(KTSG Online) - Dù đại dịch Covid-19 đã lắng xuống nhưng dư âm của nó đối với nền kinh tế Mỹ vẫn chưa dứt. Những lo lắng dai dẳng về việc bị lây nhiễm bệnh dịch này khiến khoảng 3 triệu người Mỹ không tham gia lực lượng lao động, làm giảm 250 tỉ đô la sản lượng kinh tế của đất nước trong nửa đầu năm 2022.
Phát hiện trên được công bố trong báo cáo khảo sát gần đây về một hiện tượng được gọi là “xa lánh xã hội lâu dài”, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ tự chủ Mexico (ITAM), Đại học Stanford và Đại học Chicago.
- Nền kinh tế Mỹ lấy lại 22 triệu việc làm đã mất trong đại dịch Covid-19
- Covid-19 thúc đẩy người Mỹ bỏ việc để tự doanh
Gần 60% số người được hỏi trong cuộc khảo sát hàng tháng với hàng chục nghìn người trưởng thành cho biết họ sẽ không hoàn toàn quay trở lại các hoạt động trước đại dịch như đi tàu điện ngầm và thang máy đông đúc, do vậy, họ xem như rút lui khỏi lực lượng lao động.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy rằng những người Mỹ không đi làm hoặc không tìm kiếm việc làm do lo ngại nhiễm Covid-19 chiếm khoảng 2% lực lượng lao động, tương đương với con số 3 triệu người.
Báo cáo cho biết, nếu xem xét thu nhập mất mát của những người này, tác động của việc không đi làm gây tổn thất GDP của Mỹ khoảng 250 tỉ đô la trong nửa đầu năm nay. “Những người có tâm lý thận trọng hoặc có các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khiến họ có nguy cơ tử vong cao hơn hoặc bệnh nặng nghiêm trọng do nhiễm Covid-19 có thể tìm thấy những lý do hợp lý và dễ hiểu để tiếp tục và thậm chí tăng cường xa lánh xã hội. Hiện tượng xa lánh xã hội lâu dài và tác động của nó có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm”, theo các các nhà nghiên cứu bao gồm giáo sư Nick Bloom ở Đại học Stanford.
Trong khi nhiều người Mỹ phần lớn đã vượt qua đại dịch, các tác động kinh tế và xã hội của nó vẫn còn sâu sắc, đặc biệt là đối với hàng triệu người đang vật lộn để hồi phục hoàn toàn từ Covid-19. Các triệu chứng kéo dài ở những người nhiễm Covid-19 bao gồm các vấn đề về phổi và tim mạch cho đến các vấn đề về nhận thức bao gồm triệu chứng “sương mù não” (brain fog). Không có chẩn đoán hoặc phương thức điều trị thống nhất áp dụng hiệu quả cho các vấn đề này.
Theo báo cáo của Viện Brookings, có tới 4 triệu người Mỹ rời bỏ lực lượng lao động do triệu chứng Covid-19 kéo dài. Nhà kinh tế học David Cutler của Đại học Harvard ước tính tổng thiệt hại kinh tế của triệu chứng Covid kéo dài ở Mỹ lên đến 3,7 nghìn tỉ đô la.
Một số người tránh tiếp xúc xã hội dài hạn cũng có thể là những người bị triệu chứng Covid kéo dài, nhưng các tác giả của báo cáo nghiên cứu cho biết rất khó để phân loại hai nhóm. Hiện tượng xa lánh xã hội kéo dài phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, nữ giới, kiếm được ít tiền hơn và không được học hành chính quy.
Trong số những người không tham gia lực lượng lao động vào tháng 9, 452.000 người không tìm việc do lo ngại nhiễm Covi-d19, theo báo cáo việc làm mới nhất của chính phủ Mỹ. Con số này giảm từ 610.000 người vào tháng 6 và 9,7 triệu người vào tháng 5 -2020.
“Những người chưa bị nhiễm bệnh nhưng đã chứng kiến một người bạn thân hoặc người thân phải nhập viện, mắc các triệu chứng Covid kéo dài hoặc có những kết quả xấu khác rất có thể vẫn thận trọng hơn trong tương lai”, giáo sư Jose Maria Barrero của ITAM, nói.
Barrero lưu ý thêm có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến quy mô của lực lượng lao động 165 triệu người của Mỹ, chẳng hạn như dân số già và tăng trưởng dân số nhập cư giảm kể từ năm 2020.
Gần 100 triệu ca bệnh và 1 triệu ca tử vong do Covid-19 đã được báo cáo ở Mỹ. Hầu hết các nơi làm việc ở Mỹ đã dỡ bỏ các quy định an toàn phòng chống Covid-19 và quy định bắt buộc nhân viên tiêm vaccine ngừa. Các biến thể mới nhất có thể chống lại các liều vaccine tăng cường được phát triển cho các phiên bản virus SARS-CoV-2 trước đó.
Một cuộc khảo sát khác với hơn 700 nhà tuyển dụng, do Công ty tư vấn Mercer thực hiện, cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ vẫn đang cảm thấy ảnh hưởng của đại dịch với sự vắng mặt của nhân viên do Covid-19 là một vấn đề lớn. 14% trong số các nhà tuyển dụng được khảo sát cho biết họ lo ngại về các trường hợp nghỉ làm liên quan đến các triệu chứng Covid kéo dài.
Theo Bloomberg