Thứ Sáu, 27/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ông Võ Văn Kiệt với chuyện ‘dân giàu, nước mạnh’

Bùi Kiến Thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – LTS: Từ năm 1965 tới năm 1984, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành sống và hoạt động kinh doanh tại Pháp. Ông có những mối quan hệ với Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris, đến viếng và ghi sổ tang sau khi Hồ Chủ tịch mất vào năm 1969. Sau ngày 30-4-1975, ông Bùi Kiến Thành đã làm visa Việt Nam với dự định về nước hỗ trợ tái thiết đất nước sau chiến tranh nhưng được khuyên ở lại. Chính trong những khoảng thời gian này, ông đã nghe tới cái tên Võ Văn Kiệt, được nhắc đến với nhiều thiện cảm. Sau khi trở về vào năm 1991, vị Thủ tướng Việt Nam đầu tiên nhờ tới sự cố vấn của ông chính là Võ Văn Kiệt. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xin trân trọng giới thiệu bài viết của “ông cố vấn” Bùi Kiến Thành.

Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với công nhân đường dây 500KV. Ảnh tư liệu.

Thời thế, nhân thế

Từ cuối thập niên 1970 của thế kỷ 20, kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức nghiêm trọng: tăng trưởng kinh tế thấp, hai năm 1979-1980 ghi nhận tăng trưởng âm, sản xuất không đủ cung ứng nhu cầu trong nước, lạm phát tăng phi mã, GDP bình quân đầu người thuộc nhóm thấp nhất thế giới… Trong TPHCM và khu vực miền Nam, dù đã có sẵn hạ tầng sản xuất và có ưu thế về sản xuất lương thực nhưng động lực sản xuất không còn. Người dân TPHCM lần đầu tiên sau rất nhiều năm phải đối diện với cảnh thiếu lương thực, ăn cơm độn bo bo, khoai sắn… Anh Võ Văn Kiệt, khi đó đang là Bí thư Thành ủy TPHCM đã mạnh dạn thực hiện một vài biện pháp có tính đột phá, trong đó phải kể đến việc để chị Ba Thi Nguyễn Thị Ráo, Giám đốc Công ty Kinh doanh Lương thực TPHCM chủ động thu mua gạo theo giá thị trường để phân phối cho người dân thành phố nhưng nhìn chung vẫn vướng cơ chế chung. Kinh tế TPHCM nói riêng và miền Nam nói chung chưa thể có sự chuyển biến lớn.

Các cuộc tiếp xúc, trao đổi đầu tiên giữa tôi và đại diện từ Chính phủ Việt Nam thông qua Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris diễn ra trong bối cảnh như vậy. Bỏ qua vấn đề ý thức hệ, các cuộc thảo luận tập trung vào những vấn đề có ích lợi cho đất nước mà trước hết và cần thiết nhất là vấn đề kinh tế. Đầu tiên, tôi đề xuất quan điểm dân giàu nước mới mạnh, ghi trên giấy để các anh mang về trình lãnh đạo. Sau khi thống nhất được về điểm cốt lõi này, tôi đặt vấn đề phải vực dậy nền sản xuất, tạo ra sản phẩm và khơi thông đường đi cho hàng hóa lưu thông trên thị trường, tức là có giao thương. TPHCM được chọn làm nơi thí điểm cách tiếp cận mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Vận mệnh của dân tộc có nhiều điều kỳ lạ lắm. Vào thời điểm Việt Nam cần chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã có sự góp sức của các anh Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt…”.

Thời cơ đã có, TPHCM lại có đủ “địa lợi – nhân hòa”. Như đã nói, ở đây sẵn có cơ sở hạ tầng cho các ngành sản xuất, người dân đã quen thuộc với cách thức nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Những người lãnh đạo định hướng sự phát triển của nền kinh tế đi đúng mục tiêu xã hội chủ nghĩa là anh Phạm Hùng ở ngoài Hà Nội, anh Nguyễn Văn Linh đi lại giữa Hà Nội – TPHCM, sau đó là Bí thư Thành ủy TPHCM từ tháng 12-1981 tới tháng 6-1986, và anh Võ Văn Kiệt là Bí thư Thành ủy TPHCM từ tháng 12-1976, được bầu là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 3-1982. Họ đều là những người hoặc là sinh ra hoặc có thời gian hoạt động lâu dài tại địa bàn, thân thuộc và hiểu người dân.

Anh Võ Văn Kiệt có sáng kiến là cái gì Nhà nước không cấm thì ta được thử. Anh cho phép các nhà máy tự tìm nguyên liệu, chứ không chỉ trông chờ phân phối từ Ủy ban Kế hoạch Trung ương, ví dụ, xưởng sắt thép thì tìm sắt vụn, xưởng nhựa thì tìm đồ nhựa phế thải về tái chế… Những thay đổi tích cực dần xuất hiện, từ TPHCM lan ra các tỉnh trong Nam, thể hiện rõ hiệu quả của việc thí điểm.

Tầm nhìn chiến lược

Từ năm 1984, tôi thường xuyên đi đi về về giữa Pháp và Mỹ. Việc tư vấn cho Chính phủ Việt Nam vẫn diễn ra thầm lặng thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Paris. Tới tháng 11-1991, tôi trở lại Việt Nam sau 26 năm, ở chừng một tháng để giải quyết nhiều việc và có một cuộc gặp mang tính chất cá nhân với GS.TS. Phan Lương Cầm, phu nhân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Khoảng một năm sau, tôi được sắp xếp gặp anh Võ Văn Kiệt tại một căn nhà gần cổng vào vườn cây Phủ Chủ tịch phía đường Hoàng Hoa Thám. Một trong những vấn đề quan trọng cần giải quyết vào thời điểm ấy liên quan đến việc khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Đây là một vấn đề nghiêm trọng về chủ quyền lãnh hải. Sau khi trao đổi, giải pháp là thuê một công ty luật của Mỹ nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa Biển Đông, vận động Chính phủ Mỹ giải tỏa một phần cấm vận để thực hiện giải pháp này. Tiếp theo là từng bước tháo gỡ cấm vận của Mỹ, âm thầm thúc đẩy xây dựng quan hệ tốt với Mỹ, thể hiện thiện chí của mình thông qua việc tích cực hỗ trợ tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Hành động này đã giúp tháo gỡ được nhiều vấn đề tế nhị khác, trong đó có hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn bảo hiểm quốc tế AIG phát triển khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng.

Cũng trong những buổi tiếp xúc này, anh Võ Văn Kiệt đặt vấn đề về việc tìm kiếm viện trợ để phát triển kinh tế Việt Nam từ Mỹ. Khi tôi trao đổi với lãnh đạo của Quốc hội Mỹ, họ gợi ý Việt Nam nên qua Ngân hàng Thế giới (WB) đề nghị hỗ trợ. Chính phủ Việt Nam, sau đó, đã liên hệ với WB và quan hệ tín dụng giữa tổ chức này và Việt Nam đã chính thức được nối lại vào tháng 10-1993.

Một lần, tại chỗ hẹn quen thuộc, anh Võ Văn Kiệt đem bản đồ Á Đông ra bàn chuyện. Anh Kiệt nêu vấn đề, khu vực kinh tế bao trùm Việt Nam và miền Nam Trung Quốc có tới 300 triệu dân, lớn hơn cả thị trường chung châu Âu. Trong khi đó, con đường ra biển từ Vân Nam qua Lào Cai đến Hải Phòng là ngắn nhất so với con đường “vạn non” từ Vân Nam đi xuyên qua tới Quảng Đông. Giải pháp nào để khu vực kinh tế này phát triển, vì lợi ích của cả hai nước? Đó là đầu bài đi tới việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng, với sự tham gia của AIG, Mỹ. Việc AIG đầu tư khu công nghiệp Đình Vũ mang ý nghĩa then chốt về hợp tác kinh tế Việt – Mỹ, Việt – Trung, trong vấn đề an ninh quốc phòng Việt Nam cũng như trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Sau này, trao đổi với tôi về dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, anh Võ Văn Kiệt cũng cho rằng, Việt Nam là một đất nước duyên hải và tương lai phát triển của Việt Nam có thể bắt đầu từ vịnh Vân Phong. Đây là một dự án trọng điểm quốc gia, có khả năng đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới về trung chuyển hàng hóa khu vực Bắc Á, Nam Á. Tiếc là, khi đó anh Võ Văn Kiệt đã rời khỏi chính trường.

Một vị lãnh đạo có tâm, có tầm

KTSG: Thưa ông, một buổi làm việc giữa ông và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường diễn ra như thế nào?

Ông Bùi Kiến Thành.

Ông Bùi Kiến Thành: Anh Võ Văn Kiệt nêu ra những vấn đề thiết thực, đặt ra những câu hỏi chính xác về các chủ đề đang thảo luận để mình đưa ra tư vấn và giải pháp. Bạn hình dung như đưa ra một đề bài đúng thì sẽ tìm ra một đáp án đúng.

KTSG: Có khi nào những tư vấn của ông đưa ra không thực hiện được hay không?

– Tất nhiên là có. Những chuyện làm được thì các anh đều cố gắng làm, có thể đề nghị mình tư vấn thêm. Còn nhiều cái chưa thể. Đó là điều bình thường.

KTSG: Ấn tượng về mặt cá nhân của ông với Thủ tướng Võ Văn Kiệt là như thế nào?

– Qua những lần gặp nói chuyện, tôi thấy anh Kiệt là người thật tình, bình dị. Anh lắng nghe những vấn đề mình đưa ra, có trao đổi qua lại. Những vấn đề tôi đưa ra mà anh chấp nhận thì tiếp tục bàn việc, chưa chấp nhận thì tạm thời gác lại, bàn việc khác.

KTSG: Ông đánh giá về ông Võ Văn Kiệt như thế nào trong tư cách một chính trị gia?

– Trong một giai đoạn khó khăn của lịch sử, anh Võ Văn Kiệt đã đóng góp một vai trò quan trọng để chuyển đổi tình thế, góp sức thiết kế và thực hiện chính sách Đổi mới. Người lãnh đạo cần có tâm, có tầm và anh Võ Văn Kiệt là một chính trị gia hội đủ hai yếu tố trên.

Hoàng Hạnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới