Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo khi lãi suất tăng nhanh

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một nền kinh tế có lãi suất tăng quá nhanh và quá cao không chỉ khiến nguy cơ suy thoái gia tăng mà rủi ro nợ xấu cũng sẽ lớn hơn, khi doanh nghiệp không thể chịu đựng nổi các cú sốc lãi suất như vậy.

Lãi suất đang tăng quá nhanh?

Trong giai đoạn cuối tháng 11 đầu tháng 12-2022, thị trường chứng kiến một loạt ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong bối cảnh huy động vốn có dấu hiệu suy yếu khi càng về cuối năm. Đặc biệt, đợt tăng vừa qua chứng kiến mức điều chỉnh khá mạnh, lên đến hơn 2 điểm phần trăm ở một số ngân hàng, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong khi đó, khung lãi suất cho vay cũng được không ít ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng dần, khi chi phí vốn đầu vào đã đi lên đáng kể từ đầu năm đến nay. Khảo sát cho thấy lãi suất cơ sở - yếu tố quan trọng cấu thành nên lãi suất cho vay tại các ngân hàng, đã tăng thêm từ 2-3 điểm phần trăm so với thời điểm đầu năm. Biên độ lãi suất cũng được nới rộng ra ở một số phân khúc khách hàng vay vốn.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng đã có ngân hàng niêm yết trên 10%. Hiện nay, có khá nhiều ngân hàng đang lấy lãi suất cơ sở theo lãi suất tiết kiệm 13 tháng, vì vậy, sau khi cộng thêm biên độ từ 3,5-4% tùy vào sản phẩm và phân khúc khách hàng, lãi suất cho vay hiện nay đã leo lên mức trên 14%/năm ở một số đơn vị. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Trước xu hướng lãi suất đang tăng quá nhanh như vậy, các doanh nghiệp đối mặt với thách thức chi phí tài chính sẽ ngày càng tăng, nhất là khi đến các kỳ điều chỉnh lãi suất. Về cơ bản, các khoản vay ngắn hạn sẽ có kỳ điều chỉnh lãi suất 1 tháng/lần, trong khi vay trung, dài hạn thường là 3-6 tháng/lần.

Còn đối với khách hàng cá nhân, chủ yếu là những người vay mua nhà trong những năm gần đây, nỗi lo lắng khi hết thời gian ưu đãi cộng thêm lãi suất tăng vọt cũng đang gây ra những sức ép về khả năng trả nợ, do thu nhập không theo kịp mức tăng của tiền lãi phải trả. Trong khi đó, với thị trường bất động sản đang suy yếu, việc thoát hàng, cắt lỗ không phải là điều dễ dàng đối với những nhà đầu tư trót sử dụng đòn bẩy tài chính cao trên thị trường này.

Nguy cơ suy thoái và nợ xấu

Một nền kinh tế có lãi suất tăng quá nhanh và quá cao không chỉ khiến nguy cơ suy thoái gia tăng mà rủi ro nợ xấu cũng sẽ lớn hơn, khi doanh nghiệp không thể chịu đựng nổi các cú sốc lãi suất như vậy. Rõ ràng để các doanh nghiệp đạt được tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hàng năm trên 15% không phải là điều dễ dàng.

Lãi suất cho vay duy trì ở mức cao cũng sẽ làm giảm động lực vay vốn mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chưa kể, những doanh nghiệp với lượng tiền nhàn rỗi lớn, lúc này có thể lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi cao thay vì mạo hiểm mở rộng đầu tư thêm. Xu hướng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Lãi suất tăng gây ảnh hưởng tiêu cực lên các kênh đầu tư, không chỉ dẫn đến nguy cơ nợ xấu mà cũng khiến công tác xử lý, thu hồi nợ xấu của các ngân hàng ngày càng khó khăn hơn, do phần lớn các khoản vay hiện nay đều có tài sản bảo đảm nằm dưới dạng bất động sản.

Các nền kinh tế lớn được dự báo đối mặt với rủi ro suy thoái trong giai đoạn tới do ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ quá nhanh. Việt Nam cũng có thể chịu những tác động tương tự, nhất là khi nền kinh tế trong nước thường có độ trễ nhất định so với toàn cầu.

Lãi suất cho vay duy trì ở mức cao cũng sẽ làm giảm động lực vay vốn mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chưa kể, những doanh nghiệp với lượng tiền nhàn rỗi lớn, lúc này có thể lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi cao thay vì mạo hiểm mở rộng đầu tư thêm. Xu hướng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối tháng 10 vừa qua cho biết việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát, tỷ giá và định hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy riêng trong tháng 11 vừa qua, cả nước có 11.943 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8,3% so với tháng trước và chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới như trên là khá khiêm tốn, nếu dựa trên những đánh giá và kết quả phục hồi kinh tế được công bố từ đầu năm đến nay.

Ngoài lo ngại về tính bất ổn của nền kinh tế trong giai đoạn tới, những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vốn và tín dụng ngân hàng, nhất là khi lãi suất có xu hướng tăng nhanh, đã phần nào ảnh hưởng đến động lực kinh doanh của giới chủ doanh nghiệp.

Tích cực tháo gỡ rào cản

Với thách thức hiện hữu này, nhà điều hành có thể sẽ sớm đưa ra những chính sách và giải pháp can thiệp phù hợp, linh hoạt. Trong vấn đề doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng vì ảnh hưởng bởi room tín dụng, mới đây khi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng chỉ đạo NHNN và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả.

Ngày 5-12, NHNN ra quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên tắc điều chỉnh theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Đứng trước áp lực lãi suất huy động và cho vay đang tăng quá nhanh, chính các ngân hàng cũng đang nỗ lực kìm cương lãi suất cho vay và có những chính sách hỗ trợ khách hàng. Mới đây, Vietcombank công bố giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu tới hết năm 2022. Agribank thông báo mạnh tay cắt giảm tối đa 20% lãi suất các khoản vay trong tháng 12 này.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, HDBank thông báo giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau. ACB mới đây cũng nhập cuộc khi thông báo giảm lãi suất 1%/năm cho hàng loạt khoản vay của khách hàng hiện hữu và khách hàng nhận giải ngân mới, áp dụng từ ngày 6-12 đến hết tháng 1-2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới