(KTSG Online) – Lạm dụng hoá chất kháng sinh và thức ăn để gia tăng sản lượng ngành tôm đang diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, nuôi tôm “zero” đầu vào, tức không sử dụng thức ăn, hoá chất kháng sinh vẫn có thể đem lại thu nhập tốt cho người nông dân và bảo vệ tốt môi trường.
Tại diễn đàn giao thương phát triển thuỷ sản bền vững doanh nghiệp Việt Nam- Hà Lan diễn ra ở TP Cần Thơ vào hôm nay, 7-9, ông Vũ Thanh Liêm, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản của cả nước khi chiếm 56% sản lượng thuỷ sản đánh bắt và 70% sản lượng thuỷ sản nuôi.
Theo ông Liêm, nuôi thuỷ sản đã trở thành ngành kinh tế đặc biệt quan trọng của ĐBSCL, trong đó, tôm và cá tra là hai sản phẩm chủ lực của vùng. “Nhiều mô hình nuôi thuỷ sản theo chiều sâu như nuôi thâm canh, công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội”, ông Liêm cho biết.
Tuy nhiên, ông cho rằng, ngành thuỷ sản của vùng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó, quan trọng nhất là tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan…
Vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự diễn đàn, đó là việc lạm dụng hoá chất kháng sinh, thức ăn chăn nuôi để gia tăng sản lượng thuỷ sản nuôi đang đe doạ rất lớn đến tính bền vững của môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, đến từ Tập đoàn Mỹ Lan cho biết, cần chú trọng việc xử lý nước thải phải sạch hơn nước đầu vào, chứ không phải bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để kéo ống ra ngoài biển lấy nước sạch nuôi tôm rồi sau đó xả nước thải làm ô nhiễm cả đồng bằng. “Đó là cách làm không đúng”, ông nói và gợi ý, nên ứng dụng công nghệ xử lý của các nước tiên tiến như Hà Lan để bảo vệ môi trường.
Ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) cho biết, với mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm bền vững, thì người nông dân hoàn toàn không cần sử dụng đến thức ăn và không hoá chất kháng sinh, tức “zero” đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo gia tăng thu nhập và bảo vệ được môi trường.
Thực tế, theo ông Tấn, từ năm 2000, đơn vị này đã kết hợp với người dân triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái và đã đạt được chứng một năm sau đó. “Đây là chứng nhận sinh thái đầu tiên của ngành tôm”, ông nói và thông tin, sản phẩm tôm sinh thái đầu tiên của đơn vị này đã xuất khẩu thành công từ năm 2002.
Sau hơn 20 năm thực hiện nuôi tôm sinh thái, theo ông Tấn, đơn vị này rất hài lòng vì những kết quả tốt đẹp đã mang lại, bao gồm cho cả hộ nuôi, chính quyền địa phương, hệ sinh thái môi trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cụ thể, với hộ nuôi, qua tập huấn của doanh nghiệp, họ hiểu thế nào là tôm bền vững, tôm sinh thái, cho nên, đã tham gia vào chuỗi sản xuất tôm sinh thái. “Nhờ đó, giá trị tạo thêm tăng lên, giúp cải thiện được đời sống của họ rất nhiều so với thời điểm trước đây”, ông Tấn cho biết.
Ở góc độ địa phương, mô hình tôm sinh thái đã giúp địa phương giải quyết tốt vấn đề vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được rừng. “Trước đây, người dân lúc nào cũng muốn khai thác rừng để nuôi tôm (nuôi tôm thâm canh), nhưng khi họ hiểu vấn đề nuôi tôm sinh thái, thì họ quay sang bảo vệ rừng để phát triển tôm sinh thái”, ông Tấn cho biết.
Về môi trường và hệ sinh thái, do người dân bảo vệ rừng để phát triển tôm sinh thái, cho nên, rừng được phát triển bền vững đến thời điểm hiện nay.
Với doanh nghiệp, nhờ có sản phẩm tôm sinh thái đã giúp họ “chinh phục” được phân khúc thị trường cao cấp của thế giới, danh tiếng nhờ đó cũng được lan truyền. “Trong khi đó, người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận sản phẩm sạch bệnh, an toàn sức khoẻ, cho nên, họ sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều, thậm chí 20-30%”, ông Tấn cho biết.
Theo ông Tấn, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức của Hà Lan, hiện đơn vị này thực hiện thêm hai dự án phát triển tôm sinh thái và tôm bền vững.
Ông Tấn một lần nữa nhấn mạnh, nguyên tắc nuôi tôm sinh thái, tôm bền vững là hoàn toàn không sử dụng thức ăn chăn nuôi hay bất kỳ loại hoá chất kháng sinh nào, tức “zero” đầu vào. “Thành công của chuỗi tôm sinh thái đã giúp Camimex cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn tôm an toàn và sạch bệnh”, ông nhấn mạnh.