Thứ sáu, 2/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ông Võ Văn Kiệt với trí thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ông Võ Văn Kiệt với trí thức

Vũ Quốc Tuấn (*)

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiết trong một cuộc trao đổi với các chuyên gia, cộng tác viên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại Saigon Times Club. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) - Đối với trí thức, ông Võ Văn Kiệt luôn luôn tôn trọng, lắng nghe và phát huy vai trò của họ, do đó đã thu hút được nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng cho những quyết sách quan trọng.

>> Một nét phong cách Sáu Dân

Bên cạnh những tổ chức tham mưu là cơ quan nhà nước mà ông rất chú ý sử dụng và phát huy, ông Võ Văn Kiệt còn thông qua các tổ chức tư vấn của riêng mình nhận được những kiến nghị có giá trị, nhất là trong thời gian đầu của công cuộc Đổi mới, khi mà những khái niệm và công cụ của kinh tế thị trường đang còn mới lạ đối với nhiều nhà lãnh đạo và cán bộ cơ quan nhà nước.

Thông qua các tổ chức tư vấn nói trên, ông cũng có dịp gặp gỡ nhiều trí thức miền Nam và nước ngoài, thông báo cho họ những yêu cầu của đất nước và lắng nghe họ hiến kế cho những quyết sách lớn đang trong tư duy của ông.

Qua các phát biểu của ông, có thể thấy trong ông luôn xuyên suốt tư duy tin tưởng ở trí thức, tôn trọng trí thức, nhìn thấy ở họ lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc và ý thức đóng góp cho sự nghiệp chung chấn hưng kinh tế đất nước. Tư duy ấy của ông bắt nguồn từ tư duy đại đoàn kết dân tộc.

Ông cho rằng: đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp làm cho đất nước giàu thêm và đẹp thêm. Phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần trong quá trình phát triển của đất nước.

Phải thực hiện đại đoàn kết, hòa hợp và hòa giải dân tộc, thu hút mọi người vào công cuộc phát triển đất nước, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, chính kiến, miễn là cùng điểm tương đồng vì phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Ông cho rằng có một thời gian, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã bị vận dụng một cách máy móc, giáo điều.

Những sai lầm trong các cuộc vận động cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân mà Đảng đã công nhận, khiến cho có những nhà công thương, nhân sĩ trí thức có công với cách mạng không được coi là bạn, từ đó đã gây tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.

Ông cho rằng tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được con người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể được quy tụ; con người mà không được quy tụ thì mọi tài nguyên khác cũng sẽ rơi rụng.

Ông cho rằng, trong thế giới ngày nay, trí thức là nguồn lực hàng đầu, một điều kiện hàng đầu, không thể thiếu cho phát triển. Trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức và học vấn.

Trí thức là nguồn vốn quý của dân tộc. Mỗi trí thức có cách hành động và thể hiện lòng yêu nước khác nhau, tùy theo hoàn cảnh; không thể và không nên đòi hỏi mỗi trí thức có hành động yêu nước giống nhau. Trí thức có tận tụy hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có mạnh dạn giao cho họ những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không (ông đã từng đề xuất: có thể có bộ trưởng không phải là đảng viên cộng sản - như thời Bác Hồ).

Điều này không tùy thuộc vào bản thân trí thức mà tùy thuộc vào lãnh đạo có khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không; thu hút được nhân tài cũng là một tài năng của lãnh đạo.

Bằng tư duy minh triết đó, mạnh dạn sử dụng trí thức độc lập dựa trên ý thức và khả năng hiện tại chứ không câu nệ vào quá khứ, với tác phong gần gũi, thân tình, ông Võ Văn Kiệt đã có sức hút mạnh mẽ đối với trí thức, không chỉ với những trí thức trong bộ máy nhà nước mà cả với những trí thức đã có thời gian làm việc và giữ vị trí cao trong Chính quyền Sài Gòn cũ, cả với nhiều trí thức gốc Việt đang sinh sống và làm việc ở các nước phát triển.

Ông nghe họ một cách chân thành, vấn đề nào ông chưa biết thì ông yêu cầu giải thích thêm, chỗ nào chưa rõ thì hỏi lại cho rõ, tranh luận thẳng thắn với những ý kiến mà ông thấy rằng chưa thỏa đáng hoặc bổ sung thêm thực tế cho những người chưa đủ thông tin. Ông rất thích làm việc với những người có chủ kiến, thích nghe những ý kiến “trái tai” mình.

Chính vì thế, trí thức phát biểu với ông những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, không ngần ngại nói ra cả những ý kiến trái với suy nghĩ của lãnh đạo - nhưng đó lại là những ý kiến mà ông rất muốn nghe.

(*) Tác giả là Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong các năm 1985-1994.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới