Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nông nghiệp hữu cơ: quy mô quá nhỏ trong một xu hướng lớn

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nền tảng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và lúa gạo hữu cơ nói riêng đã có, thậm chí đây là xu hướng tiêu dùng tất yếu. Thế nhưng việc phát triển, khai thác sản phẩm ở phân khúc này của Việt Nam vẫn rất hạn chế…

Nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa lớn dù đây là xu hướng tiêu dùng tất yếu. Ảnh: Trung Chánh

“Nền tảng” nông nghiệp hữu cơ có

Để thúc đẩy việc sản xuất, phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nghị định nông nghiệp hữu cơ (Nghị định 109/NĐ-CP năm 2018). Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là quy định rõ những chính sách khuyến khích cho các đối tượng được áp dụng.

Theo đó, tại chương VI về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nghị định nêu rõ: (1) ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt là về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.

(2) cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành. Trong đó gồm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn;  chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đồng thời có chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu…

Ngoài ra, còn nhiều chính sách khác có liên quan được quy định tại điều 16 chương VI của nghị định này.

Đặc biệt, một số chính sách đặc thù cho các đối tượng được áp dụng tại nghị định này cũng được ban hành, bao gồm hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, nước, không khí do cấp thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) về nông nghiệp hữu cơ do tổ chức chứng nhận cấp (lần đầu hoặc cấp lại).

Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ với định mức theo quy định của Chính phủ về khuyến nông; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN…

Để tháo gỡ cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nói chung và lúa gạo nói riêng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo để thay thế nghị định trước đó là Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Điểm quan trọng của nghị định mới, đó là tháo gỡ “nút thắt” gây cản trở đối với xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Cụ thể, đối với thương nhân xuất khẩu ba loại gạo nêu trên, không cần đáp ứng các điều kinh doanh như thương nhân kinh doanh gạo thông thường. Điều này có nghĩa là không cần phải có ít nhất 1 kho chứa và 1 cơ sở xay xát chuyên dùng vẫn được xuất khẩu.

Nghị định 107 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo năm 2018 ra đời thay thế nghị định 109 năm 2010 vì thời điểm năm 2014, Công ty Viễn Phú- đơn vị sở hữu thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa Food “có nguy cơ” phải bồi thường hợp đồng cho đối tác vì không có giấy phép xuất khẩu.

Theo quy định tại thời điểm đó (quy định tại nghị định 109 năm 2010), doanh nghiệp xuất khẩu phải có ít nhất 1 kho và 1 cơ sở xay xay chuyên dùng mới được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây là điều kiện khó có thể đáp ứng được với những đơn vị chọn đi vào phân khúc "nhỏ hẹp" là hữu cơ.

Chính vì vậy, “nút thắt” nhanh chóng đã được tháo gỡ bằng việc ban hành Nghị định 107 năm 2018 như đã nêu ở trên.

Gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng vẫn chưa tận dụng được cơ chế, chính sách. Ảnh: Trung Chánh

Quy mô còn quá nhỏ

Nền tảng cho phát triển và tiêu thụ nông nghiệp hữu cơ nói chung và lúa gạo hữu cơ nói riêng đã có, nhưng nhìn nhận thẳng thắn thì phân khúc sản phẩm này chưa thể phát triển được.

Nhìn một cách tổng thể, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của cả nước là khoảng 11,7 triệu héc ta, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản trong năm ngoái đạt trên 53 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước hiện cũng chỉ ở mức khoảng 175.000 héc ta, với kim ngạch chỉ trên dưới 350 triệu đô la Mỹ.

Điều này có nghĩa, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam hiện chiếm chưa đến 1,5% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, kim ngạch của sản phẩm hữu cơ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của cả nước.

Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải nguyên nhân khiến việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và lúa gạo hữu cơ nói riêng “chưa lớn”. Thị trường nông sản hữu cơ bản đã hẹp và lúa gạo hữu cơ còn hẹp hơn, cho nên doanh nghiệp chưa khai thác đúng được thị trường này.

Ngoài ra, việc canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ ở Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng có tỷ lệ rất thấp. Có khoảng 1.000 héc ta của Cà Mau, vài trăm héc ta của Kiên Giang và rải rác vài chục héc ta của các tỉnh thôi. Do số lượng ít dẫn đến lợi nhuận của mô hình này cũng không cao.

Ông Tùng cho biết, việc có ít tổ chức chứng nhận hữu cơ được uỷ quyền tại Việt Nam cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển phân khúc sản phẩm này. “Một vấn đề nữa cũng không kém phần phức tạp, đó là thế giới có quá nhiều chuẩn hữu cơ nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ chưa phát huy được, dù chúng ta đã có sự thay đổi nghị định (Nghị định 107 thay thế nghị định 109 về xuất khẩu gạo)”, ông cho biết.

Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, việc vận dụng những "cải cách" tại nghị định 107 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo đối với gạo hữu cơ, gạo đồ và gạo tăng cường vi chất để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này còn rất hạn chế. Từ khi ban hành nghị định 107 đến nay, xuất khẩu chủng loại gạo này (gạo đồ, hữu cơ và gạo tăng cường vi chất) vẫn do các thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (thương nhân kinh doanh gạo thông thường) thực hiện.

Trong khi đó, trao đổi với KTSG Online, một hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở ĐBSCL (xin không nêu tên) cho rằng, việc khó khăn tiếp cận chính sách, trong khi hiệu quả về kinh tế không có khác biệt quá lớn so với phương thức sản xuất truyền thống cũng chính là rào cản với phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc Nghị định 107 ra đời thay thế cho nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng tạo cơ hội cho các loại lúa đặc thù có thể khai thác được như: ST25 hay các giống gạo tím, gạo chứa nhiều vitamin hoặc những giống đặc biệt, có sản lượng nhỏ. “Riêng với hữu cơ thì chưa phát huy được là do những hạn chế chung, trong đó, có những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan”, ông cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới