Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi niềm cây lúa miền Tây

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi niềm cây lúa miền Tây

GS.TS. Võ Tòng Xuân

Ảnh: Thanh Tùng.

(TBKTSG) – Nếu cây lúa mà biết nói năng thì nó sẽ kể với chúng ta điều gì? Nhân vật xưng “tôi” dưới đây chính là cây lúa miền Tây. Hãy nghe câu chuyện của lúa.

Phải chi tôi biết nói để bênh vực những người tạo cho tôi sớm thoát khỏi cảnh nghèo nàn từ bấy lâu nay, thì nông thôn Việt Nam đã khởi sắc hơn biết mấy.

Mỗi bác nông dân khi gặt tôi xong là có thương lái đến mua đứt bán đoạn rồi chở tôi đi. Bác chia tay với tôi sau gần bốn tháng nhọc nhằn chăm sóc tôi, nhìn tôi ra đi mà lòng ngậm ngùi vì biết rằng không có gì trở lại với bác cho dù chỉ vài ngày sau giá lúa có thể bỗng tăng lên. Bây giờ, nghe đâu vấn đề “tam nông” trở thành chính sách lớn, tôi hy vọng các bác nhà nông sẽ khấm khá hơn thật sự.

Nhìn lại quãng đời đóng góp của họ hàng nhà lúa chúng tôi, thật là hãnh diện khi đất nước Việt Nam trở thành quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Bà con chúng tôi từ xa xưa sống theo thiên nhiên, mùa nắng thì khô hạn, mùa mưa thì nước sông dâng ngập cả đồng, có nơi nước dâng cao đến 2 mét. Nhưng qua hàng ngàn năm chọn lọc và đào thải tự nhiên, dân lúa miền Tây chúng tôi đã sinh sôi nảy nở đủ để nuôi sống cả dân tộc Việt Nam và góp phần nuôi sống nhân loại, giúp cho các thế hệ tiếp tục phát triển.

Ở miền Tây trù phú của Việt Nam, các vị vua nhà Nguyễn đầu thế kỷ 19 đã bắt đầu đào kênh để giúp dòng họ nhà lúa chúng tôi phát triển tốt hơn. Đến thời Pháp cai trị Việt Nam, họ tiếp tục đào thêm nhiều kênh mương chằng chịt. Đường nước đi đến đâu, lúa lên thêm đến đấy, và con người cũng bám theo bờ kênh mà phát triển nền văn minh sông nước. Mỗi vùng đặc thù đều có những giống lúa đặc thù; nào là lúa nổi, lúa cấy hai lần, lúa cấy một lần, đều sản xuất đủ cho người dân Việt Nam và có dư để các chủ đồn điền Pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhưng rồi dân số gia tăng mau quá, rồi chiến tranh bùng nổ khắp nơi, bà con nhà lúa chúng tôi trở nên cùng cực, nhiều nơi bị bom đạn tàn phá, phát triển không kịp với nhu cầu của con người. Bà con nhà lúa chúng tôi đành phải để cho đất nước Việt Nam từ năm 1968 phải nhập gạo mới đủ ăn.

May mắn thay, từ khi Viện Lúa Quốc tế (IRRI) tại Philippines ra đời, bàn tay của các nhà khoa học quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam đã giúp cho dân nhà lúa chúng tôi được cải tiến toàn diện: Biết sử dụng nước tưới hữu hiệu hơn, biết hấp thu phân bón để cho thêm nhiều hạt hơn, rút ngắn chu kỳ sinh trưởng, bà con nông dân có thể trồng chúng tôi lúc nào thì trồng để phù hợp với thời tiết gió mưa và mực nước trên đồng ruộng, và có thể trồng hai, ba hoặc bốn vụ mỗi năm.

Với những kỹ thuật mới này, các giống lúa cao sản ngắn ngày của đồng bằng sông Cửu Long đã gần như thay thế vai trò của các giống lúa nổi mà xưa kia chỉ làm được 1 tấn/héc ta. Bọn cao sản chúng tôi đã hoàn toàn né tránh được mực nước lũ từ 0,5-2 mét để các bác nông dân miền Tây có thể thu hoạch hai vụ lúa đông xuân và hè thu, đạt 10-14,6 tấn/héc ta. Thậm chí có nơi lại trồng vụ 3 để có thêm 3-4 tấn/héc ta.

Thế rồi chúng tôi lại bị bọn sâu rầy phá hoại quá mức, hàng trăm ngàn héc ta họ hàng nhà lúa đã bị thiêu rụi trong những năm 1972-1973 rồi tái diễn năm 1977-1978 trên hàng triệu héc ta. Chúng tôi đau đớn nhìn hàng trăm ngàn nông dân phải tán gia bại sản, họ phải nối đuôi nhau trên hàng trăm chiếc thuyền để đi kiếm nơi nào còn gạo để mua ăn. Bằng không, nhiều nhà phải ăn thân chuối xắt mỏng.

May nhờ các nhà khoa học của IRRI đã lai tạo giống lúa kháng rầy nâu để các giáo sư trường Đại học Cần Thơ nhân giống kịp thời để sinh viên mang đi nhân giống trên khắp các tỉnh bị sâu rầy. Nhà trường lúc đó phải đóng cửa hai tháng để hơn 2.000 sinh viên, mỗi người lãnh sứ mạng đem 1 ki lô gam hạt giống IR36 để cùng nông dân nhân ra trên 1.000 mét vuông ruộng, mà đáng lẽ thông thường phải cần ít nhất 10 ki lô gam hạt giống. Cách làm táo bạo này đã cứu được hàng triệu nông dân miền Tây thoát nạn, hàng chục triệu người dân Việt Nam thoát đói.

Cũng có lúc dân nhà lúa chúng tôi bị điêu đứng vì chính sách của những năm 1976-1980 không khuyến khích nông dân phát triển. May thay đã có nhiều nhà khoa học dám nghĩ dám làm, tổ chức mô hình khoán sản phẩm để động viên nông dân hăng say trồng thí điểm bí mật tại tập đoàn 9, ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Cách làm này đã cho mỗi gia đình nông dân có lúa đầy bồ và cửa hàng nhà nước tại đó cũng có thật nhiều lúa.

Sau đó Nhà nước đã chấp nhận cho khoán qua Chỉ thị “Khoán 100” năm 1981, rồi đến việc cho nông dân có quyền sử dụng đất lâu dài qua “Khoán 10” năm 1988. Từ đó dân nhà lúa chúng tôi được nông dân tưng tiu chăm sóc tột độ. Và để trả ơn nông dân, chúng tôi đã phát triển tối đa.

Khắp miền Tây đi đâu cũng thấy lúa: nhà nông dân lúa đầy bồ, cửa hàng nhà nước không còn chỗ chứa lúa; cơ quan thuế địa phương cũng không lấy thuế nông nghiệp bằng lúa như trước, mà chỉ đòi thuế bằng tiền. Dân số dòng họ lúa chúng tôi tăng nhanh như vậy nên, bắt đầu từ tháng 9-1989, Nhà nước đã mở cửa biên giới cho lúa Việt Nam vươn ra thế giới.

Từ khi hạt gạo Việt Nam tung bay khắp nơi trên thế giới, bà con nhà lúa chúng tôi vui mừng đem tới danh hiệu “quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới” cho đất nước Việt Nam. Nhưng chúng tôi luôn cảm thấy rất mặc cảm, vì đứng chung với mấy anh Thái Lan, chúng tôi luôn bị lép vế. Không kể về loại gạo theo chất lượng, cùng hạng gạo (xếp theo phần trăm tấm) người ta luôn trả cho Thái Lan cao hơn Việt Nam 20-50 đô la Mỹ một tấn.

Tại sao bạn hàng quốc tế kỳ thị với chúng tôi như vậy? Chúng tôi tự kiểm điểm lại mới thấy rõ ràng trong mỗi bao, thay vì chỉ một dòng họ gạo, thì lại có mấy dòng họ khác thường xuyên chen vào lẫn lộn. Mấy ông xuất khẩu gạo hiếm ai tiếp xúc trực tiếp dòng họ lúa gạo chúng tôi. Họ chỉ biết có thương lái mà thôi.

Trong thực tế họ cũng là thương lái cao cấp nhất. Các ông không có một tấc đất ruộng, chả có người nông dân nào trồng lúa cho, không đầu tư chút nào cho đồng ruộng hoặc cho các chương trình nghiên cứu cây lúa. Nhưng các ông lại được cho nhiều quyền hành. Các ông chỉ chơi với mấy ông thương lái là chính. Mà thương lái thì ai đâu có đủ nhà kho để chứa hàng chục dòng họ lúa khác nhau của nông dân trồng. Vậy thì họ phải trộn nhiều giống lại với nhau, xay xát, đánh bóng, vô bao, rồi chở ra bến cảng cho mấy ông có giấy phép xuất khẩu gạo.

Làm ăn kiểu như vậy thì làm sao có nhiều bao gạo từ Việt Nam đi ra có mang nhãn hiệu đã được đăng ký hẳn hoi. Bọn lúa chúng tôi nghĩ rất tủi thẹn. Mình được nông dân ân cần nuôi nấng để cung cấp hạt gạo cho đời, nhưng chả có ông công ty xuất khẩu nào chịu chăm sóc nông dân của chúng tôi, mà họ chỉ chơi với mấy ông trung gian, và họ ăn chia với nhau trên mồ hôi nước mắt của nông dân trồng lúa.

Bà con nông dân trồng lúa kêu ca không thấu tai Nhà nước vì “hàng rào ra đa” của mấy ông thân cận Nhà nước chắn lại hết. Dân nhà lúa chúng tôi mong rằng với chính sách “tam nông” lần này, qua sự kiện lớn “Festival Lúa gạo” vừa qua, các nhà làm chính sách sẽ đem lại công lý cho họ hàng nhà lúa chúng tôi và cho người nông dân một nắng hai sương vẫn đang chịu thiệt thòi nhiều bề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới