Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nông thủy sản vùng ĐBSCL bị thiệt hại nặng vì hạn và xâm nhập mặn

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hạn và xâm nhập mặn có tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, riêng về nông nghiệp và thuỷ sản bị thiệt hại lên đến 300 triệu đô la Mỹ trong đợt hạn mặn lịch sử vừa qua.

Ngành nông, thuỷ sản bị thiệt hại nặng nề do hạn và xâm nhập mặn. Ảnh: Trung Chánh

Tại diễn đàn “Tác động của hạn, mặn đến phát triển kinh tế và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long- các giải pháp thích ứng” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ chiều nay 21-10, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng, 5 năm qua, hiện tượng ngập lụt, sụt lún ở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

“Hạn mặn gây thiệt hại nghiêm trọng đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản và mọi mặt đời sống của người dân, gây cản trở phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói chung và giảm năng lực cạnh tranh doanh nghiệp của vùng nói riêng”, ông Lam cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, cơ cấu kinh tế của ĐBSCL phụ thuộc lớn vào nông nghiệp khi bình quân tỷ trọng khu vực I của vùng chiếm đến 30%, thậm chí có địa phương nông nghiệp chiếm trên 43% cơ cấu kinh tế. “Nông nghiệp gắn liền với những biến động của thời tiết, cho nên, khi thời tiết khí hậu thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với ĐBSCL, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông cho biết.

Giai đoạn trước 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL cao hơn so với cả nước, nhưng từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của vùng đã chậm hơn so với cả nước. “Lý do của nó là gì, có liên quan đến biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hay không, nhất là giai đoạn từ 2015-2016 đến nay vùng chịu tác động rất lớn bởi hạn mặn?”, vị chuyên gia này đặt vấn đề.

Chỉ tính riêng về nông nghiệp và thuỷ sản, thì đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 đã gây thiệt hại cho ĐBSCL lên đến 300 triệu đô la Mỹ.

Còn kết quả nghiên cứu của Viện tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, thì chỉ riêng lũ lụt đã làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thiệt hại lên đến gần 9.000 tỉ đồng do thiên tai.

Liên quan đến tài nguyên nước, nếu Việt Nam không hành động và có những can thiệp, thì dự báo đến năm 2035, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lên đến 6% GDP của Việt Nam. “Đặc biệt, đối với ngành nông nghiệp ĐBSCL, thì con số đó phải vượt 6%", ông Bình cho biết.

Tại diễn đàn, nhóm nghiên cứu của VCCI Cần Thơ về tác động của hạn mặn đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ĐBSCL đã chỉ ra rằng, xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài, thiếu nước..., là những yếu tố gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp ở khu vực này.

Còn nhận định về mối đe doạ lớn nhất trong tương lai, các doanh nghiệp được VCCI Cần Thơ khảo sát cũng chỉ ra rằng, xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài, thiếu nước và nền nhiệt tăng cao là những mối đe doạ lớn nhất đối với họ.

Những tác động cụ thể của hạn mặn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thì 80% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ tác động đến vùng nguyên liệu/vùng sản xuất; 34% tác động đến đối tác cung ứng và 32% cho biết sẽ ảnh hưởng đến nhà máy, xưởng sản xuất.

Những “tổn thương” dưới tác động của hạn mặn được doanh nghiệp chỉ ra là mất mùa, giảm chất lượng nguyên liệu; giá hàng hoá nguyên liệu tăng cao; gián đoạn sản xuất; giảm doanh số bán hàng; gián đoạn hoạt động vận chuyển…

Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ đề xuất, đối với doanh nghiệp phải xem chiến lược và hành động thích ứng biến đổi khí hậu là điều kiện và nhu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; chủ động xây dựng chiến lược và hành động có sự tham gia của các tác nhân trong chuỗi; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ theo hướng đổi mới sáng tạo là công cụ hiệu quả và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Mặt khác, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, biến thách thức, rủi ro thành cơ hội để mở rộng kinh doanh và phát triển sản phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo.

Ông Lam của VCCI Cần Thơ cho biết, từ những thách thức như nêu trên, năm ngoái đơn vị này đã cùng Quỹ châu Á hình thành sáng kiến thành lập mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. “Đây là bước đi đầu tiên và cụ thể để từng bước triển khai các hoạt động liên quan biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế”, ông nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới