gong Cha, The Coffee Bean & Tea Leaf… và hàng trăm thương hiệu trà sữa gia nhập sân chơi. Đặc biệt khi hoạt động nhượng quyền ngày càng “cởi mở” với nhiều mô hình, việc kinh doanh sản phẩm trong ngành hàng này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Theo ông Hoàng Tùng, chủ tịch F&B Investment, chuyên đầu tư và tư vấn trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam, thị trường nhượng quyền tại Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, mới chỉ 1-2% trong khi ở các quốc gia phát triển thì thị trường nhượng quyền có thể đạt ở mức ổn định 10-12% GDP quốc gia.

Ngành F&B sẽ có xu hướng phát triển thành chuỗi nhanh thông qua nhượng quyền quy mô nhỏ. Ảnh minh họa: TL

Xu hướng F&B phát triển theo chuỗi và nhượng quyền tinh gọn sẽ bùng nổ trong những năm tiếp theo tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ hội lớn cho các thương hiệu F&B của Việt Nam có cơ hội đóng gói mô hình kinh doanh của mình hiệu quả hơn, sau đó nhân bản nhượng quyền để gia tăng sức mạnh và trở thành những thương hiệu lớn hơn cho ẩm thực Việt, ông chỉ ra.

Đại diện từ iPOS.vn, ông Trần Xuân Trung đánh giá dưới sự ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, người dùng có xu hướng tiết kiệm đề phòng những tình huống trong tương lai, dè dặt hơn khi chi tiêu cho tất cả các mặt hàng, dịch vụ, bao gồm cả ẩm thực và đồ uống. Tuy vậy, ăn uống vẫn là một trong những nhu cầu thiết yếu, nên cũng có những điểm sáng nhất định.

Tại iPOS.vn, doanh nghiệp vẫn ghi nhận được sự trưởng nhẹ của thị trường dựa trên số lượng các cửa hàng mở mới hàng tháng. Trong năm 2023, riêng ngành hàng cà phê, trà sữa cũng ghi nhận nhiều trào lưu mới chủ yếu ở phân khúc giá rẻ và tầm trung. Mặc dù mức chi tiêu có giảm, tuy nhiên nhu cầu vẫn còn đó, người dùng ưu tiên sử dụng những thương hiệu có mức giá phải chăng, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, nhượng quyền phát triển, nhiều thương hiệu cà phê, trà sữa phân khúc giá rẻ nhanh chóng đạt được nhiều điểm bán hàng.

Nếu xét theo các phân khúc, thị trường cà phê/trà sữa tại các thành phố lớn đang tập trung hướng tới phân khúc tầm trung, với mức giá trung bình từ 31.000 – 70.000 đồng/sản phẩm. Phân khúc này dành cho nhóm đối tượng văn phòng… trong độ tuổi từ 22 tới 40 tuổi. Đây được coi là nhóm khách hàng tiềm năng, với tỉ trọng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống lớn và tần suất trải nghiệm cao.

Phân khúc đồ uống giá rẻ, có mức giá trung bình dưới 30.000 đồng/sản phẩm cũng chiếm một lượng thị phần lớn. Sản phẩm này đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận dân văn phòng mua mang về, học sinh, sinh viên và trẻ em. Năm 2023 cũng chứng kiến cuộc chiến “phủ sóng” của các thương hiệu đồ uống giá rẻ như Mixue, Cooler City, TocoToco,…

“Nhìn chung, kinh doanh F&B vẫn tiếp tục là xu hướng trong nhiều năm tới, do ngành này có dòng tiền tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của chủ đầu tư”, ông Trần Xuân Trung, giám đốc Kinh doanh miền Bắc của iPOS.vn nói thêm.

Tính toán để chuỗi nhỏ đi đường dài

Giải thích về đặc điểm các thương hiệu nhượng quyền giá rẻ, ông Hoàng Tùng cho biết trên thị trường có rất nhiều mô hình nhượng quyền khác nhau, mỗi mô hình sẽ tập trung vào các nguồn thu khác biệt… Về mặt lý thuyết, mô hình nhượng quyền có thể có rất nhiều nguồn thu như phí nhượng quyền thu một lần kí kết heo hợp đồng, chi phí thiết lập cửa hàng, phí bán nguyên vật liệu, phí đào tạo, hỗ trợ hoạt động truyền thông, phí quản lý tính theo diện tích của cửa hàng…

Tuy nhiên không phải lúc nào doanh nghiệp bán nhượng quyền cũng thu được tất cả các nguồn thu trên. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn muốn mở rộng nhanh, chủ thương hiệu sẽ thu phí nhượng quyền rất ít, hoặc thậm chí miễn phí khoản phí này để khuyến khích người mua nhượng quyền mở cửa hàng và bên bán nhượng quyền có thể thu từ các nguồn khác bù vào qua thời gian.

“Mixue là thương hiệu nhượng quyền giá rẻ vì phí mua nhượng quyền của Mixue rất thấp, vài chục triệu trong 3 năm. Tuy nhiên tiền mua máy móc từ Mixue thì không rẻ, điều đó khiến 1 cửa hàng của Mixue đầu tư lên đến tiền tỉ”, ông nói.

Mô hình bán nhượng quyền giá rẻ sẽ hoạt động hiệu quả nếu bên bán nhượng quyền vẫn hỗ trợ người mua đủ, đúng như theo hợp đồng và người mua có kỳ vọng đúng đắn với mô hình mình đã mua. Việc xem xét đó là mô hình thương hiệu có đầu tư bài bản hay không mọi người có thể kiểm tra qua một số thông số, kiểm chứng trực tiếp tại các điểm bán đã mở và kiểm tra mặt pháp lý của công ty cũng như người đại diện…

Là chủ của ba cơ sở trà sữa Nọng 20K ở Hà Nội, anh Hoàng Tùng cho biết mình đã đồng hành cùng thương hiệu này từ ngày đầu xuất hiện những cơ sở đầu tiên ở thủ đô. Với thông điệp quảng cáo nhượng quyền chỉ từ 18 triệu đồng, anh kể  mình mua nhượng quyền theo các điều khoản với khoảng 200 triệu/cửa hàng, hoàn tất toàn bộ chi phí tiền nhà, nguyên vật liệu, máy móc… ước tính khoảng 350 triệu/cửa hàng. Ngoài ra hằng năm, chủ đầu tư cũng phải đóng thêm những khoản phí quy định để duy trì thương hiệu. Riêng anh Tùng được hưởng một số ưu đãi nhất định vì sở hữu nhiều cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội.

Cửa hàng trà sữa nhượng quyền chỉ từ 18 triệu đồng ở Hà Nội. Ảnh: DNCC

Anh nhìn nhận thị trường trà sữa ở các thành phố lớn liên tục xuất hiện các nhãn hiệu mới với đủ kiểu loại sản phẩm, mô hình. Khi tham khảo thương hiệu này, anh cân nhắc tài chính phù hợp và khảo sát thị hiếu khách hàng ở khu vực mở điểm bán. Qua hơn một năm tham gia đầu tư, anh Hoàng Tùng thấy hiệu quả cũng tạm ổn so với mức giá nhượng quyền ban đầu.

Có những điểm bán đã hoàn vốn và sinh lời, ngược lại có điểm bán chậm hơn vì vị trí mặt bằng cũng như sự cạnh tranh từ đối thủ. “Với chi phí nguyên liệu ổn định, giá vốn sản phẩm cũng phù hợp với mức tiền từ đầu chủ kinh doanh bỏ ra, tôi không thể kì vọng nhiều như thương hiệu nhượng quyền giá cao đến cả tỉ đồng”, anh Tùng nói. Song nếu phát triển điểm bán quá nhanh, các cửa hàng cùng một thương hiệu mở san sát nhau, khoảng cách nhượng quyền thu hẹp lại thì tỉ lệ chia khách cao hơn. Mặt khác, các sản phẩm giá rẻ cũng cần được chọn lọc tránh tình trạng chất lượng nguyên liệu đầu vào thấp, cạnh tranh về giá quá gắt gao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Thống kê từ Sapo, khảo sát 15.000 khách hàng của nền tảng vào đầu năm 2024 cho thấy, dẫn đầu về hình thức kinh doanh trong ngành F&B được nhiều nhà bán hàng lựa chọn là mở quán cà phê (31,69% đáp viên lựa chọn), tiếp đến là các loại hình phục vụ nhóm khách hàng là giới trẻ như mô hình quán trà sữa, trà chanh, sữa chua, kem, chè, đồ ăn vặt… (20,64% đáp viên lựa chọn).

Ngoài ra, một mô hình kinh doanh kết hợp đang trở thành điểm nhấn trong ngành F&B là tiệm Billiards. Thực tế cho thấy, người kinh doanh có sự đầu tư lớn về mặt cơ sở vật chất cho cửa hàng theo hướng tổ hợp giải trí, tạo chương trình gắn kết thân thiết với tệp khách hàng trẻ tuổi.

Đại diện iPOS.vn dự đoán các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ, vận hành tinh gọn sẽ phát triển trong năm 2024, theo sát xu thế phát triển tiện lợi của thị trường. Đồng thời, làn sóng ẩm thực từ Trung Quốc sẽ gây nhiều ảnh hưởng nhất định trong thời gian tới.

“Dù kinh doanh theo “ngách” hay giữa đại dương đỏ, các nhà kinh doanh vẫn cần lưu tâm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và cân đối thu chi. Đặc biệt, trong bối cảnh tín hiệu khởi sắc của kinh tế chưa thực sự rõ ràng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là ổn định dòng tiền và có lãi trên từng điểm bán”, ông Trần Xuân Trung từ iPOS.vn nhấn mạnh.

Sự bùng nổ của một vài chuỗi trà sữa từ Trung Quốc hay một số thương hiệu nhượng quyền khác của Việt Nam gần đây cho thấy thị trường vẫn nhiều dư địa. Ngành F&B sẽ có xu hướng phát triển thành chuỗi nhanh và hiệu quả hơn bằng cách nhượng quyền thương mại bài bản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới