Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nợ xấu tăng nhanh, bao giờ thì đạt đỉnh?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nỗi lo về nợ xấu không mới nhưng càng ngày càng hiện hữu rõ hơn vào cuối năm, khi kết quả kinh doanh bắt đầu phản ánh hệ lụy từ mặt bằng lãi suất cao trước đó và nhu cầu tiêu dùng suy giảm.

Nợ xấu tiếp tục tăng

Cuối tháng 10, hàng loạt các ngân hàng vẫn tiếp tục công bố bán đấu giá các khoản nợ xấu là nhà xưởng, khách sạn, tòa nhà,… đều là những khối tài sản toàn là có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Trong bối cảnh đó, những cập nhật sơ bộ kết quả kinh doanh mùa báo cáo quí 3 cũng cho thấy thông tin ban đầu về mối lo nợ xấu cũng ngày càng lớn dần lên.

Ở trường hợp của Ngân hàng Kiên Long, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) tăng từ mức 1,9% lên 2,14% vào cuối quí 3-2023 theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức chung 3% nhưng có điểm cần lưu ý rằng giảm chậm là do quy mô tín dụng tăng, chứ tổng nợ xấu đã tăng 21% về mặt giá trị.

Nhưng một điều đáng lo ngại khác là các khoản lãi, phí phải thu cũng tăng gần 50% trong 9 tháng đầu năm, trong đó chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng (tăng hơn 54%) dù báo cáo về thu nhập lãi cho vay cũng tăng cao (hơn 62%).

Một trường hợp khác là Vietcombank, khi nợ dưới chuẩn tăng lên nhanh theo báo cáo mới. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 0,68% hồi cuối năm 2022, lên mức 1,21%, trong đó tổng nợ xấu tăng 84%.

Theo báo cáo gửi Quốc hội được công bố gần đây, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu nội bảng của hệ thống có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và tiếp tục xu hướng này trong những tháng đầu năm 2023. Tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào khoảng 3,56%, tăng  vọt so với con số 2% hồi đầu năm. Còn tỷ lệ nợ xấu "đầy đủ" (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái,...) lên đến 6,16%.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là số liệu lần này cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt (SCB, Đông Á, Xây Dựng, Đại Dương và Dầu khí Toàn cầu). Nếu loại trừ thì tỷ lệ nợ xấu toàn bộ là khoảng 4,5% còn tỷ lệ nội bảng (trên bảng cân đối kế toán) hiện ở mức 1,92%.

Trước đó, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ nợ xấu của nhóm 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên mức 2,1% vào cuối quí 2-2023, từ mức 1,9% vào cuối quí 1. Số liệu khi đó cũng cho thấy tổng giá trị tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02 của NHNN ban hành 2023 là khoảng 62.500 tỉ đồng, tương đương 0,5% tổng tín dụng toàn hệ thống.

Bao giờ nợ xấu đạt đỉnh?

Lo ngại về tình trạng nợ xấu tăng là bức tranh chung của các nhà băng. Theo kết quả cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh quí 4-2023 với toàn bộ các tổ chức tín dụng, đánh giá chung cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong quí 3 có “tăng nhẹ”, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quí cuối cùng của năm nay.

Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được đánh giá là tiếp tục tăng nhẹ trong quí 3 và quí 4, nhưng tốc độ tăng chậm lại so với quí trước. Dù vậy, điểm đáng chú ý là mặt bằng rủi ro trong năm nay tăng đáng kể so với năm ngoái, nhưng được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trong năm sau. Số liệu cho thấy có khoảng 63% tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức “bình thường”, trong khi 32,4% đánh giá ở mức cao và khá cao.

Trong các thông cáo về kết quả kinh doanh sơ bộ quí 3 mới đây, đa phần các nhà băng tập trung nhiều vào câu chuyện doanh thu và lợi nhuận gặp khó vì tình hình chung của thị trường, nhưng ít đề cập đến vấn đề nợ xấu.

Trong báo cáo của Techcombank, ngân hàng này cho biết chất lượng tài sản của Ngân hàng tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát và phù hợp với dự báo quí 3-2023 về sự hình thành nợ cần chú ý và nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng ở mức 1,4% (là 1,3% nếu tính chung nợ vay và trái phiếu doanh nghiệp).

Về mặt chính sách, hiện có nhiều quy định quan trọng hỗ trợ trực tiếp về nợ xấu. Một là Thông tư 02 cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết nửa đầu năm 2024 để giảm áp lực cho cả phía ngân hàng và người vay. Chính sách thứ hai được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là vay đảo nợ. Một câu chuyện khác là luật hóa Nghị quyết 42 của quốc hội về xử lý nợ xấu, hiện sẽ hết hiệu lực gia hạn vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, một số chính sách này được các chuyên gia nhận định là chưa phát huy hết hiệu quả và đi đúng như kỳ vọng của giới quản lý. Trên thực tế, số lượng được tái cơ cấu nợ là không nhiều vì không phải khách hàng nào cũng đáp ứng đủ điều kiện. Tương tự, nhiều nhà băng cho biết khách hàng cũng không mặn mà chuyện vay đảo nợ vì thủ tục, cũng như không muốn ghi lại trong lịch sử tín dụng.

Liên quan đến chính sách này, trong hội nghị do NHNN tổ chức ngày 27-10 mới đây, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đứng ở góc độ các ngân hàng cũng có vướng mắc liên quan đến Thông tư 02 về cơ cấu nợ, nên cần tháo gỡ, điều chỉnh phù hợp để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Hiện nay, dù mặt bằng lãi suất xuống mức thấp so với hồi đầu năm, các ngân hàng cũng muốn giải ngân nhưng không phải ai cũng muốn vay do nhu cầu quốc tế và cả thị trường nội địa suy giảm.

Do đó, hầu hết các chuyên gia đánh giá rằng lối ra mặc dù tùy thuộc vào câu chuyện của từng nhà băng (tùy khẩu vị cho vay rủi ro liên quan đến tiêu dùng, bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp), nhưng điều quan trọng không kém là sự phục hồi của thị trường. Trong bối cảnh nền kinh tế giảm sử dụng đòn bẩy nhưng tăng nhanh về nợ xấu, các nhà băng sẽ còn gặp nhiều khó khăn nếu đơn hàng không trở lại kịp thời.

Lo ngại hiện nay đa phần nằm ở chỗ khối tài sản là bất động sản và khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp. Theonước tính của Công ty chứng khoán Maybank IB Việt Nam hồi đầu năm, trong kịch bản xấu có thể có khoảng 30-40% nợ trái phiếu và bất động sản sẽ chuyển thành nợ xấu, từ đó tỷ lệ nợ xấu tăng thêm khoảng 4%.

Tuy nhiên, điểm thuận lợi hiện nay của nền kinh tế, theo MSVN đánh giá, đó là tổng sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như các yếu tố vĩ mô khác (xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng trưởng kinh tế, mặt bằng lãi suất,...) mạnh mẽ hơn rất nhiều so với giai đoạn 2012, giai đoạn khủng hoảng kinh tế vì bất động sản đóng băng. Đây là điểm được kỳ vọng giúp nền kinh tế giữ được sự cân bằng khi đi qua vùng nhiễu động nợ xấu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới