Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nông dân cao su Thái Lan kiếm thu nhập cao hơn nhờ sản xuất bền vững

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một số nông dân trồng cao su Thái Lan bắt đầu đi theo hướng sản xuất bền vững để tận dụng lợi ích tài chính nhờ giá bán mủ cao su cao hơn, đồng thời đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái.

Wanida Hityim cạo mủ cao su ở trang trại của mình tại tỉnh Surat Thani, miền nam Thái Lan. Ảnh: AFP

Dừng sử dụng thuốc trừ sâu

Dưới ánh sáng của đèn pin đeo trên đầu, Wanida Hityim khéo léo rạch vỏ cây cao su để thu dòng mủ trắng đục khi cô giải thích vì sao cô đang cố gắng sản xuất cao su bền vững hơn.

Wanida đã nhận được chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng (FSC), một tổ phi lợi nhuận quốc tế khuyến khích việc sử dụng rừng bền vững thông qua các chương trình chứng nhận.

Là nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 1/3 sản lượng toàn cầu vào năm 2021, các chính sách phát triển cao su của Thái Lan đã kích thích nạn phá rừng trên diện rộng, làm suy giảm đa dạng sinh học và xói mòn đất.

Phần lớn các đồn điền cao su ở Thái Lan vẫn hoạt động theo cách thông thường, nhưng một số nông dân như Wanida đang từ bỏ sử dụng thuốc trừ sâu để giảm tác động đối với môi trường.

Dù mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, Hityim cũng nhận thấy những lợi ích khi chuyển sang các phương pháp sản xuất xanh hơn.

“Nơi này thậm chí còn có giun trong đất. Các đồn điền cao su sử dụng thuốc trừ sâu sẽ không có đất sạch như thế này vì hóa chất trừ sâu sẽ làm hỏng đất”, cô nói về mảnh đất trồng 500 cây cao sụ rộng 1,5 hec-ta của mình ở tỉnh Surat Thani, miền nam Thái Lan.

Việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững hơn đã cho phép Hityim bán cao su của mình với giá cao hơn, giúp cô kiếm được khoảng 650 đô la Mỹ/ tháng, thay vì 550 đô la Mỹ như trước đây.

Kim ngạch xuất khẩu cao su của Thái Lan đạt gần 6 tỉ đô la vào năm 2021, với phần lớn cao su được sản xuất bởi các nông dân quy mô nhỏ và bán cho người trung gian. Vì vậy, các lợi ích tài chính là động lực quan trọng để khuyến khích nông dân thay đổi phương pháp sản xuất cao xu theo hướng bền vững hơn

Maiprae Loyen, đồng sáng lập Agriac, một công ty kinh doanh cao su được thành lập vào năm 2019 để thúc đẩy cách thực hành tốt trong sản xuất cao su, cho biết: “Mới đầu, khi tôi nói về phát triển bền vững, mọi người nhìn tôi với nụ cười đầy hoài nghi”.

Giờ đây, công ty của Loyen đang làm việc với khoảng 1.000 nông dân trồng cao su quy mô nhỏ, với 60% là phụ nữ và nhiều người trong số họ trước đây nghĩ rằng các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường là gánh nặng tài chính.

Nhưng rốt cục họ bị thuyết phục bởi cả lợi nhuận tài chính lẫn sinh thái. Agriac đưa ra mức thưởng 3 baht (2.000 đồng VN) cho mỗi kg cao su có chứng nhận của FSC được bán.

Chỉ vào mảnh đất nứt nẻ của một đồn điền cao su khác ở Surat Thani, Loyen cho biết đó là hậu quả của việc sử dụng các chất hóa học trừ sâu.

Cô ấy nói: “Đã đến lúc mọi người bắt đầu hiểu rằng giá trị của sản xuất cao su bền vững không chỉ là giá cả cao hơn”.

Sản xuất cao su bền vững còn hạn chế

Nhưng các nông dân của Agriac chỉ là “vài chiếc lá” trong khu rừng khổng lồ của ngành cao su Thái Lan. Tính đến nay, chỉ có 2% trong tổng số 3,2 triệu hec-ta đồn điền nông nghiệp của Thái Lan được sản xuất theo hướng dẫn của FSC.

Trong khi đó, các chương trình chứng nhận bền vững FSC cũng bị hoài nghi. Grant Rosoman, cố vấn cấp cao của Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế (Greenpeace International) cảnh báo rằng FSC dễ bị áp lực và thao túng.

Rosoman nói với AFP: “Tất cả các chương trình chứng nhận như vậy đều có vấn đề với các thanh tra viên được khách hàng là các công ty cao su trả tiền. Có xung đột tài chính về lợi ích giữa người trả tiền và thanh tra viên”.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đồng ý cấm nhập khẩu cao su được sản xuất trên những khu đất hình thành từ nạn phá rừng. Động thái đó được các tổ chức bảo vệ môi trường ca ngợi là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống nạn phá rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp.

Nhưng nhà phân tích Chaiwat Sowcharoensuk của Ngân hàng Krungsri cho biết tác động của sự thay đổi này đối với Thái Lan sẽ bị hạn chế vì Trung Quốc, chiếm gần một nửa sản lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan, không ưu tiên tính bền vững.

“Nhưng nếu một ngày nào đó Trung Quốc công bố kế hoạch về cao su bền vững, thì nông dân Thái Lan sẽ phải chú ý. Nếu họ không thể bán cao su của mình, thì họ sẽ hành động”, ông nói.

Rosoman của Tổ chức Hòa bình xanh cho biết rằng với các hoài nghi đang treo lơ lửng đối với các chương trình chứng nhận như FSC, các quy định chặt chẽ hơn giống như quy định mới của EU sẽ là chìa khóa cho sự bền vững.

Rosoman cho rằng tương lai của cao su tự nhiên sẽ “rất tươi sáng”, vì cao su tổng hợp, được sản xuất từ dầu mỏ, gây ô nhiễm cao.

 Theo AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới