Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nông dân Mỹ được trả tiền để ‘chôn’ carbon

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân Mỹ được trả tiền để ‘chôn’ carbon

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Ngành nông nghiệp Mỹ đang đặt cược vào một ‘vụ mùa’ mới: carbon, khi các công ty đua nhau mua tín chỉ carbon từ nông dân trồng những vụ mùa chỉ hút khí CO2 và chôn giữ khí thải nhà kính này ở các cánh đồng của họ.

Vừa cải thiện chất lượng đất, vừa có thêm thu nhập

Các tập đoàn nông nghiệp khổng lồ bao gồm Bayer, Nutrien và Cargill đang chạy đua với các công ty khởi nghiệp (startup) để khuyến khích nông dân Mỹ áp dụng các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường và phát triển thị trường carbon dựa vào hoạt động trồng trọt. Những nơi này cho phép các nhà bán lẻ, nhà sản xuất thực phẩm và các công ty khác bù đắp lượng khí thải carbon mà họ thải ra bằng cách trả tiền cho nông dân để họ trồng các vụ mùa với mục đích hút carbon từ khí quyển và đưa xuống đất qua rễ cây, thay vì để thu hoạch và bán. Nông dân sẽ để mặc cây trồng trong các vụ mùa này khô héo và rục muỗng để làm phân xanh cho các mùa vụ chính thức .

Nông dân Mỹ được trả tiền để ‘chôn’ carbon
Kelly Garrett, một nông dân ở bang Iowa, Mỹ thu về 75.000 đô la Mỹ sau khi ông bán 5.000 tín chỉ carbon cho Công ty thương mại điện tử Shopify. Ảnh: WSJ

Những dải đất trồng trọt rộng lớn ở vùng Trung Tây nước Mỹ giờ đây đảm nhận thêm nhiệm vụ mới như là một bồn chứa carbon khổng lồ. Quá trình quang hợp của thực vật là hút  khí CO2 từ khí quyển, rồi kết hợp nó với nước và ánh nắng mặt trời để sản sinh năng lượng hóa học và cuối cùng hút carbon xuống dưới đất thông qua bộ rễ, trong khi đó, giải phóng khí oxy trở lại khí quyển.

Nếu không bị cày xới, những mảnh đất này có thể lưu giữ carbon đã được chuyển hóa trong nhiều năm.
Từ lâu, các công ty nông nghiệp bị chỉ trích là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Giờ đây, họ cho rằng bằng trả tiền cho nông dân để tối đa hóa quá trình quang hợp tự nhiên này, họ có thể tận dụng quy mô khổng lồ của nền nông nghiệp hiện để thúc đẩy một giải pháp tiềm năng cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Sau gần một nửa thập kỷ chứng kiến giá cả nông sản ảm đạm, nhiều nông dân Mỹ đang suy tính kiếm nguồn thu nhập mới ít phụ thuộc hơn vào thời tiết và các thị trường hàng hóa nông nghiệp bằng cách trồng các vụ mùa chỉ để hút carbon xuống đất. Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng có kế hoạch thúc đẩy ý tưởng này. Hồi đầu tháng 12, ông Biden nói sau khi ông lên nắm quyền, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ sử dụng quỹ bảo tồn liên bang để chi trả cho những nông dân sử dụng đất của họ để thu giữ carbon nhiều hơn.

Hồi tháng 9, trong khi các nông dân khác ở bang Iowa cày xới các cánh đồng của họ sau khi thu hoạch để loại bỏ cỏ dại, ông Kelly Garrett tiếp tục gieo trồng ngay vụ mùa lúa mì và lúa mạch đen mới nhưng không phải để thu hoạch và bán. Ông cho biết việc phủ xanh đất đai trong những tháng mùa đông sẽ giúp đất màu mỡ hơn và tăng khối lượng carbon mà các cánh đồng có thể hút từ khí quyển.

Cách làm này cũng giúp ông kiếm thêm thu nhập. Hồi đầu tháng 11, ông Garrett chụp hình đang đứng bên cánh đồng ngô của ông với tấm séc 75.000 đô la Mỹ, số tiền thu được sau khi ông bán 5.000 tín chỉ carbon mà nông trại của ông tạo ra thông qua một chương trình buôn bán phát thải carbon được phát triển bởi các startup nông nghiệp như Nori, Locus Agricultural Solutions. Mỗi tín chỉ carbon tương đương 1 tấn CO2 rút khỏi khí quyển.
“Có rất nhiều cách để kiếm tiền cho các nông dân ở đây”, Garrett, người áp dụng các thực hành chôn giữ carbon ở nông trại của ông cách đây vài năm, nói.

Thu hút người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường

Không có quy định liên bang nào bắt buộc các công ty ở Mỹ phải bù đắp khí thải nhà kính mà họ thải ra dù là bằng cách mua tín chỉ carbon từ nông dân hay bằng những cách khác. Nhưng một số công ty cho biết họ tự nguyện tìm cách giảm hoặc loại bỏ dấu ấn carbon trong hoạt động kinh doanh để thu hút người tiêu dùng và nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường cũng như để theo đuổi sứ mệnh doanh nghiệp của riêng họ.

Khách hàng mua tín chỉ carbon của Garrett là Công ty thương mại điện tử Shopify (Canada). Công ty sử dụng các mức giảm carbon mà nông trại của Garrett tạo ra để bù đắp cho lượng carbon thải ra từ máy bay, xe tải, tàu thuyền vận chuyển hàng hóa bán trên nền tảng của Shopify trong các lễ hội mua sắm giảm giá Ngày Thứ Sáu đen (Black Friday) và Ngày Thứ hai điện tử (Cyber Monday) gần đây cũng như vào dịp cuối tuần từ ngày 27 đến 30-11 vừa qua.
Hệ thống thanh toán Shop Pay của Shopify sẽ tự động bù đắp khí thải carbon liên quan đến hoạt động giao các đơn hàng. Stacy Kauk, Giám đốc Quỹ Bền vững của Shopify, cho hay cách làm này và các nỗ lực khác đã thu hút hơn 60 triệu người dùng tham gia hệ thống thanh toán Shop Pay. Bà Stacy Kauk nói: “Khách hàng ủng hộ những công ty có cùng hệ giá trị với họ”.

Một số công ty nông nghiệp khổng lồ gồm Bayer, Nutrien cũng như các startup nông nghiệp như Nori và Indigo, muốn trở thành nhà môi giới carbon bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ để phát triển các các nền tảng, nơi các tín chỉ carbon do nông dân tạo ra có thể mua bán. Các công ty nông nghiệp và thực phẩm khác gồm Cargill, Corteva và Archer Daniels Midland đang hỗ trợ và chi trả cho những nỗ lực ‘chôn giữ’ carbon của nông dân như là cách để quảng bá cam kết bảo vệ khí hậu của họ và khách hàng của họ.

Hiện nay, những nông dân tham gia các chương trình mua bán tín chỉ carbon nhận được từ 7-40 đô la cho một mẫu (0,4 hecta) vụ mùa cây trồng hút carbon xuống đất, tùy thuộc vào các thực hành cụ thể của họ. Các thực hành này có thể được xác minh thông qua dữ liệu truyền từ các máy kéo nông nghiệp đến hệ thống quản lý nông trại trực tuyến và bằng cách giám sát các cánh đồng thông qua vệ tinh hay xét nghiệm mẫu đất.

Garrett cho biết trong năm năm qua, các thực hành thân thiện với môi trường của ông, như tiết kiệm nước tưới, sử dụng phân xanh để làm phân bón, thôi cày xới đất... đã tạo ra được 22.745 tín chỉ carbon được xác định nhờ hệ thống xác minh của các startup Locus và Nori. Ông cho biết ông sẽ duy trì các thực hành thu giữ carbon vì điều này giúp cải thiện chất lượng đất và sản lượng các vụ mùa. Việc bán chứng chỉ carbon cho Shopify giúp ông có thêm tiền để đắp vào cho khoản tiền mua 67 héc ta đất nông nghiệp vào mùa thu vừa qua.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới