Thứ Sáu, 9/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nới lỏng chuẩn cho vay hay hạ tỷ lệ trích lập dự phòng, phép thử ngành ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nới lỏng chuẩn cho vay hay hạ tỷ lệ trích lập dự phòng, phép thử ngành ngân hàng

Lê Trần

(TBKTSG Online) – Trong một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đứng trước những sự lựa chọn và đánh đổi rất khó khăn. Nới lỏng chuẩn cho vay hay hạ tỷ lệ trích lập dự phòng, đâu sẽ là mục tiêu tiếp theo của NHNN thời gian tới.

Doanh nghiệp nóng lòng chờ chính sách mùa Covid-19

Ngân hàng 'căng mình' hỗ trợ doanh nghiệp thời Covid-19

Nới lỏng chuẩn cho vay hay hạ tỷ lệ trích lập dự phòng, phép thử ngành ngân hàng
NHNN phải đứng trước những sự lựa chọn, đánh đổi rất khó khăn. Ảnh minh họa Thành Hoa

Ngày tôi nhập học môn kinh tế vi mô trong chương trình thạc sỹ tại Nhật Bản, vị giáo sư nói cho chúng tôi một điều rất đơn giản nhưng mang tính nguyên lý trong kinh tế học nói chung, đó là sự đánh đổi (Trade-off).

Con người, với tư cách là một thực thể có lý trí, luôn đối diện với sự đánh đổi hay nói chính xác hơn là phải thường xuyên đứng trước các sự lựa chọn.

Tại sao chúng ta phải chọn lựa? Vì nguồn lực trong đời sống xã hội là hữu hạn, ví dụ mỗi ngày chúng ta có 24 tiếng đồng hồ (là nguồn lực hữu hạn), chúng ta phải lựa chọn để phân bổ hợp lý giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi; chúng ta có một thửa đất, chúng ta phải lựa chọn trồng ngô hay khoai tây (sản xuất cái gì?); chúng ta có một lượng tiền dự trữ, chúng ta phải lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hay một tài sản gì đó (lựa chọn lợi nhuận và rủi ro). Và đương nhiên, khi lựa chọn, chúng ta đã đánh đổi.

Đời sống kinh tế cũng vậy, ở tầm mức vĩ mô, Chính phủ hay người đứng đầu Chính phủ hoặc các bộ, ngành cũng đều phải đứng trước những sự lựa chọn nhất định. Chính phủ phải lựa chọn giữa chi tiêu thường xuyên, các dự án đầu tư hạ tầng, dự án an sinh xã hội hay tạo việc làm?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh lên nền kinh tế, Chính phủ phải lựa chọn giữa phát triển kinh tế và sức khỏe người dân. Thực tế, Việt Nam đã lựa chọn thông điệp: “Sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”.

Một ví dụ nữa, tuần qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước: "Xem xét, điều chỉnh phù hợp tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện và khuyến khích ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay".

Trước đó, một số chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã đề nghị NHNN xem xét hạ chuẩn cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Vậy là trong một tháng qua, NHNN phải đứng trước những sự lựa chọn, đánh đổi rất khó khăn. Nếu hạ tiêu chuẩn cho vay, đồng nghĩa với việc ngành ngân hàng sẽ đối diện với nguy cơ nợ xấu tăng cao trong trung, dài hạn nhưng có cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp thực sự, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hạ tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro có thể giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có dư địa để giảm lãi suất, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng cũng sẽ làm giảm năng lực tài chính, giảm sự lành mạnh tài chính tổ chức tín dụng.

Vậy thì rốt cuộc, đánh đổi hay chọn lựa phải được dựa trên nguyên lý nào? Kinh tế học tân cổ điển gắn hành vi con người và các thực thể trong kinh tế bằng giả định duy lý, nghĩa là con người và các thực tế trong nền kinh tế đều ra quyết định trên nền tảng tư duy lý trí, có tính toán.

Theo đó, khi đối diện với các sự chọn lựa, các thực thể trong nền kinh tế phải tư duy có lý trí để đưa ra quyết định. Những phân tích cho việc ra quyết định như vậy có thể là những phân tích về lợi ích – chi phí, phân tích tính tối ưu của chính sách, hoặc phân tích kết quả (pay-off) trong lý thuyết trò chơi (game theory)…

Quay lại với Việt Nam, ở thời điểm này, hẳn NHNN cũng đang phải đưa ra những phân tích, tính toán cho riêng mình trong những gói chính sách sắp tới của họ.

Hạ chuẩn cho vay sẽ là quyết định rất khó khăn và thoạt nhiên, NHNN không muốn sử dụng công cụ này bởi nguy cơ rủi ro tiềm ẩn ngành ngân hàng phải gánh chịu trong tương lai là khá lớn.

Tuy nhiên, trước sức ép của thực tế tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2020 vỏn vẹn có 1,32%, NHNN hẳn sẽ phải cân nhắc, nới lỏng bởi theo Luật Ngân hàng Nhà nước: “Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của NHNN.

Nếu có thể nới lỏng chuẩn cho vay (song hành cùng với việc tăng cường năng lực quản lý, giám sát của NHNN) và giao quyền quyết định lớn hơn cho lãnh đạo NHTM, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có thể được tiếp sức để tiếp tục chiến đấu. Cũng cần nói thêm rằng, không hạ chuẩn cho vay cũng không chắc là các NHTM sẽ an toàn bởi nếu không thể vay để tiếp tục sản xuất, nợ xấu sẽ vẫn xấu.

Điều chỉnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro lại là điều cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng hơn bởi tác động lên cộng đồng doanh nghiệp là gián tiếp. Về lý thuyết, giảm tỷ lệ trích lập dự phòng giúp NHTM có thêm dư địa tài chính (giảm chi phí) nhưng không ai dám khẳng định nguồn lực này sẽ được sử dụng để giảm lãi suất, tiếp sức cho doanh nghiệp. Trái lại, năng lực, chất lượng tài chính của các NHTM sẽ mỏng hơn, rủi ro sẽ hiện hữu khi nợ xấu tăng cao và các ông chủ NHTM sẽ lại hưởng lợi lớn.

Lúc này đây, đa số mọi ánh nhìn từ doanh nghiệp đang hướng về NHNN vì những động thái chính sách thời gian qua của NHNN như giảm lãi suất điều hành, cho phép cơ cấu nợ không chuyển nhóm và giảm phí vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới