Chủ Nhật, 6/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Oằn gánh lo toan

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nỗ lực duy trì sản xuất trong dịch bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách kéo dài đã khiến doanh nghiệp tại TPHCM kiệt sức. Ngay cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn cũng cho biết, khó có thể chịu đựng lâu.

Dịch bệnh và giãn cách kéo dài ở TPHCM đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế cực kỳ khó khăn, không những chi phí sản xuất tăng rất cao, doanh thu, số lượng lao động sụt giảm mà còn hàng loạt khó khăn khác khiến doanh nghiệp khó xoay xở.

Tiền, lao động "bay" theo giãn cách

Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Vietnam, từ khi TPHCM bắt đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 cho đến nay, nhà máy của Intel Vietnam phải áp dụng phương án “một cung đường - hai điểm đến” cho toàn bộ gần 1.870 người lao động trực tiếp và 1.500 người lao động gián tiếp, các nhà thầu...

Theo cách này, người lao động phải lưu trú tại các khách sạn tập trung trong khu vực thành phố và đến công ty làm việc bằng xe đưa đón. Chi phí phát sinh tạm tính từ 15-7 đến 15-8 là khoảng 140 tỉ đồng, nếu tính thêm đến 15-9, tức thời điểm mà thành phố kỳ vọng có thể kiểm soát được dịch thì con số không phải là gấp đôi mà còn cao hơn nữa. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách mà còn là kế hoạch sản xuất.

Thêm vào đó, công ty lại đang thiếu lao động, gồm cả người lao động cấp bình thường và người lao động cốt cán. Trong lúc thiếu người, doanh nghiệp buộc phải tăng giờ làm để đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký kết nhưng nếu tăng quá lại vi phạm luật lao động. Với lực lượng lao động cốt cán, công ty cũng không thể đưa nhiều lao động có tay nghề từ nước ngoài vào do vướng những quy định về phòng chống dịch và cũng chưa thể đưa người lao động từ Việt Nam đi nước ngoài để học tập công nghệ mới.

“Chúng tôi muốn gửi 100 lao động Việt Nam qua Mỹ và Malaysia để đào tạo nhưng chưa biết đưa họ đi và về như thế nào”, bà nói.

Lao động đã thiếu, các quy định phòng chống dịch, trong đó có quy định kiểm soát lây nhiễm với F1 lại quá ngặt nghèo khiến nhiều công nhân không thể quay lại làm việc ngay.

Bà Uyên cho rằng, quy định buộc F1 phải cách ly tổng cộng 28 ngày, gồm 14 ngày cách ly y tế, với hai lần xét nghiệm PCR và 14 ngày theo dõi sức khỏe là quá dài, dẫn đến không đủ người để làm việc. Trong khi đó, thực tế tại Intel Vietnam, không có tình trạng F1 sau cách ly lây bệnh cho người khác. Tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, chỉ 1/1.000.

Tình hình tại Công ty Datalogic Việt Nam cũng tương tự. Công ty có 800 nhân viên nhưng hiện chỉ có hơn 500 người làm việc theo mô hình mới. Công ty thiếu lao động khi áp dụng các giải pháp phòng chống dịch và nhiều nhân viên không thể bỏ gia đình vào nhà máy ở hẳn để làm việc.

Thêm vào đó, nhiều nhà cung ứng của công ty này lại phải tạm dừng hoạt động vì không thể đáp ứng các yêu cầu ba tại chỗ nên việc duy trì sản xuất đã khó lại càng khó.

Tại Công ty Jabill Việt Nam, nơi đang thực hiện phương án “một cung đường - hai điểm đến” cho khoảng 30% lao động, cỡ 2.500 người, chi phí phát sinh là khoảng 120 tỉ đồng/tháng cho những khoản như tiền khách sạn, xét nghiệm định kỳ, thuê xe, trợ cấp người lao động... Chi phí này vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp nếu kéo dài.

“Chúng tôi không thể giao hàng đúng hạn theo hợp đồng. Một số khách hàng đã, đang chuyển hợp đồng sang các nước khác như Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc... Giá trị hợp đồng của công ty đã mất khoảng 200 triệu đô la Mỹ, rủi ro thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam”, ông Lê Hữu Bình, Giám đốc Tài chính cấp cao của công ty nói.

Nhiều công ty khác như Công ty TNHH AEON Việt Nam cũng cho biết, hiện rất thiếu nhân viên kinh doanh, thiếu người vận chuyển hàng hóa do nhân viên bị nghi ngờ nhiễm Covid-19, phải sống trong vùng cách ly y tế và chi phí phát sinh quá cao, trong đó có chi phí xét nghiệm Covid-19...

“Với yêu cầu hiện tại, doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty có cả ngàn nhân viên đang phải trả chi phí rất lớn cho xét nghiệm. Chẳng hạn, một số đơn vị phải xét nghiệm ba ngày/lần, 1 tháng đến 10 lần thì chi phí là khoảng 1,5-3 triệu đồng/nhân viên”, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam nói.

Cần mô hình linh hoạt, thủ tục nhanh

Vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, sáu hiệp hội doanh nhân nước ngoài và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đặt ra nhiều việc cần giải quyết để giảm bớt những thiệt hại do đại dịch gây ra.

Trong đó, những vấn đề như đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccin ngừa Covid-19, cho tư nhân tiêm vaccin, đơn giản hóa thủ tục cho chuyên gia nhập cảnh, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được tiếp tục được cho là cần phải thực hiện ngay. Thêm vào đó là những vấn đề sát sườn với tình hình sản xuất trong giai đoạn hiện tại.

Doanh nghiệp cho rằng, cần linh hoạt hơn và tính đến những mô hình sản xuất phù hợp hơn với dịch bệnh. Mô hình ba tại chỗ khó có thể áp dụng lâu dài vì tạo gánh nặng chi phí quá lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người lao động. Thêm vào đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục liên quan đến việc phòng chống dịch và sản xuất để doanh nghiệp có thể đẩy nhanh sản xuất.

Một doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu hơn 1 tỉ đô la Mỹ/năm cho biết, công ty mẹ ở Malaysia không cần phải cho công nhân sống tập trung nhưng vẫn đảm bảo không lây nhiễm vì công nhân được tiêm đủ vaccin, đeo khẩu trang N95, kính chống giọt bắn và được xe công ty chở thẳng từ nơi ở đến nhà máy.

Tuy nhiên, khi công ty muốn trang bị thêm khẩu trang N95 cho công nhân tại TPHCM thì lại khó vì thủ tục.

“Chúng tôi đang làm thủ tục nhận 500.000 khẩu trang N95 để bảo vệ cho người lao động nhưng cả tháng vẫn chưa nhận được. Có những kế hoạch sản xuất phải qua rất nhiều ban ngành, từ y tế đến công an... Phương châm hiện nay là “chống dịch như chống giặc” mà kéo dài là không ổn, cứ chậm mỗi ngày là hơn 8.000 lao động ảnh hưởng”, ông nói.

Gợi ý về mô hình sản xuất phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh, đại diện Intel Vietnam cho rằng, mô hình hai tại chỗ là hiệu quả vì vừa giúp doanh nghiệp ít tốn kém lại vừa đảm bảo tâm lý cho người lao động làm việc hiệu quả.

Với mô hình này, người lao động sẽ cam kết với công ty thực hiện 5K cùng các quy định phòng chống dịch tại nơi lưu trú. Công ty cho xe đưa đón nhân viên để không dừng, đỗ trên đường, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Khi nhân viên đã quen với kỷ luật thì có thể đi làm bằng phương tiện cá nhân.

Để phương án hai tại chỗ thành công, Intel Vietnam đề xuất khu công nghệ cao nên có khu vực thu dung bệnh nhân Covid-19 để điều trị cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong trường hợp bị nhiễm bệnh, người lao động sẽ được chữa trị tại chỗ và quay trở lại làm việc sau đó.

“Chúng tôi đã đưa ra phương án cụ thể và đề nghị ban quản lý khu công nghệ cao được thí điểm”, bà Uyên nói.

Công ty này cũng cho rằng, để giúp doanh nghiệp sớm giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực, cơ quan y tế nên áp dụng cách quản lý khác với F1. Theo đó, có thể cho F1 cách ly 14 ngày, thực hiện 4 lần xét nghiệm PCR và 2 lần xét nghiệm nhanh trong 5 ngày tiếp theo, nếu an toàn thì có thể quay lại làm việc.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý lao động cho phép thêm 100 giờ lao động ngoài giờ để không vi phạm luật lao động mà vẫn có thể bảo đảm các đơn hàng đã ký trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Ông Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, đề nghị được hỗ trợ nhiều việc. Trong đó, có giảm giá dịch vụ xét nghiệm cho nhân viên để giảm áp lực chi phí, tối ưu và đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại, số lượng hàng hóa lưu kho, ứ đọng, chưa thể nhập khẩu còn rất nhiều do một số cơ quan làm thủ tục thông quan đang phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thật sự chi phí tăng thêm và thiếu lao động đang là gánh nặng đe doạ hoạt động của các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp FDI mà còn đối với doanh nghiệp thuộc các khu vực khác, đặc biệt là khối tư nhân vì nguồn lực ngày càng cạn kiệt. Đề nghị cơ quan nhà nước cần chân thành lắng nghe và kịp thời tháo gỡ các thủ tục là nguyên nhân cản trở sự hoạt động của doanh nghiệp. Có như vậy mới cải thiện mội trường làm việc, thúc đẩy xuất khẩu của đất nước trong bối cảnh cơ hội về nhu cầu hàng hoá đang tăng nhanh trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới