Thứ năm, 22/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Ông trùm” ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Ông trùm” ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Tài năng lãnh đạo và sự nhạy bén trong đầu tư của doanh nhân tỉ phú người Trung Quốc Duan Yongping đã giúp ông thành công với nhiều thương hiệu smartphone gồm Oppo, Vivo, OnePlus và Realme.

Cuộc đua điện thoại thông minh: Trung Quốc nguội, Ấn Độ nóng

Samsung “đốt nóng” thị trường smartphone bình dân ở Ấn Độ

“Ông trùm” ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc
Nhân viên của OnePlus kiểm tra camera của smartphone tại nhà máy OnePlus ở TP. Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Ông trùm kín tiếng

Duan Yongping, 58 tuổi, là người sáng lập kiêm chủ tịch công ty hàng điện tử tiêu dùng BBK Electronics, có trụ sở đặt ở TP. Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Công ty này giờ đây quản lý một trong những chuỗi cung ứng linh kiện điện tử hiện đại và lớn nhất thế giới để hỗ trợ sản xuất hàng loạt phân phúc smartphone cho thị trường toàn cầu.

Yongping được nhìn nhận là “ông trùm” của ngành công nghiệp smartphone nhờ phát triển thành công hai thương hiệu đình đám Oppo và Vivo, chỉ đứng sau Huawei ở thị trường Trung Quốc. Hai thương hiệu smartphone khác gồm OnePlus và Realme, được BBK và các nhà đầu tư khác hậu thuẫn tài chính cũng đang trên đường trở thành những thương hiệu lớn tiếp theo của Trung Quốc chinh phục các thị trường nước ngoài.

Duan Yongping cũng là một trong những nhà đầu tư đầu tiên ở công ty thương mại điện tử lớn thứ ba Trung Quốc Pinduoduo được thành lập bởi Colin Huang Zheng, một người bạn của Yongping. Theo danh sách người giàu nhất Trung Quốc năm 2018 do tạp chí Hồ Nhuận công bố, tài sản ròng của ông ước khoảng 10 tỉ nhân dân tệ (1,5 tỉ đô la).

Là người khá kín tiếng, ông ít khi trả lời phỏng vấn báo chí. Ông chỉ thực sự gây sự chú ý trên truyền thông quốc tế hồi cuối tháng 6-2006 khi đồng ý trả mức giá kỷ lục 620.100 đô la trong cuộc đấu giá trên eBay để có được bữa ăn trưa với nhà đầu tư huyền thoại, tỉ phú Warren Buffett, tại một nhà hàng ở New York.

“Tôi học hỏi rất nhiều từ Warren Buffett và triết lý đầu tư của ông ấy. Tôi muốn có cơ hội nói lời cảm ơn”, Yongping nói trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post hồi tháng 7-2006. Yongping đã đưa theo vợ cùng 6 người bạn đến bữa ăn trưa đó, bao gồm Colin Huang Zheng.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Yongping có cuộc trò chuyện với sinh viên người Hoa đang theo học Đại học Stanford ở Palo Alto, bang California, nơi gia đình ông đang sinh sống. Yongping và vợ ông Liu Xin, một cựu nhà báo, đã thành lập quỹ gia đình Enlight Foundation để cung cấp các suất học bổng cho các sinh viên và nghiên cứu sinh người Hoa ở trường Kỹ thuật thuộc Đại học Stanford.

Yongping sinh vào tháng 3-1961 trong một gia đình nghèo ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Đông Nam Trung Quốc. Năm 1978, ông theo học chuyên ngành kỹ thuật vô tuyến ở Đại học Triết Giang tại TP. Hàng Châu.

Sau một thời gian ngắn làm giảng viên tại một trung tâm giáo dục ở Bắc Kinh, ông theo học Đại học Nhân dân Trung Quốc, nơi ông lấy bằng thạc sĩ kinh tế vào năm 1989. Cùng năm đó, ông gia nhập tập đoàn Zhongshan Yihua ở tỉnh Quảng Đông và được giao quản lý một nhà máy kém hiệu quả. Ông đã thành lập một đơn vị thành viên chuyên sản xuất các máy chơi video game rẻ tiền có tên gọi Subor Electronics Industry, nơi ông làm giám đốc điều hành.

Sau đó, ông mang đến cho Subor thành công rực rỡ nhờ sản xuất các máy tính giáo dục giá rẻ. Nhờ vậy, tập đoàn Zhongshan Yihua đạt mức lợi nhuận lên đến 1 tỉ nhân dân tệ (148 triệu đô la) vào năm 1995 so với mức lỗ 2 triệu nhân dân tệ vào lúc Yongping gia nhập công ty này hồi năm 1989.

Chuyển hướng sang smartphone

Duan Yongping, 58 tuổi, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng BBK Electronics. Ảnh: SCMP

Yongping rời bỏ Zhongshan Yihua vào tháng 8-1995 sau khi ban lãnh đạo gạt bỏ kế hoạch của ông về việc tách Subor Electronics Industry trở thành công ty riêng và nắm giữ cổ phần trong công ty mới này. Cuối năm đó, ông thành lập công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng BBK Electronics, nơi ông nắm giữ 70% cổ phần.

Yongping chia hoạt động kinh doanh của BBK Electronics thành ba mảng: điện tử phục vụ mục đích giáo dục, điện tử nghe nhìn (đầu đĩa VCD và DVD) và điện tử viễn thông (điện thoại di động và điện thoại bàn không dây). Năm 1999, Yongping giới thiệu một chương trình hợp tác đầu tư dẫn đến sự ra đời của thực thể kinh doanh độc lập khác và giảm lượng cổ phần nắm giữ của ông tại BBK xuống còn 17%.

Động thái này dẫn đến sự ra đời của hai công ty con Oppo Electronics Corp và Vivo Communication Technology lần lượt vào năm 2004 và năm 2009. Pete Lau, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành OnePlus và Sky Li Bingzhong, người sáng lập Realme, từng là các phó chủ tịch của Oppo.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg vào năm ngoái, Yongping nói ban đầu sản xuất điện thoại di động không phải là lĩnh vực thuộc chuyên môn của ông nhưng ông tin rằng công ty sẽ thành công lớn nếu chuyển hướng sang ngành công nghiệp này.

Quyết định của ông là chính xác vì doanh số các smartphone thương hiệu Trung Quốc tăng bùng nổ khi các mạng di động 3G và 4G phủ sóng khắp toàn quốc. Nhu cầu các điện thoại di động Trung Quốc tăng gấp đôi sau mỗi năm trong giai đoạn 2010-2012 khi mạng 3G được triển khai khắp đất nước này.

Hiện nay, Oppo và Vivo lần lượt là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 và thứ 3 Trung Quốc với tổng thị phần 40%, theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys. Hai thương hiệu này đứng sau Huawei nhưng xếp trước Xiaomi và Apple về thị phần smartphone ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trên thị trường smartphone toàn cầu, Oppo và Vivo xếp ở vị trí thứ 5 và thứ 6 với tổng thị phần 15%, theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.

Yongping xem sự thành công của BBK cùng với hai thương hiệu Oppo và Vivo không phải là sự ngẫu nhiên dù các thương hiệu này gia nhập ngành công nghiệp smartphone muộn hơn các đối thủ khác. Ông lý giải rằng thành công này có được là nhờ tập trung giám sát các đối tác và nhà cung cấp, xây dựng uy tín lớn, sẵn sàng thay đổi khi gặp sai sót và luôn trung thực.

Trong cuộc trò chuyện ở Đại học Stanford vào năm ngoái. Yongping nói rằng ông xem trọng mục tiêu tập trung sản xuất các sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của người dùng hơn là các hoạt động tiếp thị và quảng bá rình rang.
Yongping không ủng hộ những khoản đầu tư mang tính đầu cơ.

Ông nói: “Chỉ đặt cược vào những gì bạn hiểu rõ. Tập trung vào việc nắm bắt mô hình kinh doanh và cách mà nó tạo ra lợi nhuận. 95% nhà đầu tư tập trung vào các biến động của thị trường. Điều đó là sai lầm”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới