(KTSG Online) – Gần 1/3 các công ty công nghiệp Đức đang có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất ở nước ngoài thay vì ở trong nước, trong bối cảnh lo ngại về tương lai của nền kinh tế nếu không có khí đốt của Nga.
- Kinh tế Đức và bài toán thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga
- Khí đốt đắt đỏ, doanh nghiệp Đức chuyển sang các nhiên liệu thay thế
Cuộc khảo sát về chuyển đổi năng lượng hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), công bố hôm 30-8, cho thấy 32% công ty được khảo sát ủng hộ đầu tư ra nước ngoài hơn là mở rộng trong nước. Con số này cao gấp đôi so với 16% trong cuộc khảo sát năm ngoái.
DIHK đã hỏi 3.572 doanh nghiệp thành viên về tác động của các vấn đề năng lượng đối với triển vọng kinh doanh của họ khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu cố gắng chuyển đổi khỏi việc sử dụng khí đốt và nhiên liệu hóa thạch khác.
Achim Dercks, Chủ tịch của DIHK, cho biết, nhiều công ty của Đức lo ngại về rủi ro thiếu năng lượng trong trung và dài hạn.
Ông nói: “Niềm tin của nền kinh tế Đức vào chính sách năng lượng đã giảm xuống mức thấp. Mối lo ngại về khả năng cạnh tranh giảm sút do chi phí năng lượng đắt đỏ) chưa bao giờ lớn hơn thế”.
Đức từ lâu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Vì vậy, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị phần lớn phớt lờ những dấu hiệu cho thấy tham vọng quân sự ngày lớn của Nga, bao gồm cả việc chiếm giữ bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014. Ngay trước khi chiến sự Ukraine bắt đầu vào năm ngoái, hơn một nửa lượng khí đốt tiêu thụ ở Đức đến từ Nga.
Hồi tháng 4, Đức đã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn lại và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045. Tuy nhiên, các nỗ lực triển khai cơ sở hạ tầng năng lượng xanh của Đức đang chậm trễ.
DIHK chỉ ra những thách thức xung quanh việc mở rộng lưới điện của Đức. Chẳng hạn, 3/4 trong số 12.000 km đường dây điện mới cần thiết để hỗ trợ tham vọng mở rộng nguồn điện của đất nước thậm chí còn chưa được phê duyệt xây dựng.
Các nhà sản xuất của Đức được tiếp cận năng lượng tương đối rẻ khi Đức vẫn nhận được khí đốt qua đường ống từ Nga. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm ngoái buộc nước này phải điều chỉnh lại kế hoạch cung cấp năng lượng trong tương lai. Giá năng lượng của Đức hiện thuộc hàng cao nhất ở châu Âu.
Theo Chính phủ Đức, nỗ lực mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ giúp giảm chi phí nhưng giá điện có thể vẫn ở mức cao cho đến ít nhất là năm 2027.
Cuộc khảo sát của DIHK cho thấy, 52% công ty thành viên cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức đang gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất về số công ty đánh giá như vậy kể từ khi khi DIHK thực hiện cuộc khảo sát hàng nằm về chuyển đổi năng lượng vào năm 2012.
Những phát hiện này phản ánh mối lo ngại BASF, tập đoàn hóa chất khổng lồ hóa chất của Đức, đang xây dựng các nhà máy hóa dầu hiện đại trị giá 10 tỉ euro tại Trung Quốc. Một trong những lý do khiến BASF chọn Trung Quốc làm địa điểm để xây dưng các nhà máy mới là nước này sẵn sàng cung cấp một lượng lớn năng lượng thân thiện với môi trường. Đồng thời, BASF thông báo cắt giảm quy mô “vĩnh viễn” tại tổ hợp sản xuất chính ở Ludwigshafen.
“Nếu điều kiện ở châu Âu không tốt, chúng tôi sẽ cố gắng khử carbon ở các khu vực khác nhanh hơn. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn ở Trung Quốc”, CEO Martin Brudermüller của BASF nói trong cuộc họp báo hồi tháng 7 vừa qua.
Ông nói thêm rằng các công ty Đức cũng đang tìm cách đầu tư nhiều hơn vào Mỹ để tận dụng các ưu đãi trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của nước này. Brudermüller cho biết, IRA dành khoản trợ cấp 369 tỉ đô la cho các khoản đầu tư vào năng lượng sạch trong nước ở Mỹ.
Trong tháng 7, sản lượng của ngành hóa chất Đức giảm gần 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này một phần là do doanh số bán hàng thấp hơn và khả năng cạnh tranh sa sút của các công ty Đức, vốn là khách hàng của ngành hóa chất, ông Martin Brudermüller giải thích.
BASF và các công ty lớn đã kêu gọi Berlin trợ cấp giá năng lượng cho ngành công nghiệp nặng, nhưng vấn đề này đã gây ra sự bất đồng trong liên minh cầm quyền ba bên của Đức.
Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz gần đây đề xuất mức trần trợ cấp 5 xu (cent)/kilowatt giờ đối với các công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến động của giá cả năng lượng. Tuy nhiên, đảng Dân chủ tự do trong liên cầm quyền đã bác bỏ ý tưởng này.
DIHK cho rằng, việc đảm bảo giá năng lượng thấp sẽ giúp ngăn các công ty công nghiệp “hạn chế sản xuất ở Đức hoặc thậm chí di dời hoàn toàn khỏi Đức”.
Theo Financial Times, Bloomberg