Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ô nhiễm ngày càng đe dọa nguồn nước sạch của TPHCM

Đồng Nai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ trước đến nay, nguồn nước thô cung cấp cho TPHCM được lấy từ sông Sài Gòn - Đồng Nai. Nguồn nước này hiện tại đang bị ô nhiễm và nhiễm mặn, khiến chính quyền tính đến phương án thay đổi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu và đưa ra giải pháp khả thi về kinh tế lẫn kỹ thuật.

sông Đồng Nai_Minh Hoàng
Vận tải thủy được cho là 1 trong số những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nước. Ảnh: MH

Chất lượng nước thô ngày càng giảm sút

Hiện nay, nguồn nước sạch mà người dân TPHCM đang sử dụng có đến 96% nguồn nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai thông qua 2 trạm bơm Hoà Phú (huyện Củ Chi) và Hoá An (Đồng Nai) và 4% còn lại là nguồn nước ngầm.

Nước sau khi bơm từ sông sẽ được dẫn về nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức để xử lý, sau đó phân phối nước thông qua mạng lưới đường ống đến cho 2,14 triệu hộ dân.

Theo đánh giá, công suất cấp nước hiện nay tại thành phố đạt 2,4 triệu m3/ngày với lượng nước sinh hoạt bình quân đầu người là 148 lít/người/ngày. Với nhu cầu sử dụng nước hiện nay của thành phố vẫn chưa vượt tổng công suất thiết kế các nhà máy nước và nhu cầu sử dụng nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn nước thô trên 2 dòng sông này đang chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các chất thải từ các khu dân cư, khu sản xuất công - nông nghiệp.

Theo số liệu quan trắc chất lượng nước sông từ năm 1966 (đối với sông Đồng Nai) và từ năm 2004 (đối với sông Sài Gòn) cho thấy chất lượng nước có dấu hiệu ngày càng xấu đi.

Cụ thể, tại sông Sài Gòn, các thông số về quy chuẩn nước mặt thường xuyên vượt mức cho phép như hàm lượng hợp chất hữu cơ vượt khoảng 1,5-2 lần; hàm lượng hợp chất của Nitơ (cụ thể là ammoniac) vượt ngưỡng khoảng 1,5-5 lần; hàm lượng vi sinh vượt ngưỡng quy định khoảng 2-5 lần.

Đối với sông Đồng Nai, các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh và hợp chất hữu cơ ở mức vượt ngưỡng quy định khoảng 1,1- 1,3 lần.

Ngoài ra, dưới tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El Nino khiến nguồn nước bị xâm nhập mặn. Vào thời điểm cực hạn, nước có độ mặn vượt ngưỡng quy định kéo dài từ 1-6 giờ liên tục trong ngày.

Cần tính toán kỹ việc dời điểm lấy nước thô

Hồi đầu năm 2021, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020-2050 và chương trình cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm giai đoạn 2020-2030, trong đó thành phố lên kế hoạch di dời điểm lấy nước thô về phía thượng nguồn sông Sài Gòn để tránh ô nhiễm.

Dự kiến, vị trí để lấy nguồn nước mới sẽ cách trạm bơm Hòa Phú khoảng 20 km và và cách ngã ba sông Thị Tính – Sài Gòn khoảng 15 km. Đồng thời khảo sát xây dựng cụm hồ chứa nước thô để tăng năng lực dự trữ.

Ông Trần Thái Nguyên, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết việc đảm bảo an ninh nguồn nước thô là một trong những mục tiêu mà thành phố hướng đến.

Ông Nguyên cho biết thêm, về các nhiệm vụ cấp nước của giai đoạn 2020 – 2030, đơn vị đang chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng các nhà máy nước mới gồm nhà máy nước Kênh Đông 2 (huyện Củ Chi) với công suất phát nước 250 ngàn m3/ngày; nhà máy nước Thủ Đức 4 (thành phố Thủ Đức) với công suất phát nước 300 ngàn m3/ngày nhằm nâng công suất cấp nước của toàn hệ thống lên 2,9 triệu m3/ngày.

Đơn vị cũng lập kế hoạch cải tạo nhà máy nước Thủ Đức và nhà máy nước Tân Hiệp nhằm tối ưu quy trình công nghệ xử lý nước, ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống xử lý. “Hiện chúng tôi vẫn đang duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và kiểm soát tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch ở mức 18%”, ông Nguyên nói.

Song song đó, hiện đại hệ thống sản xuất, quản lý và kinh doanh nước sạch bằng việc trang bị hệ thống giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu tự động.

10 năm trước, TPHCM có kế hoạch sử dụng nguồn nước thô từ hồ Dầu Tiếng để xử lý thành nguồn nước sạch. Ảnh: Văn Nam

Đại diện Sawaco cho rằng, để đảm bảo an ninh nguồn nước thô trước bối cảnh chất lượng nguồn nước có nhiều biến động, giải pháp bền vững lâu dài cần hướng đến là quy hoạch các khu vực hồ dự trữ nước thô. Mặt khác, có thể xem xét đến việc di dời điểm khai thác nước thô về phía thượng nguồn để đảm bảo an toàn nguồn nước.

“Tuy nhiên, các vị trí được lựa chọn cần phải đáp ứng được các yêu cầu về quỹ đất cần thiết để đảm bảo được quy mô công suất cung cấp tối thiểu 600.000 m3/ngày đêm hoặc 900.000 m3/ngày”, ông Nguyên phân tích.

Đồng thời, thời gian dự trữ nước tối thiểu đảm bảo trong 3 ngày để không làm gián đoạn việc lấy nước thô khi có các sự cố về xâm nhập mặn, ô nhiễm, và đủ thời gian cho quá trình lắng sơ bộ nhưng chất lượng nước tối thiểu phải đạt quychuẩn.

Theo ông Nguyên, để có thể xác định chính xác vị trí phù hợp để di dời điểm lấy nước thô cần phải tiến hành các nghiên cứu tiền khả thi và so sánh lựa chọn với các giải pháp khác như giải pháp về đập ngăn mặn, hồ dự trữ nước thô, giải pháp khai thác nước thô từ các hồ đầu nguồn để đảm bảo mức độ khả thi về kinh tế và kỹ thuật.

“Các vị trí có thể thích hợp để triển khai giải pháp nằm ở phía thượng nguồn so với dòng hợp lưu của ngã ba sông Thị Tính – sông Sài Gòn, cách vị trí lấy nước hiện nay hơn 10 km”, đại diện Sawaco nói.

Hồi tháng 5, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá rằng việc khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún nền tại khu vực TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long.Còn theo kết quả nghiên cứu về độ sụt lún nền tại TPHCM của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố hồi tháng 8, độ sụt lún ở TPHCM đang ở mức độ cao, mỗi năm thành phố lún 2 cm, có nơi sụt lún 6-8 cm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới