Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nợ nần sau dịch và lâu đài trên cát

Hồ Quốc Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hình ảnh các tiệm vàng, tiệm cầm đồ đông đúc khách mang vàng và tài sản cá nhân đến cầm cố sau khi các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 được giảm bớt ở TPHCM vào đầu tháng 10 là một lời cảnh báo về tình trạng nợ nần sau dịch.

Xu thế vay nợ quá khả năng chi trả, mua trước trả sau nở rộ sau dịch Covid-19 đang được cảnh báo trên phạm vi toàn cầu. Trong ảnh minh họa là một góc phố tại TPHCM với hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Vũ

Vay tiêu dùng, cầm đồ và mua trước trả sau đang là xu thế ở nhiều nước và ngày càng bộc lộ rủi ro về tài chính cá nhân của người dân, đặc biệt là bộ phận người thu nhập thấp ở các nước sau dịch.

Số liệu của Cục Tín dụng Singapore (CBS) cho biết nợ cá nhân trung bình và số dư thấu chi (chi vượt quá số tiền có trong tài khoản ngân hàng) của những người trong độ tuổi 20-30 tăng mạnh nhất, với mức tăng 23% trong quí 1-2021 so với quí 4-2020 và tăng 42% so với quí 1-2020. Tỷ lệ vỡ nợ vay cá nhân trong những người dưới 30 tuổi tăng 13,4% trong quí 1-2021 so với quí trước đó.

Vào quí 2-2021, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng công bố báo cáo cho thấy một nhóm hộ gia đình, đặc biệt là nhóm 20% hộ có thu nhập thấp nhất, phải vay nhiều khoản nợ được xếp vào nhóm rủi ro cao, không có tài sản bảo đảm (nghĩa là lãi suất cũng cao). Báo cáo này cũng cảnh báo rằng thu nhập của những người đang vay nợ tiêu dùng đã giảm 20% trong nửa cuối 2020 và hơn 10% trong nửa đầu 2021, mức giảm thu nhập mạnh hơn những người vay nợ mua nhà. Những người này lại là nhóm có ít tiền tiết kiệm nên đặc biệt gặp nhiều rủi ro khi nghĩa vụ trả nợ tăng.

“Cùng đường vì Covid” không phải chỉ là một tít báo, nó là một sự thật với một bộ phận người dân phải vay nợ để làm ăn, để trang trải cuộc sống, nhưng rồi dịch bệnh đã tước đoạt nhiều tháng thu nhập của họ.

Tình trạng này cũng có xu thế lặp lại ở Việt Nam, đặc biệt là sau đợt giãn cách xã hội chặt chẽ kéo dài ở các tỉnh phía Nam. Những tiêu đề báo chí như “Nợ ngập đầu sau năm tháng ở quê, công nhân liều mình trở lại TPHCM làm việc” đã phản ánh rõ ràng tình trạng khó khăn và nợ nần của một bộ phận người dân, nhất là người có thu nhập thấp trong xã hội.

“Cùng đường vì Covid” không phải chỉ là một tít báo, nó là một sự thật với một bộ phận người dân phải vay nợ để làm ăn, để trang trải cuộc sống, nhưng rồi dịch bệnh đã tước đoạt nhiều tháng thu nhập của họ. Nợ tiền trọ, tiền mua xe để chạy Grab, thậm chí là tiền vay mượn làm xét nghiệm đang trở thành nỗi lo của nhiều người. Đau lòng hơn, có những câu chuyện có người không dám về quê vì “thất nghiệp sáu tháng, nợ tiền khắp nơi”.

Ở đâu đó, có người nói rằng đã thấy ai chết đói đâu. Câu nói lạnh lùng ấy thể hiện sự thiếu hiểu biết với cách vận hành của một nền kinh tế hiện đại. Người ta không chết đói, nhưng người ta thiếu nợ, và những cảnh đời ấy sẽ chật vật trong nhiều năm nữa để thoát khỏi vòng luẩn quẩn thiếu nợ và vay nợ mới để trả nợ cũ.

Bộ phận người dân lâm vào tình trạng như vậy được dự đoán đã tăng đáng kể sau đợt giãn cách xã hội từ cuối tháng 4 vừa qua ở các tỉnh phía Nam. Theo Tổng cục Thống kê, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quí 3-2021 là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so với quí trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quí 3-2021 tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Lao động mất việc, thiếu việc nên tất yếu thu nhập giảm. Thu nhập bình quân tháng của lao động quí 3-2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng (giảm 14%) so với quí trước. Nói cách khác, tương tự như tình hình báo cáo của Singapore và Anh, tình trạng lao động mất việc, thu nhập giảm và nợ nần tăng là rõ ràng.

Điều đó tạo ra hai xu hướng đáng lo ngại.

Giả sử khu vực cho vay tiêu dùng vẫn ăn nên làm ra, có nghĩa là họ phải có nguồn thu và lợi nhuận mới. Đó có thể đến từ những hành vi vay mượn hơn khả năng chi trả của các cá nhân, vay đầu nọ đắp đầu kia.

Thứ nhất, người lao động mất việc hay giảm thu nhập sẽ khó trả được tiền nợ vay. Rủi ro vỡ nợ tiêu dùng cá nhân trong nền kinh tế vì vậy sẽ tăng lên. Liệu các tổ chức cho vay tiêu dùng cá nhân có trích lập đầy đủ dự phòng để đề phòng tình trạng này hay chưa? Việc một số chuỗi cầm đồ, cho vay tiêu dùng công bố lãi lớn trong “năm Covid thứ nhất” không có nghĩa là không có những rủi ro ở nơi khác.

Và cũng không có gì đảm bảo trong năm Covid thứ hai này tình hình sẽ vẫn tốt như vậy. Hơn nữa, lợi nhuận này đã tính đến những rủi ro của tương lai hay chưa? Đây vẫn là những câu hỏi mà chỉ có tương lai mới trả lời được.

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Theo báo cáo, đến cuối tháng 6-2021, nếu tính cả nợ cơ cấu, nợ xấu đã lên tới 7,21%. Bao nhiêu trong đó là nợ vay liên quan đến tiêu dùng thì chưa rõ. Nhưng con số nợ xấu tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước Covid-19 là một cảnh báo không thể xem thường.

Thứ hai, giả sử khu vực cho vay tiêu dùng vẫn ăn nên làm ra, có nghĩa là họ phải có nguồn thu và lợi nhuận mới. Đó có thể đến từ những hành vi vay mượn hơn khả năng chi trả của các cá nhân, vay đầu nọ đắp đầu kia. Ngoài hệ thống cho vay chính thống, hệ thống cho vay không chính thống vẫn hoạt động ở mọi ngõ ngách của nền kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau.

Những vụ vỡ nợ tiềm ẩn trong những mối quan hệ này sẽ lớn, và quan trọng hơn là nó kích thích việc người dân vẫn phải “xoay tiền” bằng mọi cách để hy vọng kiếm được tiền mới trả nợ. Đến một lúc nào đó, quả bom nợ cá nhân sẽ vỡ, và nó có thể xuất phát từ những hoạt động cho vay phi ngân hàng và cả phi chính thức, vốn không được kiểm soát chặt chẽ.

Xu thế vay nợ quá khả năng chi trả, mua trước trả sau nở rộ sau dịch Covid-19 đang được cảnh báo trên phạm vi toàn cầu, nhất là với giới trẻ. Câu hỏi đặt ra là “ai sẽ được lợi?”. Có lẽ không phải người đi vay rồi. Nhiều nền tảng tín dụng kiểu mới, vay trước trả sau, thậm chí kết hợp với xu thế tiền mã hóa, tài chính phi tập trung (DeFi) đang hình thành.

Những cuộc gọi vốn chục triệu và trăm triệu đô la Mỹ đang diễn ra khắp nơi. Đằng sau đó là cả một ngành công nghiệp ăn nên làm ra, tăng trưởng nhanh, nhiều triệu phú đô la trẻ xuất hiện qua đêm. Nhưng cũng đằng sau đó, là cả một hệ thống tín dụng cá nhân với rủi ro lớn dần và một tầng lớp suốt ngày tính toán làm sao vay nợ để trả nợ để tạo ra tăng trưởng cho hệ thống này.

Lâu đài xây trên cát sẽ có ngày sụp đổ.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

1 BÌNH LUẬN

  1. Từ “Sinh sống” bước đến “Sinh tử” chỉ là gang tấc. Đó chính là hậu quả khốc liệt do đại dịch gây ra cho những tầng lớp ở thế yếu về năng lực tài chính. Hệ thống tài chính (an sinh xã hội) và ngân hàng (an toàn tín dụng) phải là cứu tinh cho những nạn nhân này trong bối cảnh hiện nay. Cần chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định, xem như đó là cái giá phải trả do đại dịch, nhưng nếu biết ứng xử khéo léo, các nạn nhân này có thể biến thành khách hàng truyền thống của các tổ chức tài chính ngân hàng trong nay mai ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới