(KTSG Online) - Chính phủ Úc tài trợ 16 triệu đô la Úc cho nông dân ĐBSCL chuyển đổi 200.000ha sang sản xuất lúa phát thải thấp.
- WB chi trả gần 1.000 tỉ đồng cho giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam
- WB hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện thông qua cây lúa
Ngày 16-1, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo công bố Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL (TRVC). Dự án được Đại sứ quán Úc tài trợ 16 triệu đô la Úc, tương đương khoảng 260 tỉ đồng, theo TTXVN.
Theo đó, dự án hỗ trợ người dân chuyển đổi trên 200.000 héc ta sang sản xuất lúa phát thải thấp ở khu vực ĐBSCL đồng thời nâng cao sinh kế của các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở khu vực này.
Theo Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT dự án này góp phần tạo động lực để thu hút các công ty trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia liên kết sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô lớn. Kết quả của dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với Tăng trưởng Xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2027.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là một trong những tác nhân gây phát thải khí nhà kính, chiếm tỷ lệ cao trong các nguồn gây phát thải. Vì thế, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và cũng như kêu gọi các tổ chức, chính phủ hỗ trợ cho người nông dân.