(KTSG Online) - Không chỉ là điểm đến sản xuất mới, Việt Nam ngày càng được chọn lựa trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của các doanh nghiệp châu Âu về quy mô sản xuất và tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng hơn...
- Mảng bán buôn và bán lẻ thu hút hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài
- Tham vọng năng lượng sạch của châu Âu bị hoài nghi khi ngành công nghiệp điện gió gặp khó
Vấn đề đặt ra là nền kinh tế với gần 100 triệu dân cần phải cải thiện và chuẩn bị hạ tầng sản xuất "xanh", tập trung phát triển kinh tế xanh... nhằm tạo sức hút hơn nữa với các nhà đầu tư khu vực châu Âu.
Cứ điểm sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm “Made-in-Vietnam” và tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, Nestlé Việt Nam không ngừng đầu tư xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm.
Chia sẻ về mô hình thành công của Nestlé Việt Nam tại một hội thảo do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức gần đây, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Nestlé Việt Nam, cho biết hiện sản phẩm của công ty đang xuất khẩu sang hơn 30 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính tại EU, như Thụy Sĩ, Anh… Đáng chú ý, Nestlé Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị cao, được chế biến bằng công nghệ hiện đại, như các sản phẩm cà phê, gia vị.
Đồng thời, nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu sản phẩm Nestlé cho toàn thế giới, Nestlé Việt Nam đang tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu, giá trị cao.
Việc mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê giá trị cao là một phần trong khoản cam kết đầu tư thêm 132 triệu đô la Mỹ được Nestlé Việt Nam công bố vào những tháng cuối năm ngoái, góp phần đưa sản phẩm “Made-in-Vietnam” chất lượng cao ra khu vực và thế giới. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu đô la Mỹ.
Tương tự, nhà máy Công ty TNHH Datalogic Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) là nhà máy “sinh sau đẻ muộn” nhất của Datalogic S.p.A – tập đoàn chuyên sản xuất máy đọc mã vạch lớn trên thế giới, nhưng đến nay đã trở thành nhà máy chủ lực của nhà đầu tư đến từ Ý này. Đây cũng là nhà máy duy nhất ở châu Á của Tập đoàn Datalogic.
Với hệ thống dây chuyền tự động hóa khoảng 70% cùng với hiệu quả sản xuất và nguồn nhân lực chất lượng, Datalogic Việt Nam cung cấp 65-70% tổng sản phẩm máy đọc mã vạch của cả tập đoàn. Hiện sản phẩm của Datalogic Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu khoảng 45%; châu Mỹ từ 30-35%; tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 1%; còn lại xuất khẩu sang châu Á Thái Bình Dương.
Ngoài việc chú trọng cải tiến dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, Datalogic Việt Nam còn đẩy nhanh số hóa trong sản xuất. Ông Đặng Văn Chung, Tổng giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam, nói: “Dù đưa vào hoạt động muộn, nhưng nhà máy ở khu công nghệ cao TPHCM giờ đây chiếm gần 70% tổng sản phẩm của Datalogic trên toàn cầu, cho thấy tập đoàn xem Việt Nam là điểm sản xuất chính cũng như đánh giá cao môi trường đầu tư”. Ông Chung cho biết tập đoàn đã chuyển giao nhiều dây chuyền sản xuất công nghệ cao từ Ý, Mỹ về Datalogic Việt Nam, đồng thời đầu tư các dây chuyền lắp ráp bo mạch điện tử cung cấp trực tiếp cho việc sản xuất máy đọc mã vạch thế hệ mới.
Piaggio Vietnam (PVN) là công ty sản xuất xe tay ga có 100% vốn đầu tư của Ý. Với hơn 1.000 nhân viên, PVN là nhà máy sản xuất lớn thứ ba của tập đoàn Piaggio, sau Pontedera ở tỉnh Pisa của Ý và Baramati (ở bang Maharashtra, nhà máy sản xuất của chi nhánh của Piaggio tại Ấn Độ). Nhà máy sản xuất xe tay ga tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc giờ đã trở thành thị trường chiến lược của Tập đoàn Piaggio và là trụ sở của công ty tại khu vực châu Á Thái Bình Dương với sự tăng trưởng ổn định.
