Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nỗ lực tìm nơi trú ẩn, giới đầu tư đổ tiền vào chứng khoán Mỹ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giới  đầu tư trên khắp thế giới đang đổ xô đầu tư vào chứng khoán Mỹ, ngay cả khi họ đối mặt với một mùa thu đầy khó khăn với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. Lý do họ bị thu hút đến Phố Wall là vì không có nơi nào tốt hơn để trú ẩn, trước cơn biến động mạnh đang xảy ra trên các thị trường toàn cầu.

Trụ sở Sàn giao dịch chứng khoán New York ở khu trung tâm tài chính Hạ Manhattan, TP. New York, Mỹ. Ảnh: Getty

Lạm phát tăng vọt, mối lo ngại về một cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, giá năng lượng cao kỷ lục và các đợt bùng phát Covid-19 mới ở Trung Quốc đã làm chao đảo mọi thị trường từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến hàng hóa trong năm nay.

Christopher Smart, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại Công ty quản lý đầu tư Barings, nói: “Mỹ có vẻ ít khó khăn nhất trong một thế giới đầy thách thức. Các nền kinh tế đều đang tăng trưởng đang chậm lại, nhưng kinh tế Mỹ dường như giảm tốc chậm hơn nhờ sức mạnh của thị trường lao động”.

Theo dữ liệu của Refinitiv, 4 tuần trong 6 tuần qua, giới nhà đầu tư đã rót thêm tiền vào các quỹ tương hỗ tập trung vào chứng khoán Mỹ, trong khi đó, các quỹ đầu tư chứng khoán quốc tế bị rút ròng 20 tuần liên tiếp, chuỗi rút ròng nhất kể kề từ tháng 10-2019.

Vậy gì điều gì khiến giới đầu tư đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán Mỹ? Có lẽ họ tin rằng ngay cả khi suy thoái xảy ra với nền kinh tế Mỹ, nó sẽ không sâu hoặc kéo dài. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vẫn ổn định bất chấp lạm phát đẩy giá cả lên cao hơn. Và một số áp lực về giá cả dường như đã lên đến đỉnh điểm. Cho đến nay, thị trường lao động ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Chỉ số S&P 500 (theo dõi biến động giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ) đã bật dậy nhanh hơn các chỉ số chứng khoán chính ở châu Âu và châu Á kể từ khi chạm mức thấp nhất trong năm vào giữa tháng 6. Tính đến ngày 6-9, chỉ số này đã tăng 6,6% kể từ ngày 1 -6, trong khi chỉ số Stoxx Europe 600, đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, tăng thêm 2,9%, còn chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 4,5%. Trong cùng kỳ, chỉ số DAX của Đức và chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,3%.

Sau ba tuần giảm điểm vì mối lo Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ đang giao dịch tích cực trở lại. Kết thúc phiên giao dịch hôm 7-9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1,4%, chốt ở mức 31.581,28 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng 1,83% lên 3.979,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,14%, lên 11.791,9 điểm, phá vỡ chuỗi bảy ngày giảm.

Tuần này, các nhà đầu tư sẽ phân tích dữ liệu từ lĩnh vực dịch vụ và báo cáo Beige Book định kỳ của Fed về các điều kiện kinh tế đất nước hiện tại để tìm manh mối về xu hướng của thị trường. Họ cũng sẽ theo dõi cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) diễn ra hôm 8-9

Các nhà đầu tư dường như yên tâm hơn sau khi đón nhận dữ liệu tích cực từ báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố vào cuối tuần trước. Báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ có thêm 315.000 việc làm trong tháng 8, vượt dự báo của các phân tích.

Dữ liệu việc làm tích cực có thể giúp Fed có thêm quyết tâm để tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Nếu dữ liệu làm yếu, điều này báo hiệu kinh tế Mỹ đã ngấp nghé bên bờ vực suy thoái.

Cú bật dậy trong mùa hè của chứng khoán Mỹ bắt đầu lụi tắt sau khi Fed báo hiệu ý định kiềm chế lạm phát bằng cách tăng mạnh lãi suất, ngay cả khi điều đó dẫn đến suy thoái kinh tế. Chỉ số S&P 500 đã giảm trong ba tuần liên tiếp, nâng mức giảm trong năm nay lên 18%.

Trong khi đó, đồng đô la Mỹ, được coi là tài sản trú ẩn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới, tăng lên mức cao nhất trong 20 năm, “dìm” các đồng tiền toàn cầu khác, bao gồm đồng yên Nhật, đồng euro và bảng Anh, xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Khi đô la tăng giá, nó làm cho mức sinh lời cổ phiếu ở Mỹ hấp dẫn hơn khi so sánh với chứng khoán của các nước khác.

Jerry Braakman, Chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của Công ty First American, có trụ sở ở bang California, cho biết ông đang tìm kiếm sự an toàn trong các lĩnh vực trái phiếu chính phủ Mỹ, tiền mặt và cổ phiếu phòng thủ của chứng khoán Mỹ trong năm nay. Ông nói thêm ông không muốn tăng tỷ trọng đầu tư cho chứng khoán quốc tế của mình, chẳng hạn như ở các thị trường mới nổi, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu trong thời gian tới. “Có những nơi đáng sợ hơn ở Mỹ”, ông nói.

Các nhà quản lý quỹ toàn cầu cũng đang đặt cược tương tự, theo các cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Bank of America. Trong tháng 8, số nhà quản lý giảm giảm tỷ trọng cổ phiếu ở các nước Liên minh châu Âu (EU) cao hơn 34% so với số nhà quản lý quỹ tăng tỷ trọng. Trong khi đó, số nhà quản lý quỹ tăng mức nắm giữ cổ phiếu ở Mỹ cao hơn 10% so với số nhà quản lý giảm tỷ trọng nắm giữ.

Châu Âu đang đối mặt nhiều thách thức bao gồm nguồn cung năng lượng cung thiếu hụt do tác động của cuộc chiến ở Ukraine, dẫn đến giá khí đốt và điện tăng vọt. Các nhà phân tích đang cảnh báo về một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm tàng ở châu Âu vào mùa đông năm nay, có thể khiến lạm phát tăng cao hơn nữa.

Chỉ số giá tiêu dùng ở Anh tăng 9,4% trong tháng 6 so với một năm trước đó, mức tăng nhanh nhất đối với nền kinh tế thuộc nhóm các nước cường quốc công nghiệp G7 kể từ khi lạm phát trên toàn cầu bắt đầu tăng lên vào năm ngoái.

Để chống lại mối đe dọa lạm phát và xu hướng tăng trưởng kinh tế chậm lại, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm ​​vào tháng 7, kết thúc cuộc thử nghiệm 8 năm của châu Âu với chính sách lãi suất âm.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với tác động kinh tế từ các đợt bùng phát Covid-19 liên tiếp, cơn suy thoái bất động sản, chính sách quản lý ngày càng siết chặt đối với các công ty công nghệ và thời tiết cực đoan. Điều đó gây tổn thương mọi thứ từ các nhà máy cho đến đến cổ phiếu của các “ông lớn” công nghệ như Tencent, và Alibaba. Hai cổ phiếu công nghệ này đều giảm khoảng 14% kể từ giữa tháng 6.

Tất nhiên, kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng gây khó khăn cho các nền kinh tế khác trên thế giới. Các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc đối với nhiều loại hàng hóa từ điện thoại thông minh đến cà phê để tăng trưởng lợi nhuận.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới