(KTSG Online) - Hàng loạt nước châu Âu đã phải tăng cường triển khai các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại để ứng phó với tốc độ lây lan theo cấp số nhân của biến thể Omicron. Trong khi đó, một nghiên cứu của Đại học hoàng gia London, cảnh báo rằng biến thể Omicron có khả năng gây tái nhiễm đối với những người từng nhiễm Covid-19 cao hơn 5 lần so với biến thể Delta.
Chạy đua ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới
Hôm 18-12, Anh ghi nhận 90.418 ca nhiễm Covid-19 mới, chỉ thấp hơn một chút so với số ca nhiễm cao kỷ lục, 93.045 vào hôm trước đó. Riêng số ca nhiễm biến thể Omicron ở Anh trong ngày 18-12 cũng tăng lên mức hơn 10.000 ca, cao gấp 3 lần so với hôm trước đó.
Cùng ngày, Thị trưởng London, Sadiq Khan ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô nước Anh để ứng phó với đà lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Dù không bị giới chức trách yêu cầu, các nhà hàng và quán bar ở London cũng bắt đầu đóng cửa để bảo vệ sức khỏe nhân viên và do nhiều khách hủy đặt bàn.
Trước đó, chính phủ Anh đã tái áp đặt quy định buộc người dân phải mang khẩu trang trong nhà ở những không gian công cộng chẳng hạn như cửa hàng, siêu thị. Người dân cũng được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine hoặc giấy xác nhận âm tính với Covid-19 mới được phép vào các hộp đêm hoặc tham gia các sự kiện đông người.
Các nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Ireland, Thụy Sĩ và Đan Mạch cũng sốt sắng tăng cường áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát nguy cơ biến thể Omicron gây ra làn sóng lây nhiễm mới.
Hôm 17-12, Thủ tướng Pháp, Jean Castex nói rằng trước tình hình biến thể Omicron lây lan với “tốc độ ánh sáng”, chính phủ đề xuất người dân phải trình giấy xác nhận tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine nếu muốn vào nhà hàng, quán cà phê và các tụ điểm công cộng khác. Quy định này phải được Quốc hội Pháp thông qua mới có hiệu lực.
Bắt đầu từ ngày 20-12 cho đến ngày 24-1-2022, giới chức Thụy Sĩ yêu cầu người dân phải xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine hoặc giấy xác nhận đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 nếu họ muốn đi vào các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí, ăn uống. Người dân được khuyến cáo làm việc từ xa tại nhà trừ phi tính chất công việc buộc họ phải có mặt ở chỗ làm.
Với số ca nhiễm biến thể Omicron đang chiếm đến 20% số ca nhiễm mới hàng ngày, chính phủ Đan Mạch đề xuất đóng cửa nhà hát, rạp phim, công viên giải trí, trung tâm hội nghị cũng như hạn chế lượng người tại các cửa hàng, siêu thị.
Đan Mạch ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm biến thể Omicron vào hôm 16-12, cao gấp đôi so với hôm trước đó.
Phó thủ tướng Ireland, Leo Varadkar nói rằng đối mặt với biến chủng Omicron, chính phủ của ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai các biện pháp không được công chúng ủng hộ bao gồm yêu cầu nhà hàng, quán bar đóng cửa sớm.
Lo ngại tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron, Viện Robert Koch, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, thông báo kể từ ngày 20-12, các du khách từ Anh phải cách ly trong hai tuần sau khi nhập cảnh vào Đức dù họ có giấy xét nghiệm với kết quả âm tính với Covid-19 hay đã tiêm hai mũi vaccine.
Hôm 18-12, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, thông báo Hà Lan tái áp đặt lệnh phong tỏa để kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 5 do sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Theo các quy định mới, tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ phải đóng cửa ít nhất cho đến giữa tháng 1-2022. Các trường học phải đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 9-1-2022. Dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Hà Lan đã đạt 85%, mới chỉ có 9% dân số được tiêm mũi tăng cường.
Jaap van Dissel, Chủ tịch nhóm quản lý dịch bệnh Covid-19 của Hà Lan, nói rằng lệnh phong tỏa sẽ giúp mọi người có thời gian để tiêm mũi tăng cường và các bệnh viện có thời gian để chuẩn bị ứng phó nguy cơ số ca nhập viện tăng vọt.
Biến thể Omicron đã xuất hiện ở 89 nước
Hôm 18-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận cho đến nay, biến thể Omicron đã được phát hiện ở 89 nước và cứ sau 1,5 -3 ngày, số ca nhiễm biến thể này tăng gấp đôi ở những nơi có sự lây lan trong cộng đồng.
WHO lưu ý các câu hỏi lớn về Omicron vẫn chưa được giải đáp, bao gồm mức độ hiệu quả của các loại vaccine Covid-19 hiện tại đối với Omicron và liệu biến thể này có gây các triệu nặng cho nhiều người bị nhiễm bệnh hay không.
WHO cho biết tốc độ lây lan nhanh đáng kể của Omicron so với biến thể Delta có nghĩa là nó có khả năng sớm vượt qua Delta để trở thành dạng virus chiếm ưu thế ở các nước đang chứng kiến Omicron lây lan trong cộng đồng.
Trong khi đó, hôm 17-12, nhóm nghiên cứu của Đại học hoàng gia London do Giáo sư Neil Ferguson, cố vấn khoa học của chính phủ Anh, đứng đầu, nhận định: “Không có bằng chứng nào cho thấy biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn biến thể Delta nếu đánh giá dựa vào tỷ lệ người có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi báo cáo các triệu chứng hoặc tỷ lệ số ca nhập viện sau khi nhiễm bệnh”.
Cuộc nghiên cứu của Đại học hoàng gia London ước tính biến thể Omicron có nguy cơ gây tái nhiễm ở những người từng nhiễm Covid-19 cao hơn 5,4 lần so với biến thể Delta.
Dữ liệu của cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng bảo vệ chống tái nhiễm trước biến thể Omicron ở những người từng nhiễm Covid-19 có thể thấp đến mức 19%. Đối với những người đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19, khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron giảm xuống còn mức 0-20%. Khả năng bảo vệ này sẽ tăng mức 55-88% ở những người tiêm mũi vaccine thứ 3.
Các phát hiện mới này có thể khiến nhiều nước phải tăng tốc tiêm chủng để tránh nguy cơ quá tải ở các bệnh viện. Hôm 16-12, Ủy ban châu Âu cho biết các chính phủ của Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mua hơn 180 triệu liều vaccine Covid-19 phiên bản đã hiệu chỉnh chống biến thể Omicron do BioNTech/Pfizer phát triển.
Hãng dược Pfizer (Mỹ) và hãng công nghệ sinh học BioNTech (Đức) bắt đầu phát triển loại vaccine chuyên dùng ứng phó biến thể Omicron vào cuối tháng 11 và dự kiến sẽ giao những lô hàng đầu tiên vào tháng 3-2022.
Theo Reuters, AP