(KTSG Online) – Người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy ít tự tin về thu nhập, hoạt động kinh doanh và điều kiện thị trường lao động trong sáu tháng tới, bất chấp các dữ liệu gần nhất đều chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ đang phát triển lành mạnh.
- Các ngân hàng Phố Wall vẫn lạc quan về ‘ví tiền’ của người Mỹ
- Người tiêu dùng Mỹ ‘giải cứu’ kinh tế toàn cầu
Nỗi lo kinh tế suy thoái tái xuất hiện
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ (CCI) của Conference Board, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn kinh doanh và kinh tế hàng đầu của Mỹ, bất ngờ giảm xuống 106,7 điểm trong tháng 2, so với 110,9 điểm trong tháng 1. Đây là lần đầu tiên chỉ số này suy giảm sau ba tháng tăng liên tục.
“Sự suy giảm niềm tin diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến tất cả các nhóm thu nhập ngoại trừ những hộ gia đình có thu nhập dưới 15.000 đô la Mỹ và những hộ gia đình kiếm được trên 125.000 đô la mỗi năm. Niềm tin suy giảm đối với người tiêu dùng dưới 35 tuổi và những người từ 55 tuổi trở lên. Trái lại, niềm tin được cải thiện đôi chút đối với những người từ 35-54 tuổi”, Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng của Conference Board nói.
Chỉ số CCI được xây dựng dựa trên khảo sát ý kiến của người tiêu dùng Mỹ về các điều kiện kinh tế hiện tại và trong 6 tháng tới.
Cụ thể, Chỉ số tình hình hiện tại (Present Situation Index) dựa trên đánh giá của người tiêu dùng về điều kiện kinh doanh và thị trường lao động, giảm về mức 147,2 điểm từ mức 154,9 điểm trong tháng 1. Chỉ số kỳ vọng (Expectations Index), dựa trên kỳ vọng ngắn hạn của người tiêu dùng về thu nhập, hoạt động kinh doanh và điều kiện thị trường lao động, giảm xuống 79,8 điểm từ mức 81,5 điểm trong tháng 1. Chỉ số kỳ vọng dưới 80 điểm thường báo hiệu suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng trong tháng này có phần gây bất ngờ khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục chứng minh sự chống đỡ tốt trước lãi suất và lạm phát cao. Hầu hết các nhà kinh tế đã không dự đoán được sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng trong tháng này.
Thực tế, tốc độ tăng giá cả tiêu dùng giảm đáng kể trong năm qua nhưng lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế của Mỹ. Vì vậy, các nhà kinh tế theo dõi rất chặt chẽ hành vi của người tiêu dùng khi họ đánh giá nền kinh tế trên diện rộng hơn.
Bất an về thị trường việc làm
Nhìn chung, chỉ số CCI của Conference Board hiện nay chỉ cao hơn mức trung bình so với năm ngoái là 105,4 điểm. Cuộc khảo sát mới nhất của tổ chức này cho thấy, người tiêu dùng Mỹ bớt lo về giá thực phẩm và xăng, nhưng bày tỏ lo ngại nhiều hơn về việc làm và chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra.
Kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát trong một năm tới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Đây là một dấu hiệu tích cực vì kỳ vọng này có thể trở thành hiện thực. Nếu mọi người kỳ vọng giá sẽ tăng nhanh trong những tháng tới, họ có thể sớm mua nhiều hàng hóa hơn và dẫn đến giá tăng mạnh hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi mối lo về lạm phát giảm bớt, tỷ lệ người Mỹ cho rằng việc làm “dễ kiếm” vẫn trên đà giảm. Robert Frick, nhà kinh tế của Navy Federal Credit Union ghi nhận, thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ nhưng so với một năm trước, “nhảy việc” để có lương cao hơn không còn dễ dàng. Ông cũng lưu ý, khi mùa bầu cử tổng thống đầy căng thẳng đang đến gần hơn, người dân càng chú ý đến nền kinh tế.
Xét theo nhiều thước đo, nền kinh tế Mỹ vẫn đang cho thấy sự vững chắc. Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nền kinh tế trong quí 4-2023 đã tăng trưởng với tốc độ bất ngờ là 3,3%, tính trên cơ sở hàng năm. Điều này cho thấy người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ.
Bất chấp một số đợt sa thải lớn gần đây, thị trường lao động Mỹ vẫn tiếp tục tạo ra số lượng việc lớn. Các nhà tuyển dụng ở Mỹ đã tạo thêm 353.000 việc làm trong tháng 1 và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,7%, chỉ cao hơn mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.
Trong nỗ lực kiểm soát lạm phát bùng lên sau đại dịch Covid-19, Fed đã tăng lãi suất 11 đợt kể từ tháng 3-2022. Tuy nhiên, Fed giữ nguyên lãi suất trong 4 cuộc họp gần đây nhất và dự kiến bắt đầu hạ lần đầu tiên vào giữa năm nay. Triển vọng này hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế hơn nữa.
"Dù chỉ số CCI suy giảm, các nhà kinh tế cho rằng tâm lý bi quan gia tăng sẽ không kéo dài. Nhìn chung, người tiêu dùng Mỹ sẽ hưởng lợi từ việc giảm lãi suất của Fed trong năm nay”, Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics nhận định.
Trong một dữ liệu trái chiều khác, tỷ lệ người tiêu dùng trong cuộc khảo sát mới nhất của Conference Board có ý dự định mua một món hàng lâu bền như ô tô hoặc thiết bị lớn trong sáu tháng tới tăng lên.
Điều đó không có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ không bị áp lực. Với biên độ 5,25 - 5,5%, lãi suất của Mỹ vẫn ở mức cao nhất trong 23 năm. Giá nhà ở Mỹ vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng lớn đến tầng lớp thanh niên, những người thường chưa tích lũy đủ để mua nhà.
Biên bản cuộc họp chính sách của các quan chức Fed trong tháng cho thấy, họ vẫn lo ngại về kịch bản lạm phát dừng hạ nhiệt.
Dù vậy, ngày càng có nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư tin rằng, nền kinh tế Mỹ dự kiến vẫn ổn định khi lạm phát đang hướng về mục tiêu 2% của Fed. Các nhà phân tích gọi kịch bản kinh tế đó là “hạ cánh mềm”.
Theo AP, CNN