Nuôi tôm trên cát: bài học cũ vẫn còn mới
Tự Phong
![]() |
Hàng trăn héc ta nuôi tôm trên cát tại miền Trung bị bỏ hoang chỉ sau một thời gian nuôi trồng vì thiếu hiệu quả. Ảnh: www.baoquangngai.com.vn |
(TBKTSG Online) – Ngày 22-12 UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt dự án nuôi tôm trên cát của công ty TNHH đầu tư Đại Thành có vốn đầu tư ban đầu là 80 tỉ đồng trên diện tích 50 héc ta tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Nhiều dự án nuôi tôm trên cát tại các tỉnh miền Trung đã thất bại nhưng Quảng Bình lại phê duyệt một dự án lớn, liệu nó có liệu có đi theo vết xe đổ của những dự án trước hay không?
Bài học cũ
Theo thống kê của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, từ cuối năm 2000, tỉnh Ninh Thuận thành công với mô hình nuôi tôm trên cát, với vài héc ta lúc đầu chỉ sau 2 năm sau, diện tích nuôi tôm tăng lên 200 héc ta, dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi tôm trên cát. Từ sự thành công của Ninh Thuận, hàng loạt các tỉnh duyên hải miền Trung thi nhau phát triển và kêu gọi được những dự án lớn đầu tư vào nuôi tôm trên cát; trong đó, nổi lên là dự án đầu tư hơn 2.200 héc ta để nuôi tôm trên cát của công ty Việt Mỹ tại Quảng Trị và dự án 2.000 héc ta nuôi tôm trên cát tại Lệ Thủy (Quảng Bình).
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các chủ đầu tư nhận ra rằng, để cải tạo một héc ta đất cát thành một héc ta nuôi tôm cần đến 500 triệu đồng thay vì 300 triệu đồng như tính toán ban đầu. Trong khi đó, năng suất của vụ thu hoạch đầu tiên chỉ đạt trung bình 1,75 tấn héc ta ( khoảng 83 triệu đồng), rất thấp so với kỳ vọng.
Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư bắt đầu tìm cách tháo chạy khỏi dự án. Hậu quả, nguồn nước ở những vùng nuôi tôm bị nhiễm mặn nặng, người dân không thể sử dụng nước cho sinh hoạt hàng ngày trong một thời gian dài. Còn nhà đầu tư nuôi tôm tại Lệ Thủy thì “rút lui” không kèn trống khi dư án mới bắt đầu triển khai vài tháng vì không hiệu quả.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online, ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, cả tỉnh từng có hơn 1.000 héc ta nuôi tôm, nhưng do hiệu quả thấp nên hiện chĩ còn chưa đến 20 héc ta nuôi tôm trên cát và số lượng này còn tiếp tục giảm xuống. “Nếu so với cách nuôi tôm trên cát thì cách truyền thống nuôi tại các vùng nước lợ ven biển cũng cho năng suất tương đương nhưng chi phí đầu vào lại thấp hơn nhiều nên các hộ dân không muốn đầu tư vào nuôi tôm trên cát”, ông Chương cho biết.
Theo giải thích của ông Chương, để biến một héc ta đất cát thành ao nuôi tôm chủ đầu tư phải bỏ ra từ 500 đến 600 triệu đồng. Năm nào được mùa thì thu được khoảng 10 tấn tôm nguyên liệu ( khoảng 500 triệu đồng) trong khi chi phí giống, nhân công chiếm hết một nửa trong số đó.
Những trở ngại phải vượt qua
Theo đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, một héc ta nuôi tôm trên cát phải cần trên 16.000 m3 nước, mỗi vụ cần 3 lần thay nước thì lượng nước cần có lên tới 50.000 m3. Với cấu trúc về địa hình, các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị chiều ngang rất hẹp nên không trữ được nước trong mùa mưa, thường bị ngập lụt nhưng lại hạn hán chỉ mấy tháng sau đó. Do đó, nguồn nước để phục vụ nuôi tôm trên cát chỉ có thể là nước ngầm.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm gặp phải sự "phản đối" từ Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO). Bộ quy tắc ứng xử nuôi trồng thủy sản của FAO quy định không được sử dụng nguồn nước ngầm để kiểm soát độ mặn trong quá trình nuôi tôm nếu muốn sản phẩm chế biến từ tôm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Luật thuế tài nguyên vừa được Quốc hội thông qua cũng qui định, nếu nếu sử dụng nước ngầm cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản, các công ty phải đóng thuế từ 1-8% tùy theo mức và từng nơi sử dụng.
Trước khả năng thiếu nước trong mùa khô, ngày 22-12 tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ 2010 của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các tỉnh miền Trung, đặt biệt là các tỉnh Trung Bộ, phải bố trí lại cơ cấu vật nuôi, cây trồng cho phù hợp với khả năng cung ứng nước của vùng; cụ thể là nhanh chóng chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ hoặc 1 vụ lúa 1 vụ màu đối với những các xã ven biển Trung Bộ.
”Trước tình hình khô hạn đã và đang diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, các tỉnh phải có kế hoạch làm sao chỉ sử dụng ít nước mà hiệu quả kinh tế cao và tránh tình trạng cạn kiệt nguồn nước trong những năm tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội nghị.
Tính toán của các nhà khoa học cho biết, việc sử dụng nước ngầm vào nuôi tôm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của hàng trăm héc ta phi lao trồng chắn gió và cát tại Quảng Bình. Theo đề án được UBND Quảng Bình phê duyệt hôm 22-12, Công ty Đại Thành được sử dụng 50 héc ta đất để chuyển đổi thành ao nuôi tôm thương phẩm và tôm giống. Như vậy, mỗi năm công ty Đại Thành phải khai thác khoảng 4 triệu mét khối nước ngầm cho cả 2 vụ nuôi và thải 400 tấn chất thải rắn các loại ra bên ngoài.
Giáo sư Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện kinh tế sinh thái cho rằng, sự bền vững của những dự án nuôi tôm trên cát thường không cao. Vì môi trường xung quanh khu vực nuôi sẽ xuống cấp nhanh nhưng lại phục hồi rất chậm. Do đó, mô hình sản xuất này tiềm ẩn những rủi ro về ô nhiễm và hủy hoại môi trường mà chúng ta không thể dự báo trước.