Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ô tô điện chưa thể chinh phục thị trường Nhật Bản

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mặc dù là một trong những nước có ngành công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới, Nhật Bản lại đang cho thấy sự chậm chân hơn các đối thủ như Trung Quốc, châu Âu hay Mỹ trong cuộc đua phát triển xe điện. Những chiếc xe chạy điện mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường ô tô nước này.

Các số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Đại lý ô tô và Hiệp hội Xe mô tô, xe máy hạng nhẹ Nhật Bản cho thấy, trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3-2023), có tổng cộng 77.000 xe điện mới đã được bán tại nước này - một con số kỷ lục và cao gấp 3 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, dù là thị trường xe điện có tốc độ tăng trưởng doanh số nhanh nhất trên thế giới, lượng xe điện bán ra chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng 3,61 triệu ô tô tại thị trường Nhật.

Để so sánh, các thị trường lớn trên toàn cầu - nơi có ngành công nghiệp ô tô phát triển, đều tỏ ra vượt trội hơn so với Nhật Bản cả về doanh số bán xe điện lẫn thị phần. Tại Trung Quốc thị phần dành cho loại xe thân thiện với môi trường này đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021, lên 25,6%. Thị phần xe điện tại châu Âu khoảng 15% và Mỹ 5,3-5,8%.

Đây được coi là một tình trạng hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, vốn sở hữu nhiều thương hiệu hàng đầu như Toyota, Mitsubishi hay Nissan…, sử dụng tới 8% lực lượng lao động của cả nước, và đóng góp tới một phần tư kim ngạch xuất khẩu.

Các hãng xe vẫn ưu tiên xe hybrid

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, việc phổ biến xe điện tại Nhật Bản sẽ tiếp tục phải đối mặt với rào cản lớn từ sự phổ biến của xe xăng lai điện hybrid - loại xe sử dụng song song hai động cơ đốt trong và động cơ điện. So với xe điện, loại phương tiện này có ưu điểm là chi phí sản xuất rẻ hơn, và không cần đến mạng lưới trạm sạc.

Trong năm ngoái, loại xe này đã chứng minh sức hút với người tiêu dùng Nhật khi chiếm tới 40% số xe mới bán ra tại Nhật Bản. Những thành công này, cùng với việc đã bỏ ra khoản vốn đầu tư lớn trước đó để phát triển xe hybrid khiến nhiều doanh nghiệp ô tô Nhật Bản chưa quá mặn mà với việc đổ tiền vào cho xe điện.

Xe hybrid cùng xe chạy nhiên liệu hydro cũng nằm trong kế hoạch giảm phát thải ngành công nghiệp ô tô đến năm 2035 của Chính phủ Nhật Bản. Đây được coi là một động thái kém quyết liệt hơn so với EU, Anh và một số bang tại Mỹ - những nơi đã đặt ra mục tiêu tất cả xe mới bán ra thị trường đều không phát thải vào năm 2035.

Theo nhiều quan chức và chuyên gia Nhật Bản, việc tiếp tục phát triển xe hybrid là một sự lựa chọn hợp lý nếu xét đến “sự đắt đỏ về chi phí và sự hạn chế về nguồn lực” khi phát triển xe thuần điện.

Những nỗ lực thay đổi trước khi quá muộn

Tuy vậy, cuộc đua xe điện đang tăng tốc trên toàn thế giới cũng đang khiến ngành sản xuất ô tô Nhật Bản phải hành động tích cực hơn, với nhiều kế hoạch tham vọng hơn. Để khắc phục tình trạng cơ sở hạ tầng, Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch tăng số lượng trạm sạc xe điện từ 30.000 lên 150.000 vào năm 2030.

Về phía các hãng xe, hồi năm ngoái, Nissan đã cho ra mắt Sakura - một chiếc xe thuần điện thuộc loại xe “kei” cỡ nhỏ, vốn rất phổ biến tại Nhật Bản. Các nhà sản xuất đã cắt giảm đáng kể chi phí bằng cách sử dụng loại pin lithium-ion nhỏ hơn - bộ phận vốn chiếm tới một phần ba giá xe điện.

Nhờ vậy, mặc dù có phạm vi hoạt động ngắn, Sakura đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng với mức giá hấp dẫn, chỉ 19.300 đô la. Mẫu xe này đã chiếm một phần ba số xe điện bán ra tại Nhật Bản trong năm tài chính 2022, với 33.097 chiếc. Ngoài ra, các mẫu xe Leaf của Nissan hay eK X EV của Mitsubishi cũng ghi nhận két quả tích cực.

Trong một bước đi quyết liệt hơn cả, Toyota mới đây cho biết sẽ trình làng 10 mẫu xe điện trong vòng ba năm tới, và hướng đến mục tiêu doanh số 1,5 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2026. Giới lãnh đạo cấp cao của Toyota cũng xác nhận sẽ thành lập một đơn vị chuyên biệt mới, tập trung vào thế hệ kế cận của các mẫu xe điện dùng pin.

Theo CNBC, tuyên bố này của Toyota đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong mảng xe điện, nơi họ đang tạm thời bị các đối thủ vượt mặt. Dù vẫn coi việc phát triển xe xăng và hybrid tại những thị trường có cơ sở hạ tầng chưa phát triển là điều tất yếu, Toyota rõ ràng không thể ngồi yên trước những chuyển dịch tại hàng loạt thị trường lớn từ Trung Quốc, Mỹ cho đến châu Âu - nơi mang lại phần lớn lợi nhuận của hãng.

Nguồn: AFP, Nikkei Asia Review, CNBC, Reuters, Euronews, Finance Yaho, Insideevs

3 BÌNH LUẬN

  1. Ngôi vương hào quang Nhật bản đang bị đảo chiều. Một loạt ông lớn từng vang bóng một thời đã bị suy giảm mạnh mẽ, bị thôn tính hoặc bị biến mất (Toshiba/ Sanyo…). Trên lĩnh vực ô tô điện, họ cũng đang bị vượt mặt bởi những đối thủ mới nhưng không kém sừng sỏ (Trung quốc/ Hàn quốc…). Tốc độ thích ứng xu thể đổi mới của Nhật, không hiểu sao, đang bị chậm lại hơn bao giờ hết. Đó là lý do chính.

  2. Người Nhật luôn luôn cẩn trọng, chạy theo sản xuất xe điện trong khi tổng công suất điện cả nước không đủ sẽ là điều rất nguy hiểm. Cuối năm 2022, Thuỵ sĩ từng dự kiến cấm xe điện trong mùa đông vì sợ không đủ điện để sưởi ấm dù tổng số xe điện chỉ mới có 100.000 chiếc. Ở VN ,chỉ tính riêng xe ô tô điện của Vinfast, mỗi năm công suất là 250.000 xe ô tô điện, đến năm 2026, nâng công suất lên 950.000 xe ô tô điện. Tính ra đến năm 2030, chỉ tính riêng ô tô điện của Vinfast là 5.000.000 ô tô, chưa tính các hãng ô tô điện khác ở VN. Nếu một ô tô điện chạy 10 ngày mới sạc một lần, thì trung bình mỗi ngày có 500.000 xe cần sạc, một chiếc VF8 có khối pin là 88 kw, tám tiếng sạc đầy, tính ra mỗi tiếng cần 11 kw.Xe điện đi ban ngày, tối về mới sạc, tính ra mỗi tiếng buổi tối 500.000 ô tô cần 5.500.000 kw, bằng công suất của ba nhà máy thuỷ điện Hoà Bình ( công suất 1.920.000 kwh ), việc này không biết ảnh hưởng tới an toàn của lưới điện VN như thế nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới