(KTSG Online) – Từng mang lại doanh thu ấn tượng cho hàng ngàn hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng giờ đây có không ít nhà nông đã quyết định "quay lưng" với cây thanh long, một số tuy còn trồng trọt nhưng không mặn mà và mang tâm lý cầm chừng. Vì đâu nên nỗi như vậy?
Trái ngược với không khí vui mừng vì “trúng giá, trúng mùa” trong những năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hiện nông dân ở hai địa phương sản xuất thanh long trọng điểm của vùng ĐBSCL là Tiền Giang và Long An đang mang tâm lý lo lắng vì thua lỗ liên tục.
Sản xuất cầm chừng, bỏ vườn vì… thua lỗ!
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Văn Cần, ngụ xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang- một hộ nông dân có hơn 2 héc ta sản xuất thanh long cho biết, thời điểm “hưng thịnh” thanh long có giá 50.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận ít nhất 40.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí đầu tư, tức đạt lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/héc ta/vụ thu hoạch (năng suất bình quân đạt 15 tấn/héc ta/vụ thu hoạch; mỗi năm có nhiều vụ thu hoạch- PV). “Lợi nhuận hấp dẫn nên nhà nào cũng chuyển sang trồng thanh long”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Cần, đó là câu chuyển của những năm trước đây, bởi từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn do giá bán sụt giảm, trong khi chi phí đầu tư (nhân công, phân, thuốc) mọi thứ đều tăng cao. “Hết vốn, thua lỗ có người bán luôn cả đất”, ông nói.
Ở thời điểm hiện tại, giá thanh long dù đã “khởi sắc” (thời điểm dịch Covid-19 vừa kết thúc giá bán tại vườn chỉ 500 đồng/kg - PV) hơn so với trước đó, nhưng thương lái mua xô tại vườn cũng chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, tức chỉ tương đương giá thành sản xuất. “Lấy công làm lời coi như chỉ phá huề”, ông Cần nói và thông tin, có không ít hộ nông dân nơi đây đã chuyển sang các loại cây trồng khác.
Sau một thời gian thua lỗ, không thể tiếp tục “cầm cự” với cây thanh long, ông Phạm Văn Vui, ngụ ấp Đăng Phong, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã quyết định chuyển sang trồng màu với hy vọng kiếm nguồn thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. “Bỏ thanh long chuyển sang trồng màu cũng được hai năm rồi”, ông nói.
Đang làm đất để chuẩn bị vụ màu tiếp theo (trồng bí đao), ông Vui kể, 7 công đất (7.000 m2) trồng khổ qua vừa thu hoạch xong mang lại cho gia đình ông mức lợi nhuận khoảng 60-70 triệu đồng. “Nếu là thanh long chắc chắn sẽ không được con số đó”, ông nói và giải thích, thanh long hiện có giá chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cũng 6.000-7.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi được hỏi lý do vì sao chưa phá bỏ trụ thanh long, ông Vui giải thích, vẫn hy vọng một ngày không xa loại cây trồng này sẽ lấy lại “phong độ”. “Để lại xem giá thanh long có khởi sắc hơn không”, ông nói và cho biết, trường hợp vẫn khó như hiện nay, thì tương lai ông chuyển toàn bộ diện tích sang trồng dừa.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, thời kỳ hoàng kim, diện tích trồng thanh long của địa phương đã vượt 12.000 héc ta, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 9.000 héc ta, tức đã có hơn 3.000 héc ta diện tích bị nông dân phá bỏ.
“Còn xét về sản lượng, thì hiện nay chỉ bằng 50% so với trước vì một phần nông dân chuyển sang cây khác, một phần vì thua lỗ, mất vốn nên nông dân không chăm sóc”, ông Trịnh giải thích và dẫn chứng, sản lượng thanh long của Long An hiện chỉ còn khoảng 200.000 tấn so với con số 400.000 tấn/năm như trước đó.
Doanh số, sản lượng sụt giảm ngay tại thị trường trọng yếu
Trước tình cảnh khó khăn như nêu trên của người nông dân, câu hỏi được đặt ra, đó là vì sao thanh long lại nhanh chóng “thoái trào” như vậy?
Ông Trịnh của Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho rằng, dù Trung Quốc chưa thành công trong việc xử lý ra trái vụ nghịch, nhưng việc quốc gia này gia tăng sản lượng, trong khi đây lại là thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam khiến việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. “Kim ngạch xuất khẩu (sang Trung Quốc - PV) cũng giảm dữ lắm rồi”, ông nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho rằng, sau khi Trung Quốc trồng thành công thanh long, thì số lượng nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm đáng kể. “Trung Quốc nhập khẩu thanh long của Việt Nam từ khoảng trên 1 tỉ đô la Mỹ trong những năm trước, thì vào năm ngoái chỉ còn khoảng 640 triệu đô la Mỹ”, ông dẫn chứng.
Thực tế, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022, xuất khẩu thanh long của Việt Nam đạt gần 643 triệu đô la Mỹ, giảm 38,4% so với năm 2021. Trong đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 80,46% kim ngạch của toàn ngành vào năm 2022- PV) đạt 517,3 triệu đô la Mỹ, giảm 44,1% so với năm 2021.
Còn nửa đầu năm nay, xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, đối với chủng loại thanh long ruột trắng đạt gần 195,2 triệu đô la Mỹ, giảm 11,7% và thanh long ruột đỏ đạt gần 80,8 triệu đô la Mỹ, giảm 43,9% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Theo dẫn chứng của ông Nguyên, diện tích sản xuất thanh long của Trung Quốc hiện đạt khoảng 67.000 héc ta với sản lương khoảng 1,6 triệu tấn, trong khi diện tích của Việt Nam là 65.000 héc ta với sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn. “Họ (Trung Quốc) không dừng ở đó mà đang tiếp tục phát triển, mỗi năm tăng thêm khoảng 10%, cho nên, họ càng trồng nhiều chừng nào thì sức mua hàng của mình giảm đi chừng đó”, ông Nguyên cho biết.
“Vậy cơ hội nào cho trái thanh long Việt Nam?”, trả lời câu hỏi này, theo ông Nguyên, vấn đề bây giờ là phải tăng cường quản lý chất lượng, cố gắng giữ thị phần để không sụt giảm thêm, chứ rất khó lấy lại vị trí ban đầu. “Bây giờ, phải chuẩn hoá lại quy trình sản xuất, xử lý các khó khăn, vướng mắc nội tại để giữ được thị trường”, ông gợi ý và đề xuất, cũng cần tăng thị phần sản phẩm chế biến lên.
Ông Trịnh của Hiệp hội thanh long tỉnh Long An thì gợi ý, nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng thị phần sang các nước ngoài Trung Quốc để làm đối trọng, giúp duy trì tốt giá bán sản phẩm.
“Hiện nhiều công ty đang tăng cường phân khúc sản phẩm chế biến như cấp cấp đông, sấy và nước ép, cho nên, về mặt chính sách cần có cơ chế tăng cường phát triển ở mảng này”, ông Trịnh gọi ý và dẫn chứng, hàng dạt trước đây phải đổ bỏ cho bò ăn, thì hiện nay đã được thu gom hoàn toàn.
Được biết, thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc tuân thủ xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc, nhất là vấn đề về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là hành động cần thiết nhằm duy trì chất lượng sản phẩm trái cây nói chung và thanh long nói riêng khi xuất khẩu.
Câu chuyện của trái thanh long liệu có phải là lời cảnh báo cho việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian gần đây hay không khi quốc gia này cũng đang phát triển trồng sầu riêng?
Ăn gì cũng một thời rồi thôi, Trung Quốc rồi sẽ ế thanh long vì dân họ ăn gần đã hết rồi.
Nếu chúng ta không xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu để hút hộ cá thể vào HTX, tránh bẻ kèo, phá vỡ vùng trồng thì cũng đồng nghĩa không có những hợp đồng tương lai cho thị trường, khách hàng tiềm năng, và thất thủ là điều có thể thấy trước. Nói tới đây chúng ta mới thấy chương trình nông thôn mới, tiêu chí thu nhập quan trọng như thế nào bởi nó là tiêu chí gốc, muốn làm phải đồng bộ rất nhiều thứ về 3 đột phá để có nông thôn bền vững hạnh phúc thay vì chạy theo những tiêu chí tiêu tiền làm thành tích cho cán bộ.
Quản lý chất lượng nông sản đang thả lỏng. Đồng nghĩa với việc nông sản của chúng ta sẽ mất thương hiệu trên thị trường quốc tế