(KTSG Online) - Lạm phát dai dẳng và chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump làm dấy lên nỗi lo nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng kinh tế đình đốn mà lạm phát lại tăng cao.
- Triển vọng giảm lãi suất mờ mịt khi lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng mạnh
- Giới đầu tư lo ngại về lạm phát đình trệ trong năm 2023

Khả năng xảy ra tình trạng đình lạm (stagflation) đối với nền kinh tế Mỹ, gây áp lực lên nhiều loại tài sản, được cảnh báo định kỳ trong 50 năm qua nhưng chưa trở thành mối đe dọa thực sự đối với danh mục đầu tài sản của nhà đầu tư.
Các nhà kinh tế và các nhà quản lý quỹ đầu tư cho rằng bối cảnh hiện nay khác với thập niên 1970 khi Mỹ trải qua cơn ác mộng đình lạm, với tăng trưởng đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp dâng cao và lạm phát cao ngất ngưỡng.
Tuy nhiên, kịch bản đáng sợ này đã quay trở lại ám ảnh các nhà đầu tư trong những tuần gần đây, khi viễn cảnh chiến tranh thương mại và thuế quan trừng phạt của Mỹ đang phủ bóng đen lên lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Rủi ro đình lạm chắc chắn tái xuất hiện vì chính phủ Mỹ đang đưa ra những chính sách có thể gây tổn hại đến nhu cầu của người tiêu dùng ngay đúng lúc phát dai dẳng, hạn chế khả năng hành động giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều này không còn là kịch bản không có khả năng xảy ra nữa”, Jack McIntyre, giám đốc danh mục đầu tư chiến lược thu nhập cố định của Brandywine Global bình luận.
Một phần quan trọng của vấn đề đình lạm là lạm phát không chịu hạ nhiệt, đã xuất hiện rõ hơn vào đầu tháng này, khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 tăng với tốc độ hàng tháng nhanh nhất kể từ tháng 8-2023, đưa lạm phát hàng năm lên 3%.
Mảnh ghép còn lại của đình lạm là tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang bị đe dọa khi thuế quan của ông Trump có thể gây thêm áp lực lạm phát.
“Điều khiến chúng tôi lo ngại hơn cả rủi ro lạm phát là tình trạng đình lạm. Lạm phát của Mỹ vẫn dai dẳng trong khi thuế quan có khả năng làm chậm nền kinh tế bằng cách trở thành một loại thuế đánh vào người tiêu dùng, gây áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế”, Tim Urbanowicz, nhà chiến lược đầu tư của Innovator Capital Management cho biết.
Cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng Bank of America cho thấy, tỷ lệ nhà quản lý quỹ tư toàn cầu dự báo nền kinh tế Mỹ rơi vào đình lạm trong năm tới tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng.
Dù hoãn áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico trong một tháng vào đầu tháng 2 nhưng ông Trump đã áp mức thuế mới 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu trên toàn cầu.
Ông cũng giao cho nhóm cố vận kinh tế nhiệm vụ lập kế hoạch áp dụng thuế quan đối ứng đối với mọi nước đang đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ. Đầu tuần nay, ông tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với ô tô, bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ.
Một số nhà đầu tư tin rằng bất kỳ tác động nào đến tăng trưởng từ thuế quan cũng chỉ là tạm thời.
Maddi Dessner, giám đốc dịch vụ tài sản của Capital Group nhận định, về dài hạn, thuế quan thậm chí có thể thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ, thúc đẩy các ngành công nghiệp Mỹ được hưởng lợi từ việc giảm cạnh tranh trên toàn cầu. Nhưng trong ngắn hạn, tác động ban đầu của thuế quan có thể làm tăng áp lực giá cả
Nỗi lo về tình trạng đình lạm của nền kinh tế Mỹ nổi lên vào năm 2022, khi lạm phát tăng vọt và giá cổ phiếu và trái phiếu giảm mạnh. Nhưng kịch bản đó đã không xảy ra vì lạm phát cuối cùng hạ nhiệt và tăng trưởng vẫn duy trì vững chắc.
Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng nền kinh tế Mỹ một lần nữa tránh được đình lạm.
Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) ở mức khoảng 3% hiện nay của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ thập niên 1970, khi lạm phát cơ bản hàng năm đạt mức trung bình khoảng 7%. Lần này, kỳ vọng lạm phát của Mỹ là “neo chặt”, nghĩa là bức tranh lạm phát dài hạn không biến động mạnh theo từng dữ liệu kinh tế mới, công tư tư vấn đầu tư Evercore ISI cho biết trong báo cáo gần đây.
Tuy nhiên, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics cảnh báo, thị trường có thể đang đánh giá thấp rủi ro đình lạm. Ông lưu ý rằng , viễn cảnh Mỹ trục xuất hàng loạt những người lao động không có thị thực hoặc giấy phép làm việc cũng sẽ làm gia tăng lạm phát.
“Thuế quan và trục xuất người lao động nhập cư bất hợp pháp là công thức gây ra lạm phát và làm tổn hại đến tăng trưởng vì cả hai đều là cú sốc cung tiêu cực” ông nói và cho biết thêm, những cú sốc cung tiêu cực như giá dầu thô tăng vọt đã góp phần gây ra tình trạng đình lạm vào thập niên 1970.
Guneet Dhingra, người đứng đầu chiến lược lãi suất Mỹ của BNP Paribas cho rằng, thị trường đã “tự mãn” trong 6 tháng qua, tập trung vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của ông Trump. Theo ông, những nhà đầu tư lo ngại về tình trạng đình lạm có thể bán trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, có khả năng mất giá do lạm phát cao hơn, và mua trái phiếu kỳ hạn 10 năm, có lợi trong kịch bản tăng trưởng thấp.
Matthew Bartolini, giám đốc cấp cao của State Street Global Advisors, nhận xét, sự quan tâm tăng vọt đối với vàng cho thấy, một số nhà đầu tư đang lo lắng, vì vàng là một trong số ít tài sản giữ được giá trị trong môi trường đình lạm.
Theo Reuters