(KTSG Online) - Hàng trăm sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đặc sản của tỉnh Tiền Giang như sầu riêng Ri6, Monthong, thanh long vàng, mắm tôm chà Gò Công,... được quảng bá và tìm cách chính phục người tiêu dùng tại TPHCM.
Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng tỉnh Tiền Giang với hàng trăm sản phẩm chính thức được diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) trên đường Nguyễn Huệ (quận 1), vào ngày 29-8.
Sự kiện diễn ra cùng thời điểm tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với khách tham quan và mua sắm tại thành phố.
Được mệnh danh là “thủ phủ” trái cây của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang mang đến sự kiện các loại trái cây đặc sản như sầu riêng Ri6, sầu riêng Monthong, bưởi xa danh, thanh long ruột đỏ, thanh long vỏ vàng, mít, thơm… để giới thiệu tới khách tham quan.
Đáng chú ý, Tiền Giang hiện có 207 sản phẩm OCOP, trong đó 95 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, 112 sản phẩm 3 sao, ngoài ra, có 5 sản phẩm đang được tỉnh đề nghị 5 sao.
Sau khi được đánh giá, xếp hạng, nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã mở rộng được thị trường, được các đơn vị bán lẻ có hợp đồng tiêu thụ. Một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại nhiều cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, các hệ thống siêu thị lớn, nhiều sản phẩm đã có doanh số bán hàng từ hàng trăm triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, chương trình OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao.
Dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.
Sự kiện trên tạo tiền đề hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa ổn định, bền vững đa dạng các chủng loại hàng hóa, chất lượng cao, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh.
Tại Hội nghị cũng ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang với Sở Công Thương TPHCM, nhà bán lẻ lớn gồm Saigon Co.op; Tập đoàn Central Retails về phát triển hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh; giữa doanh nghiệp Tiền Giang và doanh nghiệp TPHCM.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương đang hình thành và mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ với đối tác trong và ngoài nước theo hướng ổn định, bền vững. Ngoài ra, các sở ngành của Tiền Giang cũng không ngừng nỗ lực giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm du lịch; xúc tiến kêu gọi đầu tư vào những dự án tiềm năng của địa phương.
Với sự hợp tác giữa các sở ngành và thúc đẩy của chính quyền địa phương, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi và kênh phân phối khác ở các tỉnh, thành phố, nhất là TPHCM sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, tiếp cận sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang.
Ngược lại, doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sản xuất kinh doanh của Tiền Giang cũng có cơ hội tiếp cận đa dạng hệ thống phân phối trong và ngoài nước, người tiêu dùng tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tại sự kiện, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết thành phố cam kết đẩy mạnh hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả và trọng tâm trong liên kết với Tiền Giang và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, mở ra nhiều không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, kết nối du lịch.