Tiếp tục mở rộng đầu tư ngay cả khó khăn
Không riêng Nestlé, Datalogic hay Piaggio, hàng loạt doanh nghiệp khác đến từ khu vực châu Âu ngày càng tăng cường mở rộng đầu tư vào thị trường gần 100 triệu dân hoặc xem Việt Nam là thị trường tiềm năng và là cứ điểm sản xuất quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Đơn cử như Tập đoàn Bosch đến nay đã đầu tư khoảng 450 triệu euro, với quy mô hơn 5.000 nhân viên, vận hành một nhà máy công nghệ cao, 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển; hoạt động kinh doanh trong 4 lĩnh vực chính bao gồm công nghệ di động, công nghệ công nghiệp, điện gia dụng, cũng như công nghệ năng lượng và tòa nhà. Bosch có kế hoạch mở rộng quy mô mảng công nghệ phần mềm với mục tiêu tiến đến hơn 6.000 kỹ sư nghiên cứu và phát triển phần mềm đến năm 2025, mở rộng sản xuất và đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới như nông nghiệp công nghệ cao.
Ngay cả ở thời điểm khó khăn kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, và ảnh hưởng cuộc chiến giữa Nga-Ukraine... khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp đầu tư kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp châu Âu cho biết vẫn tiếp tục tăng đầu tư hoặc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang nhằm đa dạng hóa điểm sản xuất. Bởi niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam vẫn duy trì mức khá. Kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quí 3 năm 2022 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) gần đây cho thấy 42% công ty được hỏi dự đoán rằng công ty của họ sẽ tăng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Có 2% số người trả lời BCI cho biết họ đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany nói: “Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn. Thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và cam kết chung của chúng tôi về phát triển bền vững, các công ty Việt Nam và châu Âu có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng”.
Cải thiện để đạt tăng trưởng xanh
Lãnh đạo EuroCham cho rằng Việt Nam là nơi hấp dẫn để mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, trước những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, làn sóng tiêu dùng xanh dần phổ biến…, việc hướng đến sản xuất xanh trở thành xu thế tất yếu và được xem là một mắt xích trong chiến lược tăng trưởng xanh. Các thành viên Eurocham mong muốn Việt Nam nên tăng cường phát triển kinh tế xanh, coi kinh tế xanh là động lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, các chuyên gia về tư vấn đầu tư cho rằng các nhà phát triển về các bất động sản công nghiệp xem trọng các yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường sẽ càng dễ thu hút các nhà đầu tư đến từ châu Âu.
Chẳng hạn như Tập đoàn LEGO cho biết họ chọn VSIP III (tỉnh Bình Dương) vì nơi này có thể đáp ứng các yêu cầu xanh của họ. Ông Preben Elef, Phó chủ tịch Tập đoàn LEGO, nói dự án ở Bình Dương khi hoàn thành sẽ là “nhà máy bền vững nhất của tập đoàn trên thế giới về mặt thiết kế và xây dựng, được vận hành với trang thiết bị hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo để đảm bảo sự trung hòa về khí thải carbon”.
Theo ông Alain Cany, mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm, cần thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng.
Ngoài ra, khảo sát của EuroCham cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính (68%), cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), phát triển năng lực nguồn nhân lực (39%), giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài (39%)...
Các doanh nghiệp châu Âu cũng hy vọng có một sự nhất quán trong môi trường kinh doanh; không thay đổi quy định nhanh chóng để họ có thể yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
“Trong trường hợp những trở ngại nói trên được giải quyết, Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển địa điểm ra khỏi Trung Quốc”, theo nhận định của đại diện EuroCham, và cho rằng Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới, chứng tỏ vị thế của mình là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất.