Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Ông lớn’ thời trang loay hoay lời giải mức lương đủ sống cho công nhân may

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - 10 năm trước, các công ty thời trang toàn cầu đặt ra mục tiêu tăng lương cho công nhân sản xuất áo quần ở các nước phát triển lên mức lương đủ sống. Nhưng cho đến nay, điều đó vẫn chưa thành hiện thực.

Công nhân may và các nhà hoạt động biểu tình đòi tăng lương tối thiểu ở Dhaka, Bangladesh hồi tháng 11-2023. Ảnh: Nenar News

Tại Bangladesh, gần 600.000 công nhân sản xuất quần áo cho thương hiệu thời trang khổng lồ H&M của Thụy Điển, kiếm được trung bình 119 đô la Mỹ/ tháng trong nửa đầu năm 2023, không bao gồm thời gian làm thêm giờ.

Theo Liên minh Mức lương đủ sống toàn cầu (Global Living Wage Coalition), một nhóm nghiên cứu và vận động các tiêu chuẩn áp dụng rộng rãi trong ngành thời trang, mức thu nhập đó thấp hơn nhiều so với mức lương đủ sống 194 đô la/tháng ở vùng ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh, nơi tập trung các nhà máy may.

Với mức thu nhập nói trên, người lao động than phiền, họ không dư ra để tiết kiệm. Thông thường, họ phải vay mượn từ người thân để trang trải chi phí y tế hoặc những trường hợp khẩn cấp không lường trước khác. Trong một số tháng, họ thậm chí mua nợ thực phẩm. Nỗi thất vọng về mức lương thấp bùng lên vào tháng 10 khi công nhân ở Bangladesh đốt nhà máy may và đập phá máy móc để phản đối.

Không muốn áp đặt vấn đề tiền lương lên nhà cung cấp

Các công ty thời trang phương Tây từ lâu nói rằng, họ muốn tăng lương cho công nhân nhưng lực bất tòng tâm. Họ thường không sở hữu các nhà máy, nơi sản phẩm của họ được sản xuất,  và không quyết định việc trả lương cho công nhân. Họ trần tình, họ không muốn áp đặt mức lương cụ thể đối với các nhà máy cung cấp quần áo.

Thay vào đó, họ thử các giải pháp khác. Ví dụ, H&M đã đưa các chuyên nghiên cứu Thụy Điển tới Bangladesh để đào tạo công nhân về kỹ năng đàm phán, thử nghiệm các nhà máy kiểu mẫu và thúc đẩy cơ chế trả lương minh bạch hơn cho công nhân.

Theo những tổ chức vận động mức lương cao hơn cho công nhân may, ngay từ đầu, rõ ràng những phương pháp như vậy sẽ không làm thay đổi tình hình. Họ cho rằng, các thương hiệu thời trang cần phải yêu cầu các chủ nhà máy đưa ra ra mức lương cao hơn và có lộ trình rõ ràng để tăng dần lương.

“Việc này hoàn toàn nằm trong khả năng của các thương hiệu thời trang, nhưng sẽ khiến họ tốn chi phí nhiều hơn. Điều này có nghĩa là họ đang né tránh giải quyết một vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro về danh tiếng”, Scott Nova, giám đốc cấp cao của Worker Rights Consortium, tổ chức vận động quyền lợi cho công nhân may, ở Washington, D.C., nói

H&M thừa nhận, ở nhiều thị trường gia công của thương hiệu này, mức lương của công nhân đang quá thấp. Nhưng nhà bán lẻ thời trang của Thụy Điển cho rằng, việc áp đặt mức lương cho các nhà cung cấp là một “chiến thuật thiển cận, làm suy yếu vai trò của người lao động, công đoàn, tổ chức của người sử dụng lao động và chính phủ”.

H&M và nhiều “ông lớn” thời trang khác như Inditex (Tây Ban Nha), chủ sở hữu của Zara, nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc người lao động đàm phán mức lương cao hơn cho chính họ  thông qua các thỏa thuận thương lượng tập thể, trong đó, các công đoàn tự đề nghị mức lương cao hơn với người sử dụng lao động.

Nhưng ở nhiều nơi mà các thương hiệu phương Tây gia công, chẳng hạn như Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh, vai trò của các công đoàn chỉ ở mức hạn chế. Đánh giá của Inditex cho thấy, chỉ 3% nhà cung cấp của công ty này ở châu Á có thỏa thuận thương lượng tập thể.

Theo người phát ngôn của Inditex, công ty muốn thúc đẩy thương lượng tập thể và sự tham gia của người lao động như một cơ chế hiệu quả nhất để tạo ra mức lương đủ sống. Nhưng người phát ngôn chối bình luận về lý do tại sao chỉ một phần nhỏ các nhà máy cung cấp của công ty này ở châu Á có thỏa thuận thương lượng tập thể.

Thời trang nhanh là một phần của vấn đề

Một phần của vấn đề nằm ở chỗ mô hình thời trang nhanh dựa vào mức lương thấp của công nhân. Không phải ngẫu nhiên mà Bangladesh, nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, cũng là nơi mà công nhân may có mức lương thuộc hàng thấp nhất so với công nhân công nghiệp ở bất cứ đâu.

Để bán quần short và áo sơ mi với giá rẻ, và cạnh tranh với các thương hiệu thời trang cực nhanh như Shein của Trung Quốc, nổi tiếng với các mức giá thấp nhất, các thương hiệu thời trang phương Tây gây áp lực, buộc các nhà cung cấp của họ phải giảm chi phí.

Trả lương cao hơn cho công nhân may cũng có nghĩa là chi phí sản xuất áo quần tăng lên. Điều này sẽ khiến một thương hiệu thời trang tự đặt mình vào thế bất lợi trong cạnh tranh nếu các thương hiệu khác không thực hiện những động thái tăng lương tương tự.

Lương công nhân may đã tăng lên ở một nước xuất khẩu hàng may mặc lớn khác như Việt Nam và Trung Quốc, nơi cạnh tranh tuyển dụng lao động của nhà máy rất khốc liệt. Nhưng ở một số trung tâm xuất khẩu quần áo lớn nhất và đông dân nhất thế giới như Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh, lương của công nhân may vẫn ở mức rất thấp.

Sau các cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày của công nhân may hồi năm ngoái, giới chức trách Bangladesh đã tăng mức lương tối thiểu hàng tháng lên khoảng 113 đô la, cao hơn 55% so với mức hiện tại. Dù vậy, mức tăng này chỉ bằng một nửa mức so với mức người lao động yêu cầu.

Trong báo cáo thường niên năm 2022, thương hiệu giày Puma của Đức tiết lộ, các nhà máy ở Pakistan và Bangladesh, nơi cung cấp khoảng 1/8 tổng sản phẩm cho Puma, không trả mức lương đủ sống cho công nhân.

Ngay cả thương hiệu thời trang Patagonia, có trụ sở tại California (Mỹ), nổi tiếng theo đuổi các giá trị tiến bộ, cũng thừa nhận, trong số 29 nhà máy cung cấp cho thương hiệu này, chỉ có 10 nhà máy trả mức lương đủ sống cho người lao động vào năm 2022.

Puma nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tiếp cận vấn đề tiền lương như một nỗ lực tập thể “vì đây không phải là thách thức mà một thương hiệu đơn lẻ có thể giải quyết một mình”.

Nỗ lực H&M ở Bangladesh không mang lại kết quả khả quan

Năm 2013, H&M cam kết thúc đẩy mức lương đủ sống cho công nhân may.  “Phần lớn giá trị cần phải đặt vào túi người lao động và quá trình này diễn ra quá chậm”, Helena Helmersson, giám đốc bền vững toàn cầu của H&M, cho biết vào năm 2013. Hiện nay, Helmersson là CEO của H&M.

Trong số các giải pháp mà H&M đã thực hiện là một dự án thí điểm nhằm thúc đẩy đối thoại xã hộ, trong đó, các công nhân may ở Bangladesh được các nhà chuyên gia lao động đào đạo kỹ năng đàm phán.

Phong trào lao động củaThụy Điển từ lâu sử dụng các nhóm nghiên cứu để huấn luyện người lao động về về cách tổ chức thương lượng tập thể. Nếu được huấn luyện tương tự, H&M cho rằng, công nhân Bangladesh có thể thành lập các ủy ban được bầu cử dân chủ để tự do thành lập công đoàn nhằm yêu cầu tăng lương.

Ngày nay, hơn 90% các nhà máy cung cấp của H&M ở Bangladesh đã bầu ra ủy ban đại diện công nhân. Tuy nhiên, các ủy ban này không đàm phán về lương và chỉ một ít trong số họ trở thành tổ chức công đoàn. Chỉ 20% nhà máy cung cấp của H&M ở Bangladesh, có công đoàn.

Người phát ngôn của H&M thừa nhận, xu hướng thành lập công đoàn đang suy giảm ở các nước mà thương hiệu này thuê gia công.  Theo người phát ngôn, đó là điều đáng lo ngại vì công đoàn được coi là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy cải thiện tiền lương.

Ngoài nỗ lực thúc đẩy tiếng nói của người lao động, H&M còn bắt đầu thu thập và công bố dữ liệu về tiền lương của công nhân may, đồng thời thúc đẩy hệ thống quản lý công nhân tại các nhà máy cung ứng cải thiện tính công bằng và minh bạch trong trả lương.

Tuy nhiên, tác động tổng thể từ các nỗ lực trên của H&M lên tiền lương của công nhân may là rất nhỏ. Một nghiên cứu vào năm 2023 cho thấy, sau ba năm, các nhà máy chịu sự can thiệp của H&M chứng kiến mức tăng lương hơn 5% so với các nhà máy không thực hiện những nỗ lực này.

Theo đánh giá của Greg Distelhorst, giáo sư tại Đại học Toronto, đồng tác giả của nghiên cứu, quy mô của mức tăng lương là “khiêm tốn, không mang tính cách mạng”.

“Tôi nghĩ thật tốt khi H&M thực hiện các chương trình thúc đẩy trả lương cao hơn, và tôi sẽ rất vui nếu có nhiều công ty đi theo sự dẫn dắt của H&M. Đồng thời, tôi nghĩ chúng ta nên có những kỳ vọng thực tế về những gì những chương trình như vậy có thể đạt được”, Greg Distelhorst nói.

 Theo WSJ

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới