Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân Mỹ “ngồi trên đống lửa” vì cuộc chiến thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân Mỹ “ngồi trên đống lửa” vì cuộc chiến thương mại

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Các đòn áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico khiến nông dân Mỹ giờ đây như “ngồi trên đống lửa” khi nhiều mặt hàng nông sản của họ bị rớt giá do bị các đối tác thương mại này đánh thuế trả đũa, theo The Wall Street Journal.

Khốn đốn vì nông sản rớt giá

Nông dân Mỹ “ngồi trên đống lửa” vì cuộc chiến thương mại
Jon White, nông dân nuôi heo ở bang Michigan, dự báo trang trại heo của ông sẽ không có lãi trong ba năm tới. Ảnh: WSJ

Cử tri ở các bang có kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp đã bỏ phiếu đưa Donald Trump đến Nhà Trắng vì họ bị thu phục bởi những lời cam kết của ông rằng sẽ phục hưng vùng nông thôn nước Mỹ và bãi bỏ những quy định không cần thiết đối với ngành nông nghiệp. Song giờ đây, cuộc gây hấn thương mại trên toàn cầu của Trump đang đe dọa sinh kế của nhiều nông dân.

Các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước đang leo thang do Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada, Mexico cũng như áp thuế trên hàng tỉ đô la giá trị hàng hóa của các đối tác thương mại quan trọng đã khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp sa sút và nhiều mặt hàng nông sản rớt giá.

Nhiều nông dân Mỹ có 20% thu nhập phụ thuộc vào các chuyến hàng xuất khẩu nông sản mà họ sản xuất. Vì vậy, họ đang rất lo lắng, đặc biệt khi họ chuẩn bị thu hoạch các vụ mùa bội thu. “Chúng tôi sống nhờ thương mại mà chết cũng do thương mại” Rusty Smith, một nông dân đến từ bang Arkansas, nói khi ông đang có mặt ở một khách sạn ở TP Grand Rapids, bang Michigan vào tuần trước để dự một hội nghị thảo luận về thương mại và hàng hóa nông nghiệp.

Kể từ tháng 4 đến nay, các đòn áp thuế thép và thuế nhôm mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc, EU, Canada và Mexico, đã châm ngòi cho các gói thuế trả đũa từ các đối tác thương mại này, nhắm vào mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Mỹ từ thịt heo cho đến pho mát, táo.

Nỗi lo lắng của nông dân Mỹ bùng lên trong tháng 6 khi giá một số nông sản giảm vì Trung Quốc đe dọa áp thuế trả đũa thêm nhằm vào các mặt hàng như đậu nành. Tổng giá trị của các vụ mùa lúa mì, đậu nành và ngô của Mỹ đã giảm khoảng 13 tỉ đô la Mỹ, tương đương 10% kể từ tháng 6, Chris Hurt, nhà kinh tế nông nghiệp ở Đại học Purdue ở bang Indiana, nói.

Kế hoạch áp thuế nhập khẩu 25% nhằm vào đậu nành Mỹ được Trung Quốc đưa ra để trả đũa việc Mỹ sẽ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% đợt đầu trên 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ mỗi năm vào ngày 6-7 tới. Lời đe dọa áp thuế trả đũa này diễn ra khi các nông dân Mỹ trên khắp đất nước mở rộng diện tích trồng đậu nành vì đặt cược rằng loại hạt có dầu này sẽ mang lại lợi nhuân cao hơn so với trồng ngô.

Đối với các nông dân như Smith, người trồng ngô và đậu nành trên diện tích 607 ha ở vùng ngoại ô TP. Cotton Plant, bang Arkansas, mức giá đậu nành giảm 16% đồng nghĩa với việc ông sẽ thất thu khoảng 100.000 đô la.

“Chúng tôi đã lỗ và giờ đây, mức lỗ càng tăng thêm”, Smith nói.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học bang Illinois và Đại học bang Ohio ước tính rằng mức thuế nhập khẩu 25% mà Bắc Kinh đánh vào đậu nành Mỹ sẽ dẫn đến mức thu nhập của một nông trại đậu nành vừa giảm trung bình 87%. Mức thua lỗ cao sẽ khiến giá đất nông nghiệp giảm và giá trị ròng của một nông trại ở Mỹ sẽ giảm đến 500.000 đô la vào năm 2021.

Nông dân thấp thỏm vì thuế trả đũa

Nick Schweitzer, nông dân trồng táo ở bang Michigan, đang lo thuế trả đũa của Mexico sẽ gây thiệt hại cho ông. Ảnh: WSJ

Gần đây, một tổ chức bảo vệ quyền lợi nông dân có tên gọi Nông dân ủng hộ Thương mại tự do (Farmers for Free Trade) đã đưa ra cảnh báo lần thứ ba về các hậu quả tai hại của cuộc chiến thương mại đối với nông dân. Hồi tháng 6, các tổ chức nông nghiệp và nông trại cùng các tổ chức của ngành sản xuất, bán lẻ và công nghệ đã khẩn thiết yêu cầu quốc hội Mỹ tăng cường giám sát các hành động của Trump.

Các nông dân khác lo ngại các vụ mùa hứa hẹn bội thu sắp tới sẽ càng làm tăng thêm thiệt hại do các mức thuế trả đũa của đối tác thương mại Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo mùa thu này, nông dân Mỹ sẽ thu hoạch vụ mùa đậu nạnh và ngô lần lượt lớn thứ ba và thứ tư trong lịch sử.

Các nông dân nuôi bò sữa Mỹ đang dựa vào hoạt động xuất khẩu để hấp thụ bớt nguồn cung sữa tăng lên ở trong nước, kéo giá sữa xuống. Họ nói thuế trả đũa của Mexico nhằm vào các sản phẩm pho mát của Mỹ gây thêm khó khăn cho họ.

Brian Preston, một nông dân nuôi 800 con bò sữa ở Michigan, cho biết các bất ổn về thương mại đã khiến ông phải hoãn đầu tư 2,5 triệu đô la cho dự án mở rộng trang trại bò sữa.

Trong khi đó, Nick Schweitzer, một nông dân trồng táo ở Michigan, cho hay các mức thuế trả đũa gần đây của Trung Quốc và Mexico có thể dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung táo trên thị trường Mỹ vào mùa thu này. Để sản xuất những trái táo to nhất và có chất lượng cao nhất, ông đã bón phân nhiều hơn và ngắt bỏ những trái táo nhỏ. Schweitzer cho rằng thuế trả đũa “có thể gây thiệt hại cho chúng tôi”.

Tuy vậy, vẫn có nhiều nông dân nói rằng họ ủng hộ các mục tiêu thương mại của Trump nhằm hiện đại hóa NAFTA, giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và chống lại những thực hành thương mại không công bằng của Trung Quốc. Họ xem cách tiếp cận của tổng thống như là một chiến thuật đàm phán và hy vọng rằng nó sẽ có kết quả vào mùa thu khi nông dân Mỹ bắt đầu thu hoạch các vụ mùa. Một số nông dân cho biết họ sẵn sàng hy sinh tài chính nếu nền kinh tế Mỹ được hưởng lợi trong dài hạn.

“Rốt cục, tôi nghĩ rằng tổng thống đang cố gắng làm điều tốt nhất cho toàn thể đất nước. Bạn không thể luôn làm hài lòng tất cả mọi người”, Jon White, một nông dân nuôi heo ở TP. Jones, bang Michigan, người bán 70.000 con heo mỗi năm, nói. Ông dự báo trang trại nuôi heo của ông sẽ không có lãi trong ba năm tới vì giá thịt heo giảm.

Các lo lắng về hoạt động xuất khẩu suy giảm đã làm tăng thêm các mức lỗ trên một thị trường vốn đã chịu áp lực so sản lượng thịt heo đạt mức kỷ lục.

Chính quyền tìm cách trấn an

Khi cuộc bầu cửa quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sắp đến gần, các quan chức Nhà Trắng tìm cách trấn an nông dân và cho biết họ đang xem xét sử dụng các chương trình có từ kỷ nguyên Đại khủng hoảng vào thập niên 1930, cho phép nông dân vay tối đa đến 30 tỉ đô la từ Bộ Tài chính cũng như các công cụ khác để bảo vệ nông dân tránh những tổn thất liên quan đến thương mại với nước ngoài.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nói rằng bộ sẽ đưa ra một kế hoạch cụ thể vào mùa thu này. Trong khi đó, phát biểu với nông dân tham dự hội nghị thương mại và hàng hóa nông nghiệp ở bang Michigan vào tuần trước, Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ phụ trách các vấn đề nông nghiệp nước ngoài và thương mại Ted McKinney bày tỏ cảm thông với những khó khăn của nông dân, cảm ơn họ sự kiên nhẫn của họ và nói rằng đàm phán Trung Quốc có thể còn nhiều ghập ghềnh.

Mặc dù chỉ là nhóm cử tri nhỏ, các nông dân có thể đóng vai trò then chốt trong các bầu cử sắp tới ở các bang nông nghiệp quan trọng như Michigan, nơi Trump thắng sít sao ứng cử viên Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Michigan xuất khẩu hơn 3 tỉ đô la giá trị thực phẩm và nông sản mỗi năm, giúp tạo ra hơn 26.000 việc làm.

Charles Franklin, chuyên gia khảo sát ở trường luật Marquette, cho biết tỷ lệ tín nhiệm công việc của Trump bị giảm khi các căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nước leo thang. Một số nông dân lo ngại chiến tranh thương mại sẽ làm tổn hại đến các thị trường tiêu thụ nông sản Mỹ ở nước ngoài vốn phải mất nhiều thập niên để gầy dựng.

“Xây dựng thị phần là một chặng đường dài và khó khăn. Sẽ rất gay go nếu đánh mất nó”,  Gary Parr, một nông dân trồng ngô và đậu nành ở bang Michigan, nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới