Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông nghiệp Ấn Độ: Thành tựu và bài học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông nghiệp Ấn Độ: Thành tựu và bài học

Từ chỗ thiếu ăn, Ấn Độ đã vươn lên thành nước xuất khẩu lương thực nhờ biết đầu tư phát triển nông nghiệp

(TBKTSG) – Với diện tích 2 triệu ki lô mét vuông nhưng lại phải nuôi số dân hơn 1,1 tỉ người, ngành nông nghiệp Ấn Độ đã có những nỗ lực rất lớn mới đạt được những thành tích đáng khâm phục như ngày nay.

Không thể tóm tắt những thành tựu rực rỡ đó của Ấn Độ trong một bài viết ngắn, chỉ xin nêu một vài điều nổi bật nhất mà một nước có đại đa số dân làm nông nghiệp như Việt Nam có thể học hỏi.

Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại tất cả 25 bang và 7 lãnh thổ trực thuộc trung ương trên đất nước Ấn Độ đều có trường đại học nông nghiệp; đứng đầu là Học viện Nông nghiệp Pusha – cách thủ đô New Delhi khoảng 7 ki lô mét. Học viện có uy tín rất lớn này được thành lập từ rất sớm, cách đây 70 năm, chuyên đào tạo tiến sĩ cho mọi ngành trong nông nghiệp.

Học viện không chỉ dành cho người Ấn mà còn cấp học bổng cho sinh viên nhiều nước khác, trong đó có nhiều người Việt Nam. Học viện có những cánh đồng, những vườn cây rộng bao la để các tiến sĩ tương lai – sau những buổi miệt mài trong các phòng thí nghiệm hiện đại – có nơi để thực sự “chân lấm tay bùn”, thực nghiệm những nghiên cứu của mình.

Bởi thế, những sinh viên, nghiên cứu sinh được đào tạo ở Pusha đều có chất lượng rất cao. Rất nhiều nhà khoa học nông nghiệp chủ chốt ở nước ta, đang giữ trọng trách trong ngành, đã từng được đào tạo ở “lò” Pusha danh tiếng này. Điển hình là tiến sĩ Bùi Bá Bổng, người nước ngoài duy nhất được trao huy chương vàng cho bản luận văn tiến sĩ xuất sắc, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); các tiến sĩ Cúc Hòa, Phạm Văn Tân… ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long; tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và còn nhiều tiến sĩ khác nữa.

Một điều đáng chú ý là chỉ những ai say mê với ngành, hết lòng gắn bó với nghề nông và đặc biệt là chịu thương chịu khó thì mới có đủ kiên nhẫn, đủ “gan” để học và nghiên cứu dài hạn ở Ấn Độ. Thời tiết, khí hậu khá khắc nghiệt, thực phẩm khác khẩu vị, học bổng cho sinh viên nước ngoài khá thấp so với các nước khác (nhiều năm trước đây, học bổng là 100 đô la Mỹ/tháng, từ một hai năm nay được nâng lên 160 đô la/tháng)… nên nhiều nghiên cứu sinh thích đi các nước khác có đất đai… màu mỡ hơn. Nhân kể chuyện này, xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ NN&PTNT nên có khoản trợ cấp thêm cho các nghiên cứu sinh sang Ấn Độ học tiến sĩ, đặc biệt trong ngành nông nghiệp.

Kinh nghiệm hết sức quan trọng là Ấn Độ sớm nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nguồn nhân lực trình độ cao, có tầm nhìn xa về nông nghiệp, lo và thực hiện nghiêm túc trong cả nước từ 6-7 thập kỷ trước. Chính vì thế, những năm gần đây, Ấn Độ từ chỗ thiếu ăn đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực đứng thứ hai, thứ ba trên thế giới.

Cách mạng xanh và cách mạng trắng

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Ấn Độ đã đề ra cuộc cách mạng xanh. Lúc đó chưa có chuyện biến đổi gen, các nhà bác học về nông nghiệp của Ấn Độ hướng vào việc chọn giống, lai giống, tìm ra những loại giống thích hợp với đồng đất của từng bang. Kết quả thì ai cũng biết, Ấn Độ không chỉ làm ra đủ lương thực nuôi dân mà còn trở thành nước xuất khẩu lương thực. Những loại gạo đặc sản Ấn Độ như gạo thơm basmati, jasmin… được nhiều nước biết đến, tìm mua và đã trở thành thương hiệu quốc gia.

Kế đó, Chính phủ Ấn đề ra cuộc cách mạng trắng: lo sữa cho dân. Chính phủ trợ giá cho người chăn nuôi để đảm bảo ngay cả những người nghèo nhất (ăn xin, đánh giày, những đẳng cấp cùng đinh…) cũng có thể có mỗi ngày một lít sữa để uống. Sữa ở đây là sữa trâu murah (vì đạo Hindu thờ bò, sữa bò chỉ dùng để thờ cúng và tắm cho tượng các thần). Tại thủ đô New Delhi và các thành phố lớn, chỉ cần đi bộ không quá 100 mét là có thể gặp một trạm sữa. Đêm đêm, sữa từ nhà máy được chở bằng xe chuyên dụng đến những thùng chứa ngầm dưới đất. Mọi người mang bình đến trạm, mua sữa tựa như ở ta đi… mua xăng! Người Ấn Độ thường uống trà đen đun thật nóng, pha thêm sữa này và thêm một lát gừng tươi.

Ở Việt Nam cũng đã có sữa trâu murah. Năm 1978, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Thủ tướng Indira Gandhi đã tặng Việt Nam 500 con trâu sữa murah; đích thân bà I. Gandhi đã trao tận tay Thủ tướng Việt Nam hai con trâu trong một buổi lễ trọng thể.

Việt Nam cũng đã đạt thành tích đáng ca ngợi về lúa gạo, nhưng bao giờ chúng ta mới đạt được thành tích về cách mạng trắng như Ấn Độ, đủ sữa cung cấp miễn phí cho các cháu bé ở các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học? Câu trả lời xin dành cho các nhà khoa học ở Bộ NN&PTNT.

Chén, đĩa bằng lá cây và việc bảo vệ môi trường

Đã có lần tôi giới thiệu với bạn đọc TBKTSG về loại chén, đĩa này. Ở những xe đẩy thức ăn bán dạo, những quán “cơm bụi” tại New Delhi và các thành phố, người ta không dùng túi ni lông mà dùng chén đĩa bằng lá cây. Có những xưởng sản xuất loại chén đĩa này, rất đơn giản: một hai chiếc lá đưa vào khuôn ép nóng cho khô và định hình (tựa như sản xuất dép nhựa tái sinh ở ta ngày trước). Chén đĩa lá cây sạch sẽ, dùng một lần rồi bỏ vào thùng rác, rồi khi được đem chôn xuống đất, chúng phân hủy rất nhanh, tạo mùn cho đất và điều rất cơ bản là không làm ô nhiễm môi trường.

Thực ra, người Việt Nam cũng đã từng sử dụng lá cây: những gói xôi của học trò được gói trong miếng lá chuối hoặc lá bàng, những gói cốm bọc bằng lá sen và buộc bằng sợi rơm… nhưng dần dần chúng được thay thế bằng những cái túi ni lông “hiện đại” và tai hại!

Nhân 61 năm ngày lễ Độc lập của Ấn Độ (15-8-1947 – 15-8-2008), xin kể lại đôi điều mà nước bạn đã làm rất tốt, và cũng là những điều chúng ta có thể học được, làm được trong ngành nông nghiệp. Xin chuyển những điều này tới những nhà khoa học, những nhà hoạch định chính sách của Việt Nam – đặc biệt trong lĩnh vực “tam nông”.

NGUYỄN LÊ BÁCH – Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ, TP Hà Nội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới