Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nước mắm Nam Ô truyền thống “vượt sóng” để hồi sinh trong năm mới

Quỳnh Như

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Làng Nam Ô – làng nước mắm truyền thống lâu đời ở thành phố biển Đà Nẵng – đã tồn tại hơn 400 năm và đang đối mặt với nhiều thách thức để tồn tại, chứ chưa nói đến duy trì danh tiếng. Có một bạn trẻ đang đối đầu với thách thức để góp phần hồi sinh thương hiệu danh tiếng bằng nhiều cách làm đột phá. Tuy nhiên, hành trình này là không hề dễ dàng.

Theo người dân của làng, nước mắm nhĩ Nam Ô là sự kết tinh văn hoá miền biển từ nhiều đời. Tuy nhiên, trước sự ra đời của nhiều loại mắm công nghiệp, người làm mắm Nam Ô đã gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều người dân trong làng không còn gắn bó với nghề. Theo thời gian, nghề làm mắm truyền thống cũng dần bị quên lãng.

Để mắm nhĩ Nam Ô không bị mất dấu trên bản đồ nghề truyền thống, những thành viên tâm huyết của xưởng nước mắm Hương Làng Cổ nằm ngay trong làng vẫn từng ngày âm thầm khôi phục lửa nghề và tìm lại vị thế cho nước mắm nhĩ Nam Ô.

Hành trình tìm về làng mắm xa xưa

Tiền thân của Hương Làng Cổ là thương hiệu nước mắm Hồng Hương và cơ sở đã trải qua bốn thế hệ gắn bó với nghề làm mắm.

Là một người yêu thích những điều gắn liền với truyền thống, đó cũng là cái duyên đưa anh Nguyễn Thái Nhật Huy (36 tuổi) đến với với Hương Làng Cổ. Không rành về sản xuất, cũng không phải là người con của làng, nhưng với tình yêu lớn dành cho nước mắm Nam Ô, anh Huy đang giúp nước mắm nhĩ Nam Ô lấy lại danh tiếng vốn có và đến gần hơn với người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Thái Nhật Huy (mặc áo sơ mi trắng) đang giới thiệu các sản phẩm của nước mắm nhĩ Nam Ô Hương Làng Cổ. Ảnh: Nhân Tâm

Hành trình khôi phục nghề truyền thống chưa bao giờ là dễ dàng. “Dù có nền tảng là bí quyết làm mắm. Thế nhưng khi bắt tay vào việc khôi phục nghề làm mắm Nam Ô, dường như phải bắt đầu lại từ đầu. Từ việc xây dựng quy trình sản xuất, đầu tư trang thiết bị và vạch kế hoạch hướng đi mới cho Hương Làng Cổ”, anh Huy chia sẻ.

Khôi phục nghề làm mắm, không đơn giản chỉ là giữ lửa nghề, đầu ra cho sản phẩm là yếu tố then chốt để duy trì, là động lực để mọi người tiếp tục với nghề.

Thế nhưng, khi đưa mắm nhĩ Nam Ô xâm nhập vào thị trường, rào cản đầu tiên Hương Làng Cổ gặp phải đó là độ “kén” người dùng. Anh Huy chia sẻ, thử thách đầu tiên mà cơ sở đối diện đó là cạnh tranh với dòng nước mắm công nghiệp. Anh ghi nhận hơn 90% người tiêu dùng thích và chọn nước mắm công nghiệp cho bữa ăn của mình vì họ quen với mùi vị và cũng dễ dàng mua được.

“Với khẩu vị của người Nam Ô, họ ăn mặn hơn nên đặc trưng của mắm nhĩ Nam Ô đó là hương vị sẽ mạnh hơn so với nước mắm công nghiệp. Nên ai ăn chưa quen thì họ sẽ ngại dùng. Cũng vì lý do đó mà đối tượng sử dụng nước mắm nhĩ cũng hạn chế”, anh Huy nói và cho biết thêm các dòng nước mắm công nghiệp có quy mô sản xuất lớn, nên có mặt ở nhiều kênh siêu thị lớn, nhỏ khác nhau và tiếp cận được người tiêu dùng. Trước đây, rất khó để tìm thấy một chai nước mắm nhĩ Nam Ô truyền thống ở các quầy siêu thị hay cửa hàng, nên thật sự chưa có nhiều người biết đến thương hiệu nước mắm nhĩ Nam Ô.

Theo người dân của làng, nước mắm nhĩ Nam Ô là sự kết tinh văn hoá miền biển từ nhiều đời. Ảnh: Quỳnh Như

Trong bối cảnh kinh tế có sự biến đổi, người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen chi tiêu khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và loay hoay tìm hướng đi mới, Hương Làng Cổ cũng không tránh khỏi.

Anh Huy cho biết trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra thì tình hình kinh doanh rất tốt, vì toàn bộ khách hàng mua sản phẩm trực tuyến vì chợ truyền thống và các siêu thị lớn đều tạm ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, tiến độ sản xuất công nghiệp cũng bị đình trệ. Cơ sở Hương Làng Cổ ở quy mô sản xuất địa phương nên không bị ảnh hưởng quá nhiều nên số lượng bán ra gấp hai gấp ba lần so với bình thường.

Tuy nhiên, hai năm gần đây thì tình hình kinh doanh có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Một phần nguyên do đến từ việc khách hàng thắt chặt chi tiêu và tìm đến những sản phẩm có giá thành mềm hơn.

Kể câu chuyện nước mắm với khách du lịch

“Lửa thừ vàng, gian nan thử sức”. Để định vị lại thương hiệu, Hương Làng Cổ đã đăng ký để trở thành sản phẩm OCOP 4 sao. Bên cạnh đảm bảo chất lượng thì việc trở thành thành viên của OCOP giúp sản phẩm tạo được lòng tin ở người tiêu dùng.

Cùng với nước mắm nhĩ truyền thống, xưởng Hương Làng Cổ đã cho ra dòng nước mắm mới. Đó là loại nước mắm truyền thống có thêm chút đường phèn, giúp vị mắm dịu lại, ít mặn hơn và trở thành sản phẩm bán chạy của cơ sở. Đồng thời, cơ sở cũng đầu tư thiết kế bao bì, nhãn dán để thu hút khách hàng.

Làng Nam Ô – làng nước mắm truyền thống lâu đời ở thành phố biển Đà Nẵng - đã tồn tại hơn 400 năm và đang đối mặt với nhiều thách thức để tồn tại, chứ chưa nói đến duy trì danh tiếng. Ảnh: Quỳnh Như

Song song với việc bán sản phẩm qua các cửa hàng bán thực phẩm sạch, Hương Làng Cổ chọn hướng đến du lịch, kết nối với Làng nghề truyền thống Nam Ô, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã đến tham quan cơ sở sản xuất, được tận mắt nhìn, được tận tay trải nghiệm thao tác tạo nên sản phẩm, góp phần thu hút du khách đến với làng nghề.

Anh Huy chia sẻ: “Hương Làng Cổ muốn hướng đến tạo được câu chuyện cho nước mắm nhĩ Nam Ô thông qua du lịch. Tạo ra những sản phẩm trải nghiệm để khách hàng và du khách biết nhiều hơn về nước mắm truyền thống và café mắm là một trong những giải pháp để quảng bá”

Café mắm được tạo ra không nằm ngoài mục đích trên, giúp tăng tính trải nghiệm của du khách về các cách sử dụng khác nhau của mắm. Cùng với đó là các tour du lịch văn hoá trải nghiệm tại xưởng Hương Làng Cổ. “Việc kết nối du lịch, không chỉ là bán một chai nước mắm, mình có thể mở rộng ra thu lợi từ việc bán trải nghiệm văn hoá. Từ đây, ngoài việc duy trì, quảng bá nghề làm mắm truyền thống Nam Ô mà còn giúp đa dạng hoá nguồn thu nhập cho bà con.” anh Huy cho biết.

Theo anh Huy, cho đến thời điểm hiện tại, Hương Làng Cổ đã thành công ở bước đầu tiên là khôi phục nghề làm mắm. Mặc dù, xưởng vẫn đang loay hoay trong việc xây dựng mô hình kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian đến. Thế nhưng, cho dù giai đoạn hai có thất bại thì anh Huy cùng Hương Làng Cổ vẫn sẽ tiếp tục và duy trì ở mức hiện tại để nghề mắm Nam Ô vẫn luôn hiện hữu trong văn hoá biển Đà Nẵng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